Mường Ảng chuyển mình khởi sắc

TP - Với sự nỗ lực phấn đấu trong thực hiện các chính sách, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, huyện Mường Ảng (Điện Biên) ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Ánh sáng điện, sóng viễn thông… và những ngôi nhà cao tầng khang trang, đời sống người dân được cải thiện là những minh chứng rõ nét.

Huyện miền núi Mường Ảng nằm ở phía Đông của tỉnh Điện Biên, được chia tách và thành lập từ các xã nghèo của huyện Tuần Giáo cũ vào năm 2007, khi đó là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 44,341ha, với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, như Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú.

Mường Ảng chuyển mình khởi sắc ảnh 1

Khánh thành Chợ trung tâm xã Búng Lao vào ngày 13/7/2024

Sau 17 năm nỗ lực, giờ đây, Mường Ảng đã trở mình đổi thay, khoác lên diện mạo mới. Toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn với 118 bản, tổ dân phố. Điện, đường, trường, trạm y tế, sóng phát thanh truyền hình, kết nối thông tin liên lạc đã phổ cập tất cả các xã vùng dân tộc thiểu số.

Toàn huyện, đường ô tô về tới trung tâm các xã và 128,3 km đường nội bản, liên bản được cứng hóa. Ánh điện lưới quốc gia thắp sáng hơn 97% hộ dân tộc thiểu số. Tiếng trống trường, tiếng trẻ học bài của bậc mầm non, tiểu học, THCS vang lên khắp các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện. Tất cả các xã đều có trạm y tế và được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc.

Ông Tạ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, hướng dẫn kịp thời của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng và công tác phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở về công tác dân tộc, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân nhất là vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến khởi sắc, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, mặt bằng dân trí và mức sống người dân từng bước được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường và củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được giữ vững.

Các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng: giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt,... được đưa vào sử dụng nhằm tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, nghe, nhìn. Toàn huyện đã có 2/9 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là Ẳng Nưa, Búng Lao. Các xã còn đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

Bên cạnh đó huyện Mường Ảng ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội: như hệ thống đường 42m, đường 27m; hồ điều hòa; quảng trường hoa ban; trường học quy mô hiện đại; nhiều nhà văn hóa Tổ dân phố được đầu tư hiện đại với quy mô 250 chỗ ngồi. Đặc biệt là huyện duy nhất có hệ thống chợ (chợ trung tâm huyện, chợ TT xã Búng Lao) đồng bộ, hiện đại; 100% người dân kinh doanh trong chợ..., khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan, mất ATGT...

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng công trình an sinh - xã hội, như: Hệ thống đèn tín hiệu giao thông; trường, lớp học, nhà văn hóa, đường dân sinh (đường nội bản Món Hà, Nhà văn hóa bản Huổi Châng, các điểm trường Mầm non, Tiểu học,...); hệ thống điện, nước, cây xanh, một số hạng mục Nghĩa trang nhân dân huyện - An Lạc Viên, ... với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng, góp phần phục vụ thiết thực đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào vùng đặc biệt khó khăn.

Nâng cao thu nhập, chất lượng nhân lực

Cùng với những chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, các chính sách về nông nghiệp nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên địa bàn huyện có khoảng 31.450 người trong độ tuổi lao động; hiện có 7.970 người qua đào tạo nghề có văn bằng, chứng chỉ, chiếm 21,2% tổng số người đang làm việc trong các lĩnh vực trên địa bàn.

Huyện cũng đã triển khai hiệu quả chính sách vay vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội, chất lượng tín dụng ngày càng phát triển và ổn định, nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện năm 2023 đạt triệu 34,5 triệu đồng/người/năm.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.