Mưa lớn kéo dài, nước sông ở Cao Bằng dâng cao, đường phố ở Điện Biên ngập cục bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong 3 ngày qua, mưa lớn kéo dài, các sông suối ở tỉnh Cao Bằng dâng cao, đặc biệt trên Sông Gâm ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng trên mức báo động 3. Còn tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), trận mưa lớn kéo dài sáng 9/6 đã gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường.

Mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ ở Điện Biên

Theo TTXVN, trận mưa lớn kéo dài sáng 9/6 đã gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).

Tại đường Trường Chinh, đoạn từ ngã ba giao với đường Võ Nguyên Giáp đến khu vực Sân vận động tỉnh Điện Biên đã ngập úng cục bộ. Đặc biệt là khu vực Sân vận động, nước ngập sâu, nhiều nhà dân bị nước tràn vào nhà.

Mưa lớn kéo dài, nước sông ở Cao Bằng dâng cao, đường phố ở Điện Biên ngập cục bộ ảnh 1

Một số đoạn phố hóa thành sông sau mưa lớn.

Ngập lụt khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều phương tiện như xe ô tô gầm thấp, xe tay ga phải quay đầu không dám đi qua khu vực ngập; một số người điều khiển phương tiện qua đoạn ngập lụt khiến xe bị chết máy. Nhiều hộ dân sinh sống và kinh doanh phải dùng ván gỗ để chặn không cho nước tràn vào nhà.

Tình trạng ngập úng cục bộ cũng xảy ra tại khu vực Chợ Trung tâm 3 (thuộc phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ); một số ngõ, ngách trên đường Trường Chinh cũng xuất hiện tình trạng ngập úng. Ngay sau khi xảy ra ngập úng cục bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã có mặt tại các khu vực, đoạn đường bị ngập để phân làn giao thông, cảnh báo không cho các phương tiện đi vào khu vực ngập.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên dự báo, trong ngày 9/6, khu vực tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi trên 70mm; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đợt mưa lớn này có khả năng kéo dài đến ngày 10/6.

Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt ở đất gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ; phá hủy công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội. Vì vậy cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

Nước sông ở Cao Bằng dâng cao trên mức báo động 3

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa có Văn bản số 215/VPTT đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng chủ động ứng phó với lũ trên sông Gâm nhằm giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Cụ thể vào chiều tối 8/6, mực nước trên sông Gâm tại trạm thủy văn Bảo Lạc ở mức +198,2m trên mức báo động 3 0,2m và dự báo tiếp tục lên; nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Gâm các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm.

Mưa lớn kéo dài, nước sông ở Cao Bằng dâng cao, đường phố ở Điện Biên ngập cục bộ ảnh 2

Nước trên sông Gâm dâng cao, trên mức báo động 3.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng: Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ. Thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh. Chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn. Thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Chỉ đạo chủ hồ thường trực, vận hành hồ đập theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn công trình và hạ du. Triển khai phương án phòng chống lũ, bảo đảm an toàn theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Chỉ đạo các phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường thông tin về diễn biến của lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó lũ, ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại. Thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Mưa lớn kéo dài, nước sông ở Cao Bằng dâng cao, đường phố ở Điện Biên ngập cục bộ ảnh 3

Nhiều địa phương ở Cao Bằng mưa lớn làm ngập lụt, gây khó khăn trong sinh hoạt người dân.

Theo thống kê ban đầu, mưa lớn kéo dài đã gây ngập tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Riêng tại huyện Bảo Lạc do mưa to, gió lốc làm 11 hộ dân nhà cửa bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Hàng chục ha hoa màu bị thiệt hại, ngập úng. Các tuyến Quốc lộ 4A và 34 bị sạt lở trên 30 điểm, giao thông bị chia cắt. Rất may trên địa bàn không ghi nhận thiệt hại về người.

MỚI - NÓNG