Mỹ - Anh phối hợp, Trung Quốc tập trận lớn trên biển Đông

Tàu khu trục tên lửa Hefei của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Tàu khu trục tên lửa Hefei của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
TPO - Lần thứ hai trong năm nay, hải quân Mỹ và Anh vừa tổ chức một đợt diễn tập an ninh trên biển Đông. Trung Quốc cũng vừa huy động hải quân, không quân và đơn vị tên lửa tập dượt suốt 1 tháng trên vùng biển này.

Hải quân Mỹ huy động tàu tiếp dầu USNS Guadalupe, còn Hải quân Hoàng gia Anh cử tàu khu trục HMS Montrose ra biển Đông để huấn luyện về hậu cần và an ninh biển vào ngày 18/2.

Tháng 1 vừa qua, tàu khu trục tên lửa USS McCampbell của Hải quân Mỹ và tàu khu trục HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh cũng tập trận chung trên vùng biển tranh chấp này. 

Trong đợt tập trận mới nhất, lực lượng của Anh và Mỹ triển khai các bài tập về thăm viếng, lên khoang, tìm kiếm và tấn công khi đội tàu Montrose tiến tới và bảo vệ tàu Guadalupe, khi con tàu này đang tham gia hoạt động trên vùng biển cả, thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết. 

Hai tàu Montrose và Guadalupe cũng mô phỏng hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển, bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu diễn ra an toàn và hiệu quả dù họ chưa từng phối hợp với nhau trước đây. 

Trung tá hải quân Conor O'Neill, chỉ huy tàu HMS Montrose, nói rằng bài tập gần đây rất quý giá đối với Hải quân Hoàng gia và lực lượng lính thuỷ đánh bộ Anh. 

Bên cạnh cuộc tập trận chung với nhau vào tháng 1 vừa qua, Hải quân Mỹ và Anh còn phối hợp với Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản triển khai đợt trận trận mô phỏng chiến tranh chống tàu ngầm vào tháng 12 năm ngoái. 

Cuộc diễn tập chung của Mỹ và Anh diễn ra sau khi Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ Philip Davison nói rằng các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ tham gia những chiến dịch trong tương lai của Washington trên biển Đông. 

“Chúng tôi có các đồng minh và đối tác trong khu vực, gồm Anh, Nhật, Úc, New Zealand, Canada, Pháp, và tất cả đang gia tăng hoạt động trên biển Đông. Và tôi nghĩ điều đó thể hiện sự sẵn sàng của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đẩy lùi”, ông Davidson nói trước Thượng viện Mỹ vào đầu tháng này.

Ông Davidson cảnh báo Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng “một dạng ý thức hệ” ở khu vực thông qua kiểu cưỡng ép và gây lo sợ. 

“Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra trật tự mới, một dạng gắn với đặc trưng của Trung Quốc, do Trung Quốc lãnh đạo, tạo ra kết quả phá vỡ ổn định và hoà bình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn đã tồn tại suốt 70 năm qua”, ông Davidson nói. 

Trong khi đó, Trung Quốc vừa đưa hải quân, không quân và một đơn vị tên lửa ra tập trận suốt 1 tháng tập trận trên biển Đông và vùng tây, vùng trung tâm Thái Bình Dương. 

Các nhà quan sát quân sự cho rằng đợt tập trận này cho thấy quân đội Trung Quốc muốn đưa hệ thống chỉ huy chiến tranh vào thử nghiệm và cũng là để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trên biển Đông. 

Nhiều tàu chiến mới của Trung Quốc đã tham gia đợt tập trận này, thông báo của Hạm đội Nam Hải thuộc quân đội Trung Quốc cho biết. Trong lực lượng đó có tàu khu trục tên lửa Hefei, tàu khu trục tên lửa Yuncheng, tàu đổ bộ Changbaishan và tàu tiếp nhiên liệu Honghu. 

Để giả định tình huống chiến tranh thật, bài tập của họ không đưa ra bối cảnh chuẩn bị trước, không có thông báo trước. Tất cả chỉ đạo và phương thức triển khai đều được thực hiện như thể chiến tranh thực sự đang diễn ra, thông báo cho biết. 

“Đợt huấn luyện này giúp chúng tôi tăng cường hiểu biết về tình huống chiến tranh hệ thống trên biển và nâng cao năng lực”, thông báo nói.

Các bài tập khác bao gồm đẩy lùi những tàu đang lại gần, cứu hộ và tập trận bắn đạn thật. Trong suốt 34 ngày diễn tập, bắt đầu từ ngày 16/1, 20 bài tập đã được triển khai. 

Báo South China Morning Post dẫn một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc nói rằng đơn vị tên lửa đã cử một nhóm liên lạc tham gia đợt tập trận này vì trong đó có bài tập liên quan đến phòng vệ tên lửa, và các lực lượng đóng trên những cấu trúc thuộc biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép cũng tham gia. 

“Lực lượng tên lửa sẵn sàng triển khai các tên lửa chống may bay HQ-9 và tên lửa chống hạm YJ ra đảo Phú Lâm”, nguồn tin giấu tên nói. Phú Lâm là đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm bằng vũ lực và đã quân sự hoá thành một tiền đồn quân sự. 

“Trung Quốc chưa triển khai các vũ khí tấn công ra biển Đông một phần vì Trung Quốc định kỳ tuần tra do thám ở khu vực này”, nguồn tin nói. 

Nhà phân tích quân sự Song Zhongping ở Hong Kong đánh giá rằng đợt tập trận vừa qua là nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm kết hợp tốt hơn các đơn vị truyền thống và chiến thuật của lực lượng tên lửa với Bộ chỉ huy phía nam – lực lượng của Trung Quốc phụ trách khu vực bao trùm biển Đông. 

Theo Theo SMCP
MỚI - NÓNG