Mưa lũ tàn phá miền Trung, Quảng Bình gần như tê liệt

Chiều tối 15/10, mưa đã ngớt nhưng nhiều tuyến đường Đồng Hới vẫn trắng xóa nước.
Chiều tối 15/10, mưa đã ngớt nhưng nhiều tuyến đường Đồng Hới vẫn trắng xóa nước.
TP - Tỉnh Quảng Bình gần như tê liệt, thúc thủ trước sự tàn phá của nước lũ. Nhiều vùng quê lần đầu biết đến lũ lụt và không ít nơi ghi nhận đạt đến đỉnh lũ năm 1985. Đã có 7 người chết, 9 người mất tích.

Nước lên nhanh như vỡ đập

TP Đồng Hới là địa phương đầu tiên của Quảng Bình nếm trải trận mưa được cho là chưa từng có. Nằm ngay cửa biển, trong lịch sử, Đồng Hới chưa bao giờ biết đến lũ lụt. Nhưng lượng mưa xấp xỉ 1.000 mm mấy ngày qua đã nhấn chìm Đồng Hới trong biển nước. Không chỉ các tuyến đường, mà hàng nghìn ngôi nhà ngập trắng nước, cá bơi vào tận phòng ngủ. Trên các tuyến đường của Đồng Hới, hàng nghìn ô tô, xe máy bị ngập nước, chết máy.

Nhiều người dân Đồng Hới không tin là thành phố có thể bị ngập nước; họ đồn đoán chỉ có vỡ đập mới gây ra thảm họa này, nhưng sự thật là không có con đập nào bị vỡ. Đến chiều tối 15/10, mưa đã ngớt nhưng nhiều tuyến đường của thành phố này vẫn trắng xóa nước, các biển cấm phương tiện lưu thông vẫn chưa được tháo bỏ, người dân muốn về nhà phải lội bộ, nước ngập quá đầu gối, có nơi ngang bụng.

Đến trưa 14/10, trận mưa lớn lan ra toàn tỉnh Quảng Bình, gây ngập lụt trên diện rộng. Là một xã miền núi, Thái Thủy của huyện Lệ Thủy không mấy khi chịu cảnh lũ lụt. Đã 30 năm nay, kể từ năm 1985, Thái Thủy mới lại bị ngập trong biển nước. Nước lên nhanh, rút nhanh nên nhiều người dân cũng đồn đoán do vỡ đập, nhưng thực tế không phải. Ở thôn Thanh Sơn, gần như không nhà nào kịp kê kích tài sản, lúa gạo cất trữ đều chìm trong nước lũ.

Ngồi xúc đống lúa ướt nằm ngổn ngang giữa sân để mang đi sấy, ông Trần Văn Sền vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “30 năm rồi mời lụt lại đó chú, nhưng nước lần ni “hỗn” hơn năm 1985 nhiều. Không ai nghĩ Thái Thủy lại bị lụt nên chủ quan. Khoảng 12 giờ đêm, tui nghe có tiếng chi lắp xắp như nước ở dưới giường. Tui cứ nghĩ e nhà dột, định dậy kiểm tra. Vừa bỏ chân xuống khỏi giường là nghe lạnh buốt. Tui giật mình rụt chân lên, định thần lại thì nước lũ đã vô nhà gần lút giường. Tui kêu vợ con dậy, không kịp kê kích tủ giường, tất cả tập trung cứu 5 tạ lúa ở trong 2 cái sập. Vừa xúc được mấy thúng thì nước ngập cả sập. Cả nhà đành trèo lên tra (gác xép) để tránh lũ”.

Cách đó không xa là nhà của bà Lê Thị Biệc (75 tuổi). Bà Biệc vừa đi trốn lũ ở nhà con trai trở về. Nhìn bàn ghế, tủ giường trong nhà bị nước lũ xô đẩy, dịch chuyển lộn tùng phèo, lúa gạo ngập nước mà ngao ngán không nói nên lời. Bà Biệc sống độc thân, bên cạnh là nhà con gái tàn tật cũng độc thân. Khi nước lũ lên, người con trai duy nhất của bà gần đó chạy đến để đưa bà đi. “Tui nói với hắn là mi sang cõng em mi chạy trước, đón mạ sau cũng được, hắn bị tật nguyền đi không được. Đến khi hắn quay lại đón tui, nước ngập hết giường, tui trèo lên bàn thờ mà nước vẫn ngang đầu gối”, bà Biệc kể.

Trời mưa, anh Lê Văn Sơn cùng mấy người trong xóm tổ chức nhậu. Say, anh về nằm ngủ trên chiếc phản ngựa. Đêm, anh thấy bồng bềnh như đang trôi trên biển, lồm cồm ngồi dậy thì đầu va vào gác xép, chiếc phản ngựa tròng trành làm anh rơi tõm xuống nước. Uống hết mấy ngụm nước lũ, anh mới trèo lên được gác xép. “Có chi mô nữa chú, lúa gạo thì ngâm nước, gà lợn trôi mô hết không còn một con”, anh Sơn nói.

Tiếng kêu cứu trong đêm

Khoảng 3 giờ sáng, máy điện thoại của PV Tiền Phong đổ chuông, vừa bật máy, tiếng trẻ khóc ngặt nghẽo, kèm theo là giọng nói lộ rõ vẻ mệt mỏi của một người phụ nữ. “Chú ơi cứu mẹ con cháu với!”. Người gọi điện là chị Hoàng Thị Hiền ở thôn Bắc, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn mà PV Tiền Phong đang tìm cách kêu gọi giúp đỡ. Cách đây hơn 1 tháng, chị Hiền sinh con trong tình trạng người mang nhiều bệnh tật, chỉ nặng 25kg, trong lúc đứa con chỉ nặng 1,2kg, mắt có nguy cơ bị mù do bong võng mạc.

Chị Hiền ở với mẹ già trong ngôi nhà gần bìa làng. Nhà không có gác xép, nước lũ lên ngập giường, chị phải đứng trên giường nhưng nước ngập đầu gối. Chị nói, chị phải bồng con đứng như thế từ 12 giờ đêm cho đến lúc kiệt sức, sợ không còn trụ được lâu nữa, chị gọi điện mong ai đó đến cứu giúp mẹ con chị.

Mưa lũ tàn phá miền Trung, Quảng Bình gần như tê liệt ảnh 1

Mẹ con của chị Hiền trước khi lũ đến. Ảnh: H.N

Bấm máy gọi cho Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, ông Nguyễn Văn Bình, thành thật là không thể làm gì được vào lúc này. Nước ngập quá sâu, trong lúc thôn Bắc là thôn nông nghiệp nên không có thuyền bè gì để làm phương tiện ứng cứu. Chờ đến sáng may ra có cách gì đó. Trong lúc đó, chị Hiền cho biết, do bệnh tật nên chị không có sữa, từ khi sinh ra, con chị phải uống sữa bò. Trong nhà không có lấy một giọt nước ngọt để pha sữa, đứa con gần như lịm đi vì đói. Chị chỉ mong muốn được đưa đến ngôi trường 2 tầng gần đó để có điều kiện chăm sóc đứa con bệnh tật.

Rạng sáng, ông Bình huy động mấy người trong thôn bơi đến nhà chị Hiền nhưng không thể di chuyển mẹ con chị Hiền vì không có phương tiện. Mặc dù không đưa được mẹ con chị Hiền đi, nhưng nhóm người trong thôn đã cung cấp nước ngọt để chị Hiền pha sữa cho con. Theo thông tin mới nhất từ chị Hiền, vào cuối chiều 15/10, nước đang rút dần, cũng là lúc cả hai mẹ con chị kiệt sức và không biết hai mẹ con có trụ nổi qua đêm, chờ nước rút hết để đưa con nhập viện.

Hàng chục tàu thuyền bị cuốn  ra biển

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng PCLB&TKCN Quảng Bình, đến chiều 15/10, toàn tỉnh có gần 30.000 ngôi nhà bị ngập, có nơi ngập sâu hơn 2m, hơn 50 ngôi nhà bị tốc mái do lốc xoáy. Đã có 7 người chết, 9 người mất tích và hàng chục người bị thương. Đặc biệt, tại cửa Gianh và cửa Ròn, gần 20 chiếc tàu hàng và tàu cá bị trôi ra biển, có 7 chiếc bị chìm, số còn lại đang được ứng cứu.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Quảng Bình, cho biết, rạng sáng 15/10, nước lũ trên sông Gianh chảy xiết, cuốn ra biển 4 chiếc tàu hàng loại từ 1.000 tấn đến 2.000 tấn đang vào ăn hàng ở đây. Nhận được tin báo, Cảng vụ Quảng Bình đã điều tàu cứu hộ tiếp cận các tàu bị nạn để ứng cứu. Tuy nhiên, do nước chảy xiết, cộng với sóng lớn, 2 chiếc tàu hàng đã bị chìm. Hai chiếc còn lại, một chiếc đã cứu được người, đang thả trôi tự do; còn một chiếc bị mắc cạn, cách bờ chừng 150m, trên tàu có 4 người.

Mưa lũ tàn phá miền Trung, Quảng Bình gần như tê liệt ảnh 2

Ông Trần Văn Sền xúc lúa đi sấy với hy vọng còn có gạo để ăn trong mấy ngày tới

Theo ông Tùng, có ít nhất 4 người mất tích trên 2 chiếc tàu hàng bị chìm. Ông Tùng kể, khi tàu cứu hộ của Cảng vụ tiếp cận được chiếc tàu hàng đầu tiên, trên tàu có 4 người. Có 3 người lên được tàu cứu hộ, người cuối cùng chuẩn bị lên thì quay lại ca bin để lấy cái gì đó, vừa lúc, tàu bị sóng đánh chìm. Mọi người đã nỗ lực tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy, rất có thể, nạn nhận bị kẹt lại trong ca bin tàu.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Lê Đình Thọ, đến hiện trường để chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn. Ông Thọ chỉ đạo, bằng mọi giá, phải đưa được 4 người còn mắc kẹt trên chiếc tàu hàng bị cạn vào bờ trước khi trời tối. Báo cáo nhanh tại hiện trường, ông Tùng, Giám đốc Cảng vụ Quảng Bình, cho biết, đã tìm mọi cách tiếp cận nhưng bất thành vì nước chảy xiết và sóng quá lớn. Tàu Cảnh sát biển cũng đã thả xuồng cao tốc xuống để tiếp cận nhưng cũng bất thành. Ông Tùng đề xuất phương án điều trực thăng thả dây xuống để cẩu người lên nhưng chưa được thông qua.

Đến hơn 19 giờ ngày 15/10, ông Tùng cho biết, vẫn chưa cứu được những người mắc kẹt trên tàu mắc cạn. Ông Thọ vẫn có mặt ở hiện trường để chỉ đạo nhưng chưa có kết quả; chiếc tàu hàng có thể bị lật bất cứ lúc nào. Theo ông Tùng, sau khi cứu được hơn 10 người trên các con tàu hàng bị trôi dạt, tàu cứu hộ của Cảng vụ Quảng Bình đã chạy ra cửa Ròn, kéo được 4 tàu cá của ngư dân bị trôi dạt trên biển vào bờ.

Đến chiều tối 15/10, tại Quảng Bình, mưa bắt đầu ngớt, lũ trên các sông đang rút chậm. Tuy nhiên, đường sắt và đường bộ nhiều nơi vẫn bị chia cắt do sạt lở và ngập nước. 

Tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ có công điện thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, yêu cầu chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ. Kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt...       

Luân Dũng

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.