> Họp khẩn với doanh nghiệp có lao động làm việc tại Libya
Biểu tình đang gia tăng ở Libya. Ảnh: AP. |
Lo hết lương thực
Hôm qua, 23-2, lãnh đạo một số Cty xuất khẩu lao động (XKLĐ) có lao động đang ở Libya cho biết, lo lắng nhất hiện nay chính là vấn đề lương thực cung cấp cho lao động trong những ngày tới. Hiện, lao động Việt Nam đã nghỉ việc. Những ngày tới, nếu không có thức ăn, chắc chắn họ phải rời lán trại. Đến lúc đó, tính mạng lao động sẽ khó bảo đảm.
Lãnh đạo một Cty cho biết, mấy ngày gần đây không thể liên lạc được với người lao động. Đường truyền internet cũng không kết nối được. Theo vị giám đốc này, trước tình hình căng thẳng leo thang, chủ sử dụng lao động Trung Quốc đã đề xuất hai phương án đưa lao động Việt Nam về nước. Một là đưa lao động Việt Nam về Trung Quốc cùng với lao động Trung Quốc; hai là, nếu lao động muốn về Việt Nam thì phải đưa sang Hy Lạp rồi từ Hy Lạp mua vé bay về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của vị giám đốc này, việc đưa lao động về nước bằng máy bay sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì an ninh tại các sân bay Libya đang được siết chặt. “Để đưa 10.000 lao động rời khỏi Libya trong tình hình hiện nay là việc làm rất khó. Đưa bằng phương tiện gì (hàng không hay bằng tàu biển), đưa lúc nào, các bộ ngành liên quan cần nhanh chóng có phương án để doanh nghiệp chủ động” - vị giám đốc nói.
Còn ông Đoàn Đại Thành - Giám đốc Cty Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona), đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện Sona có khoảng 2.000 lao động ở Libya. Trước tình hình căng thẳng đang có xu hướng leo thang, lao động của Cty Sona bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hiện, Sona cũng đang đợi phương án do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.
Có phương án nhưng chưa được công bố
Theo ông Nguyễn Vạn Xuân - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Thắng, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã họp khẩn với 11 đơn vị có lao động đang làm việc tại Libya.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo Cục đã nghe đại diện các Cty thông báo về tình hình lao động của mỗi Cty và đề xuất phương án để đảm bảo an toàn cho người lao động. Theo ông Xuân, hơn 2.000 lao động của Cty Vạn Xuân đang có mặt tại Libya đã phải nghỉ việc nhiều ngày nay. Các lao động hiện đang tập trung tại lán trại ở các công trường xây dựng.
Cuối chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh -Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, vì lãnh đạo cấp trên chưa chỉ đạo nên chưa thể công bố nội dung phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại Libya. “Tuy nhiên, nếu diễn biến tại Libya gây nguy hiểm cho tính mạng của các lao động thì chắc chắn sẽ phải đưa lao động về nước” - ông Quỳnh nói.
Ngày 22-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và kiều dân Việt Nam tại Libya. |