Rong biển vô cùng bổ dưỡng nhưng khi ăn cần lưu ý khả năng nhiễm độc

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Rong biển vừa là một nguyên liệu ẩm thực, vừa được tận dụng như một thảo dược cải thiện sức khỏe. Thế nhưng nếu không sử dụng đúng cách chúng ta có thể 'gặp những rắc rối' do các tác hại của rong biển.

Tác dụng của rong biển đối với sức khoẻ

Cung cấp vitamin và khoáng chất

Rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn bất kỳ loại rau trồng trên mặt đất nào. Chúng là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng như folate, canxi, ma- giê, kẽm, sắt và selen. Quan trọng hơn, rong biển còn chứa nguồn i ốt lớn cho cơ thể.

Cung cấp DHA và EPA – axit béo omega -3

Không giống như các loại cây trồng trên mặt đất, rong biển có chứa các axit béo DHA và EPA, vì thế rong biển và dầu tảo là nguồn cung cấp omega -3 đáng tin cậy cho những người ăn chay.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Một số người khi ăn các loại đậu thường bị đầy hơi và tức bụng. Nếu bạn bị như vậy, hãy cho thêm rong biển kombu, một loại rong biển rất phổ biến, vào nấu cùng với đậu thì các triệu chứng kia sẽ hoàn toàn biến mất.

Chứa chất chống oxy hóa

Rong biển có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Là một loại thực phẩm lành mạnh, rong biển có thể giúp cơ thể chống lại sự mất cân bằng ô xi hóa và ngăn chặn các bệnh mãn tính như ung thư và các bệnh về đường tiêu hóa.

Cung cấp chất xơ prebiotic

Tất cả các loại thực vật đều chứa chất xơ nhưng rong biển còn chứa nhiều loại carbohydrate (đường, tinh bột và chất xơ) khác giúp thúc đẩy hoạt động của các enzym trong hệ tiêu hóa mà cơ thể còn thiếu.

Đó là carrageenan, fucan, galactan và nhiều loại khác. Những chất carbohydrate này sau đó sẽ trở thành thức ăn cho các vi khuẩn trong đường ruột.

Tăng cường chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp trong cơ thể cần hấp thụ đủ lượng iốt hàng ngày để có thể hoạt động hiệu quả. Thiếu iốt sẽ dẫn đến các triệu chứng như thiếu năng lượng, khô da, suy giảm trí nhớ và tăng cân. Rong biển nổi tiếng là loại thực phẩm giàu iot. Ăn một vài khẩu phần rong biển sẽ giúp bạn nạp đủ lượng iot cần thiết cho cả tuần.

Tuy vậy, bạn cũng nên bổ sung iot cho cơ thể từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Lạm dụng rong biển có thể gây phản tác dụng và ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tuyến giáp.

Tốt cho tim mạch

Hàm lượng chất xơ hòa tan và các chuỗi axit béo Omega-3 trong rong biển có khả năng điều hòa huyết áp và ngăn ngừa tình trạng đông máu. Nhiều nghiên cứu trên cả động vật và con người đều chỉ ra nhiều tín hiệu khả quan về tác dụng của rong biển trong việc giảm thiểu cholesterol xấu và chỉ số mỡ máu.

Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, ăn rong biển giúp cải thiện sức khỏe tim mạch cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng.

Ngăn ngừa bệnh ung thư

Các hợp chất có trong rong biển, đặc biệt là các giống tảo nâu (như tảo bẹ, wakame hay kombu) có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Ở phụ nữ, những dưỡng chất này sẽ giúp điều hòa lượng estrogen trong cơ thể để phòng chống ung thư vú.

Hàm lượng chất xơ hòa tan cao có trong rong biển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa chứng ung thư đại tràng.

Rong biển vô cùng bổ dưỡng nhưng khi ăn cần lưu ý khả năng nhiễm độc ảnh 1

Các tác dụng phụ của rong biển

Dư thừa iốt

Như đã chia sẻ, rong biển là một nguồn cung cấp iốt dồi dào. Do đó, ăn rong biển giúp tăng cường chức năng tuyến giáp, phòng ngừa bướu cổ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta hấp thụ vào cơ thể quá nhiều iốt trong thời gian ngắn sẽ gây tác động ngược và để lại ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tuyến giáp. Các nghiên cứu dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng nhu cầu iốt hàng ngày không vượt quá 150mcg, nên nếu bạn dùng trên 100g rong biển mỗi ngày (đặc biệt là rong biển kombu và rong biển dulse), cơ thể có nguy cơ bị thừa iốt.

Rối loạn tiêu hóa

Rong biển chứa nhiều carbohydrat mà hệ tiêu hóa của chúng ta không thể tiêu hóa được và làm ức chế hoạt động của lợi khuẩn đường ruột. Vì thế, nếu đang gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa hoặc hệ tiêu hóa yếu thì bạn hãy hạn chế ăn rong biển.

Bên cạnh đó, rong biển còn có rất nhiều chất xơ. Ăn nhiều chất xơ rất tốt cho cơ thể nhưng tránh để rơi vào tình trạng dư thừa chất xơ, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều, gây đầy bụng khó tiêu.

Tăng nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng

Ngoài việc giàu các khoáng chất có lợi, tỉ lệ rong biển bị nhiễm một số kim loại độc vẫn có thể xảy ra. Điều này phụ thuộc vào nguồn gốc của từng loại rong biển, nơi thu hoạch và mức độ độc hại trong nước.

Mức độ kim loại nặng có trong rong biển rất khác nhau ở mỗi loại và khả năng chuyển hóa kim loại nặng ở mỗi người cũng khác nhau. Do vậy, tốt nhất chỉ ăn rong biển ở mức độ vừa phải, không ăn quá nhiều.

Rong biển vô cùng bổ dưỡng nhưng khi ăn cần lưu ý khả năng nhiễm độc ảnh 2

Những người không nên sử dụng rong biển

Với những tác dụng phụ trên, những bệnh nhân gặp phải các vấn đề về thận hay máu và đang sử dụng thuốc cần đặc biệt lưu ý tới liều lượng rong biển mà bản thân sử dụng. Để đảm bảo an toàn, nên kiêng việc ăn rong biển trong thời gian này.

Đối với những người đặc biệt như phụ nữ mang thai và cho con bú, các bệnh nhân sắp hoặc đang điều trị thuốc, phẫu thuật, … việc sử dụng rong biển dưới bất kỳ dạng nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ.

Đối với những trường hợp khác, đảm bảo chất lượng rong biển bằng việc lựa chọn kỹ càng và sử dụng một cách khoa học sẽ giúp hạn chế tối đa các tác dụng phụ nói trên.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.