Nhiều thôn, xóm bị ngập
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy) huyện Chương Mỹ cho biết, từ ngày 22 - 24/7 trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa lớn, với lượng mưa trung bình đạt 324,4mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại nặng cho các địa phương trong huyện.
Xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) là một trong những địa phương bị thiệt hại do mưa lũ. Người dân cho biết, sáng ngày 24/7, dọc con đường nối từ thôn Nam Hài - Hạnh Bồ - Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến), chính quyền và người dân huy động mọi phương tiện để di tản đồ đạc.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, mưa lớn trong những ngày qua đã khiến mực nước sông Bùi dâng cao. Đến sáng nay, mực nước sông Bùi đã ở mức báo động 3. Một số nhà dân đã bị ảnh hưởng, hoa màu, tài sản của người dân tại nhiều khu vực đã bị ngập sâu.
Một căn nhà bị sập do ảnh hưởng của mưa lớn tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) |
Thống kê của Ban chỉ huy huyện Chương Mỹ cho thấy, mưa lũ đã làm 24.850m đường giao thông nông thôn, đoạn đê dài 600m và 10 thôn xóm bị ngập nước. Mưa lớn cũng làm 1.169ha lúa bị ngập, 243 ha ngô, rau màu các loại bị hư hại, 407ha thủy sản bị ngập.
Ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, để ứng phó với những diễn biến tiếp theo của mưa lũ, huyện tiếp tục tổ chức ứng trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thời tiết. Đồng thời, triển khai ngay các phương án ứng phó với lũ rừng ngang theo phương án đã được duyệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Chủ động sơ tán, di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, vùng có nguy cơ bị cô lập.
Tại các huyện khác, tình trạng ngập úng cũng tương tự. Ông Vương Đắc Lập, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) cho biết, do mưa lũ, trên địa bàn xã đã có 150 ha lúa bị ngập, trong đó 25 ha đã bị ngập úng nặng.
Trạm bơm Cộng Hòa II của xã đã hoạt động 9 tổ máy bơm nước ra sông Đáy để tiêu úng. Tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai), mưa lớn đã làm 1 căn nhà bị đổ lúc rạng sáng, may mắn 7 người trong gia đình đều kịp thoát ra ngoài. Tuy nhiên, một công nhân trú tại xã Hòa Thạch đã bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm trên suối tại địa bàn xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai).
Chủ động ứng phó
Không chỉ các huyện ngoại thành, khu vực nội đô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, sau trận mưa kéo dài, nhiều đường phố Hà Nội vẫn trong tình trạng ngập sâu. Nhiều tuyến đường, khu phố bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Về nguyên nhân khu vực phía Tây thành phố trong đó có quận Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Trì... bị ngập sâu, đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, trong đêm ngày 23 và sáng ngày 24/7, nước sông Nhuệ lên cao đã dâng ngược trở lại các khu vực dân cư, gây ngập nhiều tuyến phố phía Tây. Hiện công ty đang cho hoạt động hết công suất các trạm bơm thuộc quyền quản lý để bơm nước ra sông Hồng.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, do mưa to kéo dài nên thành phố đã phải huy động tổng số 178 trạm bơm với 579 máy tham gia “cứu” lúa và chống ngập. Tổng diện tích nước cần bơm khoảng 434ha, tổng lưu lượng bơm đang triển khai là 2,2 triệu m3/giờ. Tại khu vực nội thành, do nước sông lên nên khả năng tiêu thoát úng ngập cũng gặp khó khăn hơn. Cty Sông Nhuệ đã vận hành trạm bơm Yên Nghĩa để tiêu thoát nước ở sông Nhuệ và khu vực phía Tây (Hà Nội).
Từ chiều ngày 23/7, Trạm bơm Yên Sở cũng phải vận hành 20/20 máy với tổng công suất 90m3/giây để rút bớt nước trên sông Tô Lịch. Ngoài ra, Cty Thoát nước Hà Nội đã mở cửa phai của nhiều hồ điều hòa ở nội thành Hà Nội như: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đống Đa... và các trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế... để hạ bớt mực nước trên hệ thống.