Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải:

Muốn có cán bộ trẻ phải giao việc sớm để rèn luyện, thử thách

TP - Để có cán bộ trẻ, các cấp ủy phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ tạo nguồn đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và giao việc sớm để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

Trao đổi với PV Tiền Phong về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, ông Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, để có cán bộ trẻ, các cấp ủy phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ tạo nguồn đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và giao việc sớm để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Nếu chỉ đến khi chuẩn bị đại hội mới lo thì không thể có cán bộ trẻ.

Muốn có cán bộ trẻ phải giao việc sớm để rèn luyện, thử thách ảnh 1

Ông Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư

Đổi mới không dưới 1/3 cấp ủy đầu nhiệm kỳ

Chỉ thị số 36-CT-TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng có những nội dung gì mới so với nhiệm kỳ trước về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và đội tuổi của cấp ủy khóa tới, thưa ông?

Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư về đại hội đảng bộ các cấp lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và có một số điểm mới so với đại hội nhiệm kỳ trước.

Cụ thể là:

Trong các tiêu chuẩn của cấp ủy viên, cần đặc biệt coi trọng các yêu cầu: lập trường tư tưởng chính trị; hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; có tư duy đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời và xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ; có phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; có thái độ nghiêm túc trong khắc phục, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.

Về cơ cấu cấp ủy, trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, các cấp ủy cần có cơ cấu hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy viên.

Các cấp ủy cần có ba độ tuổi, phấn đấu có ba độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi (dưới 40 tuổi đối với cấp ủy tỉnh và dưới 35 tuổi đối với cấp ủy huyện) không dưới 10% tổng số cấp ủy viên; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân tộc của từng địa phương và phải bằng hoặc cao hơn khóa hiện nay.

Đối với lực lượng công an, quân đội liệu có tiêu chí đặc thù gì không, những trường hợp sắp đến tuổi nghỉ hưu thì xử lý thế nào, thưa ông?

Các cấp ủy cần đổi mới không dưới 1/3 nhân sự so với số lượng cấp ủy đầu nhiệm kỳ 2010- 2015; trường hợp số cấp ủy viên đủ tuổi tái cử cao hơn thì việc lựa chọn cấp ủy viên tái cử phải căn cứ vào trình độ, năng lực, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, nhu cầu bố trí cấp ủy viên và sự tín nhiệm đối với cán bộ đó thông qua phiếu tín nhiệm của cấp ủy lấy từ cao đến thấp.

Các đồng chí trong Đảng bộ Quân đội; các đồng chí cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trong Đảng bộ Công an Nhân dân, tái cử cấp ủy khóa mới phải đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên; trường hợp còn tuổi công tác từ dưới 30 tháng đến 1 năm thì phải là các đồng chí có năng lực, uy tín cao, sức khỏe tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phải được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đối với cán bộ đó đồng ý.

Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương lần này quy định: Các cấp ủy phải có 3 độ tuổi và đảm bảo tỷ lệ cấp ủy trẻ không dưới 10%.

Các đồng chí bí thư đảng ủy, phó bí thư chuyên trách công tác Đảng, chủ tịch HĐTV (HĐQT) hoặc tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn, còn độ tuổi công tác từ 1 năm trở lên, nếu có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe, được tín nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý thì có thể tiếp tục tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015- 2020 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Sau đại hội, nói chung các đồng chí không tham gia cấp ủy thì sẽ thôi giữ các chức vụ lãnh đạo chính quyền. Đối với cán bộ cấp tỉnh và huyện, những đồng chí còn hai năm trở lên mới đủ tuổi nghỉ hưu, có phẩm chất, năng lực, sức khỏe tốt và có nguyện vọng tiếp tục công tác thì xem xét, bố trí nhiệm vụ phù hợp.

Những đồng chí còn dưới hai năm đến tuổi nghỉ hưu, nếu không bố trí được thì nghỉ công tác, giữ nguyên một số chế độ chờ đủ tuổi nghỉ hưu; những trường hợp có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi sẽ giải quyết theo quy định của Chính phủ.

Muốn có cán bộ trẻ phải giao việc sớm để rèn luyện, thử thách ảnh 2

Cán bộ Đoàn, nguồn hậu bị tin cậy của Đảng đã và đang khẳng định mình trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Số dư không quá 30%

Việc bầu cử theo Quy chế bầu cử trong Đảng sẽ được tiến hành ra sao, có điểm gì cần phải lưu ý trong triển khai thực hiện, thưa ông?

Ngày 9/6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng. Như vậy, trong dịp đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng lần này, chúng ta sẽ thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng mới do Trung ương ban hành.

Có thể nói, Quy chế bầu cử trong Đảng mới ban hành là bước phát triển về nhận thức, vừa phát huy dân chủ, đảm bảo tập trung và tăng cường kỷ cương của Đảng, vừa khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn bầu cử ở các cấp. Vì vậy, tôi tin rằng việc bầu cử ở đại hội đảng bộ các cấp lần này sẽ được tiến hành thuận lợi, đem lại kết quả tốt.

Tuy nhiên, tôi lưu ý mấy điểm sau: Điều 13 của Quy chế bầu cử quy định: Cấp ủy viên, cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách mà cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu mình không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy; ở hội nghị ban chấp hành, các ủy viên thường vụ không được đề cử người ngoài danh sách mà ban thường vụ đề cử, không được ứng cử và nhận đề cử nếu mình không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ.

Điều 16 của Quy chế bầu cử cũng quy định: Danh sách nhân sự cấp ủy khóa tới do cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy và ban thường vụ có số dư từ 10 đến 15%.

Chủ động tạo nguồn, quy hoạch cán bộ trẻ

Trong nhiều đại hội, chúng ta đều đặt ra yêu cầu trẻ hóa cán bộ, vậy trong hướng dẫn lần này được quy định tỷ lệ cấp ủy viên trẻ như thế nào? Và theo ông cần thực hiện ra sao để đạt tỷ lệ đó?

Đúng là trong nhiều kỳ đại hội, chúng ta đều đặt ra yêu cầu phải trẻ hóa cán bộ nhưng vẫn không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đơn cử như nhiệm kỳ đại hội trước, quy định cấp ủy tỉnh phải đạt 10% cấp ủy trẻ tuổi nhưng hầu hết các tỉnh, thành phố đều không đạt.

Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương lần này quy định: Các cấp ủy phải có 3 độ tuổi và đảm bảo tỷ lệ cấp ủy trẻ không dưới 10%; nếu nơi nào chưa chuẩn bị được theo tỷ lệ trên thì cấp trên có thể đưa từ nơi khác về hoặc phải bầu cấp ủy với số lượng ít hơn, số còn thiếu sẽ tiếp tục chuẩn bị và bổ sung trong nhiệm kỳ để đạt được tỷ lệ theo quy định.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, để có cán bộ trẻ, các cấp ủy phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề này và phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt hơn; phải chủ động từ tạo nguồn đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ và giao việc sớm để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

Trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG