Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Chào anh Đặng Lê Nguyên Vũ. Niềm tin nào đã đưa anh vượt qua 14 năm gian khó để đạt được những thành công vượt bậc như bây giờ?
Ngay từ khi tập rang xay cà phê trong gian nhà gỗ chưa tới 3 mét vuông và phương tiện vận chuyển duy nhất là chiếc xe đạp cũ, lấy chữ tín mua chịu từng ký cà phê, tôi đã tin vấn đề không ở điểm xuất phát thấp mà xuất phát với tâm thế nào, khát khao nào mới là yếu tố quyết định!
Năm 2004 sang Brunei nhận danh hiệu Doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN, sáu năm qua rồi, không nhận mình trẻ nữa, quan điểm của anh có gì đổi thay ?
Tâm thế Đại Việt luôn là điều ám ảnh tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Tôi tin đất nước này hoàn toàn có thể trở thành vĩ đại và có vị thế lớn trên chính trường thế giới. Vì sao nhiều đất nước non trẻ hơn, thua kém Việt Nam về tài nguyên, diện tích, quy mô, vị trí, lịch sử, văn hóa mà họ vẫn nhanh chóng phát triển hơn hẳn ta?
Nghịch lý đó không phải riêng tôi mà mọi người dân VN đều cần phải trăn trở. Trong nghịch lý lớn của dân tộc lại còn có nhiều nghịch lý nhỏ, nhiều vấn đề cần giải quyết. Ví dụ ngay trong câu chuyện của cà phê: tại sao ta đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta xuất khẩu, mà kim ngạch thu về mỗi năm chưa tới 2 tỷ USD?
Bị chế nhạo hoang tưởng, tự cao
Khi một doanh nghiệp tư nhân xác định hành trình đi tắt đón đầu cho riêng mình, như Trung Nguyên khi khởi xướng ý tưởng “Thiên đường cà phê toàn cầu”, ắt phải đối đầu với không ít trở ngại?
Quá nhiều! Khi Vũ đặt vấn đề với những người học vấn uyên thâm, giới trí thức tinh hoa hiểu và ủng hộ rất nhanh. Còn số đông, với thế giới quan khác hẳn thì không tin và chế nhạo Vũ hoang tưởng, tự cao. Đành phải chờ thời gian và thực tế chứng minh thôi.
Mô hình thành công nào có những nét tương đồng khiến anh chú ý?
Hàn Quốc trước thập kỷ 80 chẳng hơn gì ta. Singapore dân ít đất hẹp vẫn khiến thế giới ngưỡng mộ; Israel mấy triệu dân trên mênh mông sa mạc mà thành tấm gương hiện đại hóa nông nghiệp. Mình hoàn toàn có thể học họ! Học mà không bắt chước, rập khuôn.
Giáo sư Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết Quyền lực mềm đã tán thành với tôi, rằng Việt Nam có thể tụ lực thế giới bằng ngọn cờ nhân văn, nếu giải quyết được một phần đáng kể an ninh lương thực cho thế giới theo cách lập chiến lược phát triển toàn diện về nông nghiệp, đồng thời tiên phong khắc phục biến đổi khí hậu qua mô hình phát triển bền vững.
Không chỉ lý thuyết, anh biết cách hành động và thuyết phục nhiều người khác tin theo mình. Cái gì đã tạo nên sức hút đó?
Nỗi thôi thúc, hành hạ nội tâm ngày đêm đối với tôi về sự hùng mạnh của dân tộc! Tôi tin rằng nếu được định hướng, đầu tư đúng, thì tầm vóc toàn cầu không chỉ dành cho Đắk Lắk với thế mạnh cà phê đâu, nhiều vùng đất khác trên đất nước này như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Lâm Đồng, Đà Lạt đều có thể thành điểm đến thu hút cả thế giới.
Bỏ qua định kiến để học
Gối đầu giường Vũ luôn có hàng chồng sách về những nhân vật kiệt xuất, độc đáo trên thế giới. Anh đã học được nhiều điều từ họ?
Chính xác! Vũ không chỉ đọc, học mà còn cho đúc tượng nhiều vị, nhiều lắm. Từ các triết gia, chính trị gia, nhà tư tưởng, đến nhà thơ, văn nghệ sĩ, Đông Tây kim cổ đủ cả…
Học thậm chí ở những người mà cả thế giới đã định kiến, lên án quyết liệt?
Đúng! Phải có con mắt khách quan, phải bỏ qua mọi ân oán, yêu ghét riêng tư, bỏ qua định kiến hẹp hòi, mới có thể gạn đục khơi trong, tìm ra sự thật khuất sau ngôn từ hoa mỹ để định hướng đi đúng cho mình. Đừng để những cái khác che đậy thì mới hiểu đâu là bản chất, đâu là việc cụ thể cần làm.
Lao nhanh tới mục tiêu chinh phục thế giới
Những thương vụ đình đám gần đây của Trung Nguyên, như nhận chuyển nhượng Nhà máy cà phê Sài Gòn từ Vinamilk, trưng bày một phần của bảo tàng cà phê tư nhân tầm cỡ thế giới mang về từ nước Đức, cho thấy…
Đó chỉ là khoảng “lộ thiên” nhỏ trên lộ trình triển khai hiện thực hóa dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” mà Trung Nguyên đang cùng chính quyền sở tại nỗ lực triển khai tại Buôn Ma Thuột.
Nếu biến Buôn Ma Thuột thành Thủ phủ cà phê toàn cầu, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam chắc chắn không dừng ở mức 2 tỷ USD. |
Anh thuyết phục cách nào để gia đình Jens Burg yêu đắm đuối bảo tàng tư nhân đó lại chịu để Trung Nguyên chuyển toàn bộ hơn 1 vạn hiện vật tái hiện cả lịch sử hình thành công nghệ chế biến cà phê của thế giới về Việt Nam vậy ?
Nhờ cái duyên! Jens Burg thực sự là tín đồ cà phê, cả đời đam mê cà phê. Đối với Jens Burg bảo tàng là tình yêu máu thịt, ông chỉ muốn có người kế tục sự nghiệp, chứ nếu chỉ là mua bán thì giá nào cũng khiến ổng đứt ruột vì đau.
Một góc của thủ phủ cà phê Trung Nguyên. |
Vũ không hứa gì, chỉ nói về dự án thiên đường cà phê, nói về ý tưởng xây dựng bảo tàng cà phê thế giới đầu tiên cần có sự góp sức của nhiều người, trong đó bộ sưu tập của Jens Burg sẽ được trân trọng đặt ở vị trí xứng đáng để toàn nhân loại được chiêm ngưỡng.
Jens Burg kinh ngạc vì người dám đặt vấn đề to lớn này với ông đến từ Việt Nam, đất nước còn nghèo sau chiến tranh. Hội đồng thành phố nơi đó cũng kinh ngạc. Ban đầu họ bán tín bán nghi, sau đó nghe mình khẳng định lại lộ trình thực hiện, họ tin mình làm được.
Tới nay, sau hơn 2 năm khởi xướng ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột thành một “Thủ phủ cà phê toàn cầu”, Vũ thấy tiến trình của nó đã đi tới đâu ?
Nó tiến được một bước khá dài về thay đổi nhận thức của giới tinh hoa. Nếu biến Buôn Ma Thuột thành Thủ phủ cà phê toàn cầu, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam chắc chắn không dừng ở mức 2 tỷ USD một khi thị trường cà phê thế giới mỗi năm tiêu thụ 100 tỷ USD loại hàng hóa này. Với Trung Nguyên, sang năm khởi công Trung tâm Cà phê Toàn cầu ở khu vực Suối Xanh.
Ngoài những điều không thuộc tầm với của một doanh nhân, anh tin mình sẽ làm được gì với khát vọng Đại Việt ?
Về tinh thần, tôi tin mình hình thành được học thuyết cà phê trên phạm vi toàn cầu, sẽ truyền bá được khát vọng Việt Nam chinh phục thế giới. Về vật chất, đến năm 2012 sẽ là cuộc lột xác mới với Trung Nguyên.
Hiện tại cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Trung Nguyên đã xuất cảng đến 50 quốc gia. Khi toàn bộ hệ thống nhà máy chế biến cà phê của Trung Nguyên đang xây dựng nâng cấp hoàn tất, tổng công suất chế biến sẽ lên tới hàng trăm nghìn tấn một năm.