Mùa vàng trên các đại công trường

Cầu Nhật Tân nhìn từ trên cao. Ảnh: Bình Minh.
Cầu Nhật Tân nhìn từ trên cao. Ảnh: Bình Minh.
TP - Những tuyến đường, cây cầu, nhà ga, bến cảng từ Bắc tới Nam, từ đồng bằng lên miền núi đã và sẽ rợp cờ hoa trong các lễ khánh thành. Đây là một vụ thu hoạch “đậm” nhất của ngành giao thông vận tải từ trước đến nay; trong đó, nhiều công trình sẽ đi vào lịch sử...

Khởi công, khánh thành nhiều chưa từng có

Từ thời phá núi, mở đường trên dãy Trường Sơn, ngành GTVT mới lại chứng kiến không khí mở đường sục sôi. Từ năm 2012 - 2014, toàn ngành có 134 công trình khởi công và khánh thành, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2015 có 164 dự án tiếp tục triển khai; trong đó khởi công 48 dự án và hoàn thành 116 công trình.

QL 1A – tuyến đường thiên lý Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên  -  dự án chiến lược sẽ về đích trong năm 2015, trước mốc Quốc hội đặt ra khoảng 1 năm. Các tuyến cao tốc đã băng từ núi non điệp trùng ở biên giới phía Bắc về Hà Nội, đang tiến xuống miền Trung và xuyên qua những cánh đồng ở Đông và Tây Nam Bộ.

Nhiều dự án liên quan đến hàng không, lớn nhất là cụm dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân – Nội Bài và Nhà ga T2 Nội Bài là những dự án tạo bệ phóng cho phát triển kinh tế đất nước.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội đang gặp một số khó khăn nhưng Bộ GTVT vẫn kiên trì giữ mục tiêu đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Lúc đó, sẽ có những đoàn tàu vut vút trong thành phố, khơi mào cho loại hình đi lại hiện đại, là lời giải căn cơ nhất cho vấn đề ùn tắc tại đô thị.

Cảng biển mở mang, những luồng lạch lớn được khơi thông. Trong đó, lớn nhất là “siêu dự án” Cảng Quốc tế Lạch Huyện ở Hải Phòng và dự án mở cửa biển qua kênh quan Quan Chánh Bố, đưa tàu lớn vào sông Hậu. Tuyến vận tải biển Bắc Nam hình thành giúp giảm tải cho đường bộ, tương lai sẽ kết nối với các phương thức vận tải khác. Những dự án đó mở đường cho vận tải biển, vận tải sông đóng góp đúng tiềm năng.    

Nhiều dự án của ngành GTVT còn tỏa đến với nông thôn, vùng miền núi. Năm 2015, 188 cầu dân sinh sẽ hoàn thành, mở ra tiến trình xây dựng hơn 4.000 cầu khác trên khắp cả nước với tinh thần “nhịp cầu yêu thương” của chương trình từ thiện – xã hội do Bộ GTVT phát động.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông, người gắn bó 35 năm với ngành cho rằng, đây là giai đoạn hạ tầng giao thông bứt phá nhất từ trước đến nay. QL 1A, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và hơn 600km đường cao tốc đã và sẽ sớm hoàn thành như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải phòng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nhật Tân - Nội Bài, Cảng Hàng không Quốc tế T2, cảng Lạch Huyện... sẽ là những cái tên đi vào lịch sử.

Dưới con mắt người làm nghề, ông Sanh cho biết, không những quy mô mà tốc độ và cách thức triển khai là dấu ấn chưa từng có. Năm 1995, ông tham gia thi công các gói thầu nâng cấp QL 1A bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dù có hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài, nhưng việc nâng cấp QL 1A thời đó với 2 làn xe nhưng phải mất hơn 10 năm. Giờ đây, QL 1A nâng cấp mở rộng 4 làn xe, đi liền với đó là giải phóng mặt bằng hai bên trục đường đông đúc lớn nhất nước, đi qua 17 tỉnh, dài hơn 1.300 km; chưa kể phải mở rộng cầu, xử lí nền đất yếu ... “Tất cả công việc đó chỉ hoàn thành trong hơn 2 năm với tất cả nguồn lực nội tại. Vốn huy động trong nước; thiết kế, thi công và giám sát đều là doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, vừa thi công, vừa khai thác nhưng tai nạn giao thông những năm qua liên tục giảm cả ba tiêu chí. Điều này cho thấy bước tiến trong tổ chức thi công” – ông Sanh nói.

Mùa vàng trên các đại công trường ảnh 1

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

“Đốc công” từ chính sách tới công trường

Điều gì đã làm nên hiện tượng lạ lùng đó? Phép màu nào xảy ra khi kinh tế chưa thoát khỏi ngưng trệ; ngân sách chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu hạ tầng giao thông? Lời giải nằm ngay trong thực tiễn, nếu năng động sẽ phát hiện ra. Và giải pháp căn cơ nhất mà Bộ GTVT nhận ra và áp dụng là thu hút hàng loạt nhà đầu tư đang muốn bứt phá, vượt qua các khó khăn, thiếu việc làm và chớp lấy “cơ hội vàng” khi lãi suất tín dụng đang hạ nhiệt để đầu tư dự án giao thông.

Được Chính phủ cho phép, thuyết phục dư luận chấp nhận các trạm thu phí BOT sau khi đã thu phí trên đầu phương tiện; Bộ GTVT tập trung kêu gọi xã hội hóa. Từ năm 2012 đến nay, tổng số vốn huy động từ doanh nghiệp vào hạ tầng đường bộ lên đến 160 nghìn tỷ đồng (đầu tư vào 132 dự án), luôn cao gấp 10 lần ngân sách. Vì thế, chính trong giai đoạn dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết của Chính phủ vì ngân sách eo hẹp thì công trường giao thông lại sôi động, tấp nập hơn bao giờ hết. Ngoài ra, Bộ GTVT còn đề xuất đưa hạng mục tái định cư vào chi phí dự án, gánh bớt khó khăn cho địa phương, mở lối ra cho dự án. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện, Bộ GTVT đã tranh thủ được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Đó có thể coi là thành quả trong “đốc công” về chính sách, “đốc công” trên bàn nghị sự.

Nhớ lại, tháng 8/2011, sau khi được xướng tên vào ghế Bộ trưởng GTVT, bên hành lang Quốc hội, ông Đinh La Thăng tuyên bố với báo giới: “Là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận...”. Sau hơn 3 năm, tuyên bố này đã chuyển hóa thành những công trình hữu ích như thấy hiện nay. Hiếm có bộ nào mà lãnh đạo các phòng ban làm việc trên công trường nhiều hơn ở bàn giấy. Với những công trình trọng điểm, cần thúc đẩy tiến độ, chất lượng, việc Bộ trưởng, thứ trưởng giao ban trên công trường vào ngày nghỉ thường xuyên diễn ra. Có câu chuyện hậu trường của lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT kể như sau: Trước đây, mỗi năm Bộ có tổng cộng khoảng 400 thông báo kết luận của lãnh đạo; nay, con số đó là hơn một nghìn.

Sự đời là vậy, ai cũng muốn “ngồi mát ăn bát vàng”; làm nhiều, nói lắm dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Ngành GTVT thời gian qua gặp nhiều vấn đề hóc búa. Đường vừa xong đã nứt; “căn bệnh” hằn lún vệt bánh xe xảy ra diện rộng; rồi tai nạn lao động... Trước những việc như vậy, chỉ có cách giải quyết rốt ráo và cầu thị. Giáng chức, điều chuyển công tác... là những chỉ lệnh liên tục được đưa ra nhằm chặn đứng tình trạng “cha chung không ai khóc”. Lời giải cho các vấn đề khó khăn như hằn lún mặt đường cũng dần hé lộ sau những động thái rốt ráo trên cả “mặt trận” kỹ thuật, kỷ luật thi công và chống xe quá tải.

Có lẽ, lần đầu tiên trong ngành giao thông, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu rà soát tổng thể thiết kế dự án (vì trên thế giới, đường nhỏ thường vượt trên đường lớn, nhưng ở ta lại ngược lại, làm chi phí thi công đội lên). Bộ GTVT cũng đang ấp ủ kế hoạch đưa công nghệ hiện đại; đặc biệt là công nghệ thu phí, cân xe tự động vào các tuyến đường. Các kế hoạch đó đều được áp dụng biện pháp xã hội hóa – cách để giảm đầu tư công đang gần đụng trần.

2015 hứa hẹn là năm cờ phướn rực rỡ, bay phấp phới trên các công trường. Khắp mảnh đất hình chữ S sẽ thay da đổi thịt từ các công trình đúng như ý tưởng: Không đợi giàu mới làm đường mà làm đường trước để tạo ra sự thịnh vượng. Rồi đây, việc đi lại tiện lợi hơn, như lời Bộ trưởng Thăng phát biểu trước Quốc hội về cao tốc Nội Bài-Lào Cai: “Đi ô tô trên đường cao tốc này có thể vừa nghe nhạc, làm thơ”. 

Báo cáo xúc tiến thương mại toàn cầu năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới khảo sát tại 138 nước cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam được xếp vị trí 74; tăng 16 bậc so với năm 2013; tăng 29 bậc so với năm 2010. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá: “Không chỉ quốc tế nhận thấy và đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của ta tăng 29 bậc so với năm 2010 mà bằng cảm quan chúng ta cũng nhận thấy. Bằng chứng là số lượng công trình khởi công, khánh thành rất nhiều, số vốn huy động từ xã hội đạt mức kỷ lục”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.