Liên tiếp trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 170 mm, có nơi mưa to hơn như Bình Tân (huyện Bình Sơn) 232 mm, Trà Khúc 238 mm, TP Quảng Ngãi 202 mm, Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa) 206 mm.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ngãi ngập nặng, chia cắt. Đặc biệt tại các tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi và các khu vực ở huyện Bình Sơn, thị xã Đức Phổ… Hiện nay, mực nước trên các sông trong khu vực tỉnh Quảng Ngãi còn ở mức thấp, dưới báo động 1.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP Quảng Ngãi ngập sâu... |
Ghi nhận của PV, tại TP Quảng Ngãi các tuyến đường như: Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Phan Đình Phùng,… bị ngập, khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đoạn ngập sâu xe máy không thể đi được, buộc phải quay đầu.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Bình Sơn, đến sáng 16/10 đã có nhiều khu vực trên địa bàn huyện thuộc các xã: Bình Nguyên, Bình Hòa, Bình Chương bị ngập, phải chốt chặn, rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại. Một số khu dân cư ở xã Bình Hiệp và xã Bình đông bị ngập và chia cắt do lượng mưa quá lớn.
... khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Tại xã Bình Dương, mưa lớn, dòng nước chảy xiết đã gây sạt lở đường đi qua ngang sông Trà Bồng (do đơn vị thi công Đập ngăn mặn Bình Phước dùng để chở vật liệu). Khu vực này bà con ngư dân đang neo đậu tàu thuyền nên rất nguy hiểm. Hiện UBND xã Bình Dương và các lực lượng chức năng đang chốt trực tại khu vực sạt lở để chỉ đạo, hỗ trợ ngư dân đang neo đậu tàu thuyền gần điểm sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn 5 huyện miền núi của tỉnh hiện có gần 1.850 hộ/7.350 khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ suối và lũ ống, lũ quét.
Khu vực bị sạt lở gần khu neo đậu tàu thuyền ngư dân xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. |
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ gây ngập lụt và sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi - chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện khẩn trương tổ chức kiểm tra và nắm chắc các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Nhiều khu vực ở huyện Bình Sơn bị ngập sâu đã được cắm biển báo. |
Đối với các ngầm, tràn, đặc biệt là cầu tràn Thạch Nham, cầu sông Rin, xi phông sông Vệ và xi phông Bình Minh - Bình Chương, yêu cầu UBND các huyện Sơn Hà, Nghĩa Hành và Bình Sơn bố trí lực lượng chốt chặn, tuyệt đối không cho người và phương tiện qua lại khi nước ngập sâu, chảy xiết.
Tại khu vực sạt lở chân núi Vang Cà Vãi, UBND huyện Sơn Hà khẩn trương triển khai các biện pháp di dời sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện nay, mực nước trên các sông trong khu vực tỉnh Quảng Ngãi còn ở mức thấp, dưới báo động 1. |
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng thông báo đến các địa phương, cơ sở giáo dục tùy tình hình diễn biến mưa lũ tại địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học, rà soát kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học khu vực vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Theo ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, từ sáng 16/10 đến sáng 18/10, khu vực tỉnh Quảng Ngãi khả năng tiếp tục mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm. Những khu vực có nguy cơ sạt lở và ngập cục bộ người dân cần chủ động để ứng phó, bảo vệ tính mạng và tài sản.