Trong cuộc làm việc mới đây với một quận trung tâm thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý, đã mấy năm thành phố lấy chủ đề công tác năm về trật tự văn minh đô thị mà thấy vẫn “chưa yên tâm”, đặc biệt về vấn đề lấn chiếm vỉa hè.
Theo ông Hải, việc quản lý vỉa hè có vẻ như càng ngày càng lỏng. “Về vỉa hè, các đồng chí có thấy càng ngày càng bị lỏng không? Càng ngày càng lấn tới. Tôi thấy các hộ kinh doanh càng ngày càng thoải mái”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, một thời thành phố rất kiên quyết chống mái che, mái vẩy nhưng giờ tình trạng đó lại xảy ra rất nhiều. Ông Hải yêu cầu trong năm 2017, Ban chỉ đạo 197 về trật tự văn minh đô thị phải vào cuộc.
“Bây giờ phải vào cuộc để xử lý nhắc nhở, vận động người dân. Phải xử lý kiên quyết. Không thể đổ không cho người dân được”, ông Hải yêu cầu.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, đơn cử như tại khu vực phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), hầu hết vỉa hè bị lấn chiếm, sử dụng cho mục đích kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe...Khách du lịch, người đi bộ bắt buộc phải xuống lòng đường cùng các phương tiện giao thông.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Tiền Phong mới đây, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc chống lấn chiếm vỉa hè luôn được quận coi trọng. “Công việc này được Hoàn Kiếm ra quân làm thường xuyên. Chúng tôi ra quân làm công việc này từ năm 2016, năm nay quận sẽ tiếp tục triển khai. Năm 2017, chúng tôi ra quân làm từ mồng 5 Tết…”, ông Long nói.
Trả lời câu hỏi của PV, liệu Hà Nội có thực hiện quyết liệt được như ở thành phố Hồ Chí Minh, khi mà lãnh đạo quận 1 đã trực tiếp chỉ đạo liên ngành và xử lý rất cương quyết, không bỏ qua trường hợp vi phạm nào, ông Long cho rằng, “Hà Nội có cách làm của mình”.
Một số hình ảnh phóng viên Tiền Phong ghi lại ngày 26/2:
Vỉa hè phố Đinh Liệt dày đặc xe máy nên du khách và người đi bộ phải xuống lòng đường
Một quán nước án ngữ cộng với xe máy dựng kín vỉa hè trên phố Cầu Gỗ khiến du khách bắt buộc phải xuống lòng đường
Phố Hàng Bạc cũng bị xe máy lấn chiếm toàn bộ vỉa hè
Các hộ kinh doanh trên phố Hàng Dầu lấn chiếm hết vỉa hè, chỉ để một khoảng cách rất nhỏ cho khách đi lại. Cùng với xe máy để một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường, du khách không còn cách nào khác buộc phải di chuyển dưới lòng đường
Một nhóm du khách phải đứng giữa đường chụp ảnh vì vỉa hè đã để kín xe máy
Một du khách nước ngoài lách giữa khe hở giữa các xe máy trên phố Hàng Bạc
Một du khách đi sát mép đường, vẻ mặt ngán ngẩm vì không còn vỉa hè để đi lại
Một nhóm du khách nước ngoài len lỏi giữa hàng xe máy trên vỉa hè phố Hàng Bạc.
Xe máy, hàng quán lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ trên phố Hàng Bè
Nhiều trẻ em buộc phải đi xuống dưới lòng đường đông đúc vì không còn vỉa hè
Vỉa hè trên phố Cầu Gỗ trở thành nơi bày bán rau củ quả như ở chợ
Các gánh hàng rong cũng tham gia vào việc lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ.
Vỉa hè cũng là nơi hóa vàng
Một du khách nước ngoài lách giữa khe hở một ô tô và xe máy dựng trên vỉa hè phố Hàng Bạc
Hai du khách va chạm với một xe máy đang di chuyển tại ngã tư Hàng Bạc - Tạ Hiện