Chiều 31/3, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2015 và nhiệm vụ trọng tâm quý II. Buổi sơ kết được phát trực tuyến tại 63 tỉnh thành cả nước.
“Lái xe của doanh nghiệp của “ông nọ, bà kia” thì không sợ bị phạt, muốn lái kiểu gì thì lái. Dẫn đến lái xe coi thường pháp luật”.
Ông Nguyễn Văn Thanh thẳng thắn
Báo cáo kết quả công tác quý I/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, so với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tai nạn đường bộ vẫn nổi lên với 2.600 vụ, làm chết 2.300 người, bị thương 1.600 người. Trong quý I, có 36 tỉnh, thành phố giảm được số người chết do TNGT trên 10%. Trong đó, 12 địa phương giảm trên 20% số người chết. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai có mức giảm hơn 50%. Bộ trưởng GTVT đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương, khen thưởng.
Ngược lại, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn tăng, trong đó có 16 tỉnh để tỷ lệ tai nạn tăng hơn 10%. 5 tỉnh, có số người chết tăng trên 50% là Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang. Bộ trưởng Thăng đề nghị có biện pháp phê bình, kiểm điểm các địa phương này.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp của “ông nọ, bà kia”
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi: Tai nạn đường bộ giảm, tại sao số lượng người chết lại cao hơn số người bị thương? Để xảy ra hiện tượng này đầu tiên là lỗi của các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải quản lý lái xe lỏng lẻo, từ đào tạo đến sử dụng.
Hiện các nhà xe hầu như đều phó thác cho lái xe tự tung tự tác, tình trạng thiếu ngủ, uống rượu bia tràn lan dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng. Ông Thanh cũng đề cập đến việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh.
Ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, TNGT tăng cao tại tỉnh do dịp Tết, lượng người tham gia giao thông uống rượu, bia tăng cao, dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Bắc Giang đã yêu cầu các đồng chí lãnh đạo địa phương không được can thiệp vào việc xử lý xe vi phạm giao thông, với những trường hợp xe quá khổ, quá tải sẽ xử lý kịch khung.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long cho biết, CSGT tỉnh được yêu cầu, nếu có cán bộ nào gọi điện xin xỏ, CSGT có thể gọi điện thẳng cho Chủ tịch tỉnh để báo cáo. Ông Long cũng khuyến khích người dân tố giác những hành vi tiêu cực.
“Lãnh đạo ra đứng đường, sẽ không còn xe quá tải”
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao hoạt động của Ủy ban trong bối cảnh tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận nhiều địa phương còn tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe.
Đó là những địa phương có các mỏ khoáng sản hoặc giáp với biên giới Trung Quốc, Lào đang mở cửa cho xe quá tải vào phá đường. Phó Thủ tướng cho biết, có một số trạm cân tại Đà Nẵng, Huế, cứ 3 - 4h sáng là bỏ vị trí để xe quá tải ùn ùn kéo qua.
Có hiện tượng đó là do lãnh đạo tỉnh, thành phố chưa quyết liệt vào cuộc. Phó Thủ tướng nhắc lại đề xuất của Bộ trưởng GTVT trước đó: “Mỗi địa phương chỉ cần Bí thư, Chủ tịch và Giám đốc Công an thay nhau xuống đường, trong quý II/2015 sẽ sạch bóng xe quá tải”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các đồng chí tăng cường kiểm tra tải trọng theo tinh thần chỉ đạo, siết chặt tải trọng xe. Các địa phương cũng phải rà soát lại.
Đề nghị Bộ Công an huy động tối đa lực lượng của ngành tuần tra kiểm soát theo chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm và có phương án đảm bảo an toàn giao thông khu vực nông thôn, các địa điểm du lịch”.