Ngày 19/3, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết đang đề xuất phương án mượn 2 con voi cái của Thái Lan phục vụ công tác sinh sản, bảo tồn.
Liên tục chết non
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng voi ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, nếu không có những biện pháp bảo tồn tích cực thì sẽ bị tuyệt chủng. Từ năm 1975 đến 1980, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam khoảng hơn 1.500 con, phân bố hầu như khắp cả nước. Đến nay, chỉ còn khoảng 10 khu vực có voi sinh sống với tổng số khoảng 70-130 con.
Trong khi đó, vài năm gần đây, đàn voi nhà liên tục bị chết trẻ. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giờ chỉ còn hơn 40 con, trong đó chủ yếu là voi già, rất yếu.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, số lượng voi nhà chết ngày một tăng. Bởi lẽ, voi ngày càng già, lại không được chăm sóc bài bản và bị lạm dụng trong các hoạt động du lịch dẫn đến kiệt sức.
PGS-TS Bảo Huy, Trưởng nhóm lập đề án Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho rằng ngoài nguyên nhân trên, môi trường sống của voi đang bị thu hẹp, rừng bị tàn phá, voi bệnh tật không được thả vào rừng để tìm cây thuốc tự chữa bệnh khiến cho sức đề kháng của chúng giảm, mắc nhiều bệnh tật. “Thông thường, tuổi thọ và các giai đoạn phát triển của loài voi tương đương với con người nên việc những con voi ở độ tuổi 30-40 chết là điều hết sức lo ngại” - ông Bảo Huy nhận xét.
Không dễ mượn voi
Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk xác định việc thành lập một khu vực chăn thả tập trung ở Vườn Quốc gia Yók Đôn (huyện Buôn Đôn) là điều cấp bách. Tại đây, voi được thả trong diện tích rừng hơn 200 ha, có đầy đủ thức ăn, nước uống, cây thuốc nhằm tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, việc chăn thả tập trung sẽ tạo cơ hội cho voi gặp gỡ, giao phối để thúc đẩy sinh sản.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Luân, mặc dù nguồn vốn không thiếu nhưng đến nay, khu chăn thả voi nêu trên vẫn chưa thể hoàn thành do nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu, các thủ tục mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, bà Erin Ivory, thuộc Tổ chức Động vật châu Á, cảnh báo công tác bảo tồn voi ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đối với voi nhà, hiện chỉ còn 12 con cái đang ở tuổi sinh sản. Ở Việt Nam, điểm chung là voi bị bắt sống riêng lẽ từng cá thể, bị xích và buộc phục vụ du lịch. Khi đưa vào rừng cho ăn, voi cũng bị xích vào cây khiến chúng không có không gian, không có môi trường sống riêng.
“Để voi sinh sản là việc làm rất cấp bách bởi thời gian càng kéo dài, voi càng già thì khả năng sinh sản sẽ giảm. Voi chỉ được bảo tồn khi được sống với bản năng, bầy đàn, không phục vụ du lịch. Điều này Việt Nam chưa làm được” - bà Erin Ivory nhấn mạnh.
Về việc mượn voi của Thái Lan để gây giống, ông Huỳnh Trung Luân cho biết luật pháp Thái Lan bảo vệ loài voi còn nghiêm ngặt hơn cả Việt Nam. Họ xem voi là bảo vật quốc gia nên muốn mượn được thì phải dựa vào chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn voi, chưa kể quyết định phải ở tầm quốc gia.
Học hỏi các nước bảo tồn voi
Hiện nay, quần thể voi hoang dã châu Á còn khoảng 35.000-50.000 con và voi thuần dưỡng khoảng 15.000 con. Tại Sri Lanka, chính phủ nước này đang cố gắng thực hiện các giải pháp bảo tồn cho khoảng 3.000 con voi. Một số biện pháp hiệu quả là ngăn chặn việc sử dụng tiếng ồn, ánh sáng và các thiết bị gây sốc khác làm ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của voi; thành lập công viên quốc gia mới và mở rộng diện tích khu bảo tồn, làm giàu môi trường sống của voi...