Mỹ cạn đối sách, Iran tiến sát vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Căng thẳng kéo dài về khả năng hạt nhân của Iran có thể đã đi đến điểm không thể quay đầu trong tuần này, đẩy Trung Đông vào vòng nguy hiểm.

Nhanh chóng làm giàu uranium

Tehran đã tăng cường làm giàu uranium với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 2015 khi ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, trong đó Iran hạn chế việc làm giàu uranium để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018. Các nhà phân tích tin rằng Tehran có thể đã đạt được nguyên liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hôm 9/6, Iran tắt các camera giám sát được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sử dụng để giám sát hoạt động tại các cơ sở hạt nhân quan trọng của nước này. Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, cảnh báo, động thái này có thể giáng một “đòn chí mạng” vào các cuộc đàm phán tìm cách hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran (tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA). Theo ông Grossi, việc không có cảnh quay từ các địa điểm hạt nhân đã tước đi dữ liệu của các nhà đàm phán về JCPOA, khiến họ “về mặt kỹ thuật là không thể có một thỏa thuận”. “Hoặc bạn có thể có một thỏa thuận trên cơ sở không có thông tin, điều mà tôi cho là sẽ không xảy ra. Đây là lý do tại sao chúng tôi nói rằng đó là một điều rất nghiêm trọng. Tất nhiên là sẽ có hậu quả”, Giám đốc IAEA nói với CNN.

Mỹ cạn đối sách, Iran tiến sát vũ khí hạt nhân ảnh 1

Cựu Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm một cơ sở làm giàu uranium vào ngày 10/4/2021. Ảnh: Reuters

Iran đã bắt đầu lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại một nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất, Reuters đưa tin. Theo một báo cáo của IAEA mà được xem, hiện có sự gia tăng hoạt động hạt nhân ở Iran. Trước đó, các chuyên gia của IAEA phát hiện dấu vết uranium ở 3 cơ sở hạt nhân mà Iran không khai báo.

“Một số hành động leo thang quyết liệt nhất từ ​​phía Iran về việc tăng cường chương trình hạt nhân đã xảy ra dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, không phải dưới thời ông Donald Trump. Đó là vì ông Biden tiếp tục chính sách của ông Trump”.

Ông Trita Parsi, Phó Chủ tịch điều hành của đơn vị tư vấn Viện Quincy

Việc Iran tăng tốc chương trình hạt nhân diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng. Các cuộc thảo luận xung quanh JCPOA đang bế tắc trước áp lực gia tăng từ Tehran để Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) không còn bị coi là một tổ chức khủng bố. Đây được cho là điểm gắn bó cuối cùng trong gần một năm rưỡi đàm phán giữa Iran và Mỹ. Đến nay, cả hai bên đều từ chối xúc tiến về vấn đề này, do áp lực chính trị trong nước ở từng quốc gia. Trong những tuần cuối cùng của mình tại Nhà Trắng, ông Trump đã liệt kê IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Quyết định này được những người chỉ trích ông gọi là “liều thuốc độc”. Họ cáo buộc ông “chọc gậy bánh xe” các cuộc đàm phán trong tương lai về việc khôi phục JCPOA.

Những ngày nguy hiểm sắp tới

Các cuộc đàm phán bị đình trệ có những tác động nguy hiểm đối với khu vực. “Trong khi cả Mỹ và Iran đã giải quyết hầu hết các vấn đề kỹ thuật để quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, sự khác biệt chỉ còn tồn tại trên các lĩnh vực phần lớn mang tính biểu tượng. Do đó, Iran đang tấn công bằng cách gia tăng sức ép”, bà Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức phi chính phủ quốc tế Crisis Group, nhận định.

Theo Al-Jazeera, tính toán của Tehran là mở rộng chương trình làm giàu uranium và tăng cường các hoạt động hạt nhân để cảnh báo phương Tây, khiến Mỹ và châu Âu ưu tiên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt với Iran.

Khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018, ông đã mở ra một làn sóng trừng phạt đè bẹp nền kinh tế Iran. Vào thời điểm đó, Chính phủ Mỹ nhận thấy rằng Tehran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận. Nhưng ông Trump có ý định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt, với lý do Iran tiếp tục can thiệp vào Trung Đông thông qua các nhóm bán quân sự liên kết với Tehran. Kịch liệt phản đối cái gọi là “chiến dịch gây áp lực tối đa” của ông Trump đối với Iran, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm sống lại các cuộc đàm phán sau khi ông nhậm chức. Nhưng chính sách của ông Biden chưa thể khôi phục thỏa thuận và Iran đã liên tục nâng cao mức độ vi phạm việc chấm dứt thỏa thuận.

“Người Iran đã không nhận thấy lợi ích nào từ JCPOA kể từ năm 2018. IAEA đã nhìn thấy lợi ích của thỏa thuận. Những người khác đã nhìn thấy lợi ích bởi vì người Iran nói chung đã tuân thủ”, ông Trita Parsi, Phó chủ tịch điều hành của đơn vị tư vấn Viện Quincy (Mỹ), nhận định.

Theo các nhà phân tích, Iran vẫn còn khoảng một năm nữa mới có thể chế tạo vũ khí hạt nhân và khi đó căng thẳng trong khu vực sẽ leo thang hơn nữa. Năm 2019, hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm đang diễn ra ở Ảrập Xêút. Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất cũng có chương trình hạt nhân.

Viễn cảnh về một Iran được trang bị vũ khí hạt nhân có thể khiến tình hình an ninh vốn đã mong manh càng trở nên dễ vỡ, có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực đầy biến động. Trong khi đó, Tổng thống Biden vô kế khả thi, không còn đối sách hiệu quả, giới quan sát nhận định. Mỹ đã trừng phạt Iran dưới thời chính quyền Donald Trump. Các biện pháp trừng phạt đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Iran nhưng không phá hủy được, và Iran có thể sẽ gồng mình chịu được các hình phạt kinh tế bổ sung.

Các vụ ám sát của Israel những năm gần đây nhằm vào các nhân vật người Iran, bao gồm một nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng, cũng đã không thể kiềm chế hoạt động làm giàu uranium của Iran. Điều này có thể khiến Mỹ và các đồng minh cân nhắc theo đuổi một giải pháp quân sự. Một cuộc chiến với Iran có thể đè bẹp chương trình hạt nhân của nước này, nhưng sẽ tàn phá toàn bộ khu vực, ngoài việc kéo Mỹ vào một khu vực mà nước này đã cố gắng tránh sa lầy.

MỚI - NÓNG