Mưu sinh bên 'miệng thủy thần'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Thu nhập cũng khá thật, nhưng hái rong biển ở những vách đá của vịnh Hòn La không phải ai cũng làm được. Chỉ một chút lơ đễnh, là bị sóng “nuốt” ngay. Chúng tôi vẫn hay đùa, mình mưu sinh bên miệng thuỷ thần là vậy” - anh Đinh Văn Dũng, một người chuyên lấy rong biển, chia sẻ.

Canh sóng hái rong

Ngày đông, biển động, từng cột sóng lớn đập vào vách đá tung bọt trắng xóa, cũng là lúc các loài rong biển sinh sôi. Vào thời điểm này, người dân ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại kéo nhau ra những vách đá, ghềnh đá ở quanh vịnh Hòn La để hái rong biển.

Theo ngư dân ở xã Quảng Đông, rong biển thường mọc trên những vách đá và ghềnh đá nằm sát chân sóng. Chúng chỉ xuất hiện từ đầu tháng 10 âm lịch, sau những trận mưa lớn và kéo dài đến hết tháng giêng, khi tiết trời bắt đầu ấm lên thì loài rong này cũng biến mất. Mùa lấy rong biển thường trùng với thời điểm biển động, nên cũng là “cứu cánh” cho nhiều ngư dân không thể ra khơi mùa biển động.

Rong biển ở vùng biển xã Quảng Đông có 2 loài chính: Loài mọc trên những vách đá dựng đứng, nơi thường xuyên tiếp xúc với sóng biển, người dân địa phương gọi là rong đỏ.

Để khai thác loài rong này, đòi hỏi phải là những nam ngư phủ có sức khoẻ, nhanh nhẹn, có kinh nghiệm để tránh những cơn sóng dữ ập vào bất cứ lúc nào. Họ mang theo chiếc liềm có cán dài, cùng cái túi được đan từ lưới, đu mình bên những vách đá đựng đứng để hái rong; loài thứ 2 thường mọc ở những ghềnh đá, lúc ngập, lúc phơi lộ tuỳ theo thuỷ triều lên xuống, gọi là rong mứt. Với loại rong này, việc khai thác dễ dàng hơn nên thu hút phần lớn phụ nữ và trẻ em.

Mưu sinh bên 'miệng thủy thần' ảnh 1

Phụ nữ xã Quảng Đông đang hái rong mứt

Mùa rong biển ở vịnh Hòn La chỉ kéo dài khoảng 4 tháng, nhưng mang về cho người dân Quảng Đông một nguồn thu nhập đáng kể. Một ngày bám mình trên những vách đá, nhóm “ngư phủ” gồm 5 người của anh Đinh Văn Dũng (SN 1986, trú ở thôn Vĩnh Sơn) khai thác được hơn 20 kg rong đỏ.

Hiện tại, 1kg rong đỏ được thu mua với giá 250 nghìn đồng, nhóm của anh Dũng đã có thu nhập 5 triệu đồng, trung bình mỗi người được 1 triệu đồng.

“Chúng tôi luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Nếu không để ý, sóng biển ập vào, chỉ trong tích tắc là mất mạng như chơi. Nhiều hôm biển động mạnh, trong nhóm phải cử ra một người ngồi canh sóng để cảnh báo cho những người còn lại” - anh Dũng chia sẻ.

Theo người dân ở xã Quảng Đông, rong biển, đặc biệt là rong đỏ ở vùng biển vịnh Hòn La có tác dụng giải độc, thanh mát cơ thể. Từ người lớn cho đến trẻ con đều ăn được. Những người đi lấy rong đỏ ở Quảng Đông, chỉ cần đưa về đến nhà là có thương lái tìm đến mua ngay. Vì vậy, dù vất vả và nguy hiểm nhưng cứ hễ đến mùa biển động là người dân Quảng Đông lại kéo nhau ra các ghềnh đá quanh vịnh Hòn La để săn “lộc biển”.

Không đủ sức khỏe, kinh nghiệm đương đầu với sóng biển để khai thác rong đỏ như cánh đàn ông, những người phụ nữ ở xã Quảng Đông chọn khai thác loài rong mứt. Chị Nguyễn Thị Đào, ở thôn Vĩnh Sơn, cho biết: Vào mùa rong biển, dù ngày hay đêm, chị cùng với nhiều phụ nữ trong xóm, chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, ra ghềnh đá chờ khi thuỷ triều rút.

Khi những tảng đá bám rong trồi lên khỏi mặt nước, cũng là lúc chị em dùng miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, lớn hơn vỏ nghêu, vừa tầm với tay để cạo rong mứt ra khỏi đá.

“Rong mứt bám vào đá nên rất ít, chứ không nhiều như rong đỏ. Vì vậy, đi cạo rong mứt đòi hỏi phải có lòng kiên trì. Lấy rong mứt phụ thuộc hoàn toàn vào thuỷ triều, nên có lúc thuỷ triều rút vào ban đêm, thì phải dùng đèn pin để rọi tìm rong. Trung bình mỗi lần đi lấy rong biển, nếu cần mẫn, chịu rét mướt, mỗi người cũng chỉ hái được từ 1 đến 2 kg là nhiều. Rong mứt hiện có giá giao động từ 150-200 nghìn đồng/1kg, nên chúng tôi cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng” - chị Đào chia sẻ.

Nghề nguy hiểm

Theo người dân Quảng Đông, nghề khai thác rong biển, đặc biệt là loài rong đỏ đòi hỏi phải là những người có kỹ năng thượng thừa. Để hái được rong đỏ, người thợ phải bám vào những vách đá trơn trượt, cheo leo bên mép sóng. Khi mắt tập trung tìm rong, thì tai phải để ý nghe tiếng sóng để phán đoán là đợt sóng to hay sóng nhỏ.

Người có kinh nghiệm, khi bám vào một vách đá nào đó, điều đầu tiên không phải tìm rong mà là tìm nơi ẩn nấp. Nếu ở đó không có hốc đá chắn sóng thì đừng dại mà “say rong” ở đó. Kiểu gì cũng phải tìm được nơi ẩn nấp, không để sóng đánh trực diện vào người, nếu không muốn bị sóng nuốt chửng.

Không chỉ những nam “ngư phủ” đi lấy rong đỏ mới gặp nguy hiểm, mà chị em đi lấy rong mứt cũng chưa phải đã tuyệt đối an toàn. Nhiều lúc “say rong”, thuỷ triều lên lúc nào không hay biết, không ít chị em đã bị sóng cuốn trôi mất mạng. Mới đây nhất, ngày 7/2/2022, chị L.T.H (SN 1981) ở thôn Minh Sơn, trong khi đang cào rong mứt ở vịnh Hòn La đã bị sóng kéo xuống biển dẫn đến tử vong. Trước đó, cuối năm 2020, chị P.T.H ở thôn Vĩnh Sơn cũng bị một cơn sóng dữ đánh bay xuống biển. Khi mọi người đi cùng đến cứu thì chị H. đã tử vong.

Ông Lê Chí Tương, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho hay: Lấy rong biển là một nghề cho thu nhập khá, nhưng lại rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy là để lại hậu quả xấu. Rong biển là cứu cánh cho nhiều gia đình ở Quảng Đông vào mùa biển động. Chính quyền địa phương vẫn thường xuyên khuyến cáo bà con cần phải hết sức cẩn thận khi đi lấy rong biển. Thế nhưng, những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có người bị tử nạn khi đi lấy rong biển.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.