Mua vé máy bay Tết, phải chi thêm tiền

Mua vé máy bay dịp Tết không phải chuyện dễ (ảnh minh họa). Ảnh: Gia Khánh
Mua vé máy bay dịp Tết không phải chuyện dễ (ảnh minh họa). Ảnh: Gia Khánh
TP - Gần Tết, dù các hãng hàng không tuyên bố tăng cường chuyến bay, nhưng hành khách vẫn khó mua được vé vì đây là mùa găm vé kiếm ăn của các đại lý...

> Bay dịp sáng sớm, đêm khuya được hạ giá vé
> Sấp ngửa ra ga đặt vé tàu

Mua vé máy bay dịp Tết không phải chuyện dễ (ảnh minh họa). Ảnh: Gia Khánh
Mua vé máy bay dịp Tết không phải chuyện dễ (ảnh minh họa). Ảnh: Gia Khánh.

Khách ruột cũng... chém

Vé máy bay Tết năm nay được các hãng hàng không bán thành nhiều đợt và cách bán cũng chặt chẽ hơn (ví dụ mỗi đợt bán khoảng nửa tiếng). Do đó, các đại lý cỡ nhỏ (cấp 2 trở đi) thường chấp nhận danh sách (họ tên) đặt trước của khách và khi hãng mở bán vé, các nhân viên thi nhau thao tác.

Trong điều kiện này, hành khách mua được vé thường chấp nhận luật bất thành văn, như trả thêm chi phí (phần trăm) ngoài giá vé cho đại lý (dù đã được trích phần trăm bán vé từ hãng).

Những ngày gần đây, tại nhiều đại lý bán vé máy bay trên địa bàn Hà Nội, phần lớn khách hỏi mua vé chỉ nhận được lời hứa không chắc chắn. Do tình trạng khan hiếm vé máy bay dịp cao điểm, nhiều đại lý còn chém đẹp cả khách ruột. Càng khan hiếm vé, tiền chênh lệch ngoài vé càng cao.

Một đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội tiết lộ, cả năm có vài đợt cao điểm đi lại để kiếm tiền nên dù khách quen cũng phải chi thêm tiền vì trên thực tế muốn có vé đi ngày đẹp không dễ, khách phải chi thêm vài trăm ngàn đồng so với giá của hãng.

Quản lý một phòng vé cho biết: “Các hãng hàng không ngày càng siết chặt việc găm vé nên chủ yếu dùng quan hệ riêng. Những đại lý lớn lợi dụng việc mua vé tập thể đi du lịch theo đoàn mới có thể găm được vé”. Theo đó, vì có chính sách riêng với vé du lịch theo đoàn nên việc đổi tên cũng được ưu ái hơn. Tức là mang tiếng đặt vé cho khách du lịch, nhưng đại lý có thể thay tên cho khách lẻ (chấp nhận phí đổi vé).

Có đại lý bán vé máy bay còn thẳng thắn lý giải với khách khi thu tiền chênh lệch hàng trăm nghìn đồng/vé: “Tiền này phải chi cho các cửa, chứ không ăn một mình”.

Kẽ hở ở đâu?

Chiều 24-11, Phó Tổng GĐ Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) Tạ Hữu Thanh, cho biết: “Nếu đại lý găm vé máy bay của JP sẽ phải chịu một mức giá rất cao. Vé sẽ được nâng hạng, theo đó là giá tiền tăng kịch trần. Chỉ những người có nhu cầu thực sự mới lựa chọn cách này. Thông thường vé của chúng tôi sau 48 giờ đặt mà không trả tiền sẽ bị huỷ”.

Đại diện hãng hàng không Air Mekong (AM) cho biết đang xây dựng kế hoạch bán vé Tết. “Chúng tôi chỉ có 4 máy bay, dự kiến tăng tối đa 30% so với lịch bay thường lệ. Dự kiến quy định mới để chống đại lý găm vé bằng cách sau khi đặt chỗ 4 tiếng, khách phải thanh toán ngay”. Khi được hỏi, nếu đại lý dùng quan hệ riêng thì sao? Đại diện AM nói: “Bộ phận kiểm soát vé AM chỉ có vài người nên khó có chuyện đó xảy ra”.

Vậy vé tuồn cho đại lý có thể xảy ra ở đâu trong nội bộ các hãng hàng không? Đó là Trung tâm kiểm soát vé máy bay. Đây là nơi chi phối việc mua, bán, hoàn vé, đổi tên...cho các đại lý và khách hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Hàng không VN Phạm Quý Tiêu, Trung tâm kiểm soát vé của các hãng được lưu ý nhiều nhất mỗi khi tới mùa cao điểm đi lại. Năm nào, Cục hàng không VN cũng có văn bản nhắc nhở, tránh việc lợi dụng khan hiếm cục bộ để một số cá nhân làm ăn.

Vietnam Airlines (VNA) hiện chiếm hơn 80% thị phần vận tải hàng không nội địa nên được hành khách kỳ vọng nhiều nhất trong các dịp cao điểm đi lại. Hãng này tránh việc găm vé bằng cách chia nhiều đợt bán và xử lý nghiêm những cán bộ và đại lý vi phạm. Tết năm nay, dù Hàng không Vietjet Air rục rịch bay khai trương, nhưng số lượng máy bay còn khiêm tốn.

VNA hiện đã mở bán 2 đợt vé Tết Nguyên đán. Đại diện hãng này cho biết sẽ mở bán dần theo từng đợt (khoảng gần 1.000 chuyến bay, tương đuơng 155.600 ghế). Mỗi lần mở bán, hãng thông báo cho các đại lý. Trường hợp, đại lý vi phạm (thu thêm tiền của khách ngoài giá vé...) sẽ bị hãng xử lý cao nhất chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm các đại lý với hãng hàng không, không dễ. Bởi vì, đại lý có nhiều cấp, có khi cấp trên chịu trách nhiệm cho cấp dưới. Ngoài việc hãng với đại lý như cơ thể với tay chân, hãng cũng không có nhiều thẩm quyền như công an, thanh tra để xử lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG