Ngày 23/8, nhiều siêu thị tại TPHCM đã bắt đầu triển khai mô hình đi chợ hộ, mua hàng combo theo đơn hàng từ các phường gửi về. Siêu thị Sài Gòn - Satramart (quận 10) đã hoàn thành mẫu 6 combo thực phẩm có giá bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng từ trứng, rau, hành ngò đến thịt gà, thịt bò, heo... Tuy nhiên do nhu cầu người dân muốn đặt đơn hàng có thể sử dụng trong vòng 1 tuần nên siêu thị sẽ tiếp tục có thêm 6 combo.
Đội "đi chợ thuê" hỗ trợ người dân khi thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" |
Bà Đỗ Thị Dậu – Giám đốc Siêu thị Sài Gòn cho biết, siêu thị đã chuyển combo và bảng báo giá đến phòng kinh tế quận 10. Dựa trên đơn hàng này, tổ tình nguyện của khu phố sẽ chuyển đơn hàng và thanh toán tiền cho cán bộ đầu mối tại phường để nhập dữ liệu đặt hàng trước 9h30 hằng ngày để chuyển về phòng kinh tế.
Từ đây, các đơn hàng được tổng hợp và chuyển về cho siêu thị, cửa hàng để chuẩn bị soạn hàng hóa trước 11h30 hằng ngày. Hàng sẽ được đóng gói và chuyển giao về điểm tập kết của khu phố từng phường trong sáng hôm sau, người dân sẽ thanh toán khi nhận hàng.
Siêu thị cung cấp combo và giá cả để người dân lựa chọn mua hàng |
Ghi nhận trong ngày 23/8, siêu thị Sài Gòn tiếp nhận 36 combo của phường 8, quận 10.
Chị Thanh Lâm (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, trong ngày đã nhận được phiếu thông tin mua thực phẩm, hàng hóa do tổ dân phố phát. Với phiếu này, chị Như tự điền thông tin người mua hàng, địa chỉ nhận và số điện thoại liên lạc.
Các combo được thiết kế sẵn có giá từ 70.000 – 393.000 đồng (tùy món). Mỗi combo có khoảng 3 mặt hàng, mỗi loại có khối lượng 1kg, giá từng loại thực phẩm cũng được liệt kê chi tiết để người dân theo dõi trước khi chọn mua.
Combo hàng hóa phong phú của Coop Rạch Miễu |
Thay vì siêu thị lên combo rồi gửi về quận, phường, nhiều địa phương đã cung cấp số điện thoại các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn cho người dân. Khi có nhu cầu, khách tự liên lạc với cửa hàng đặt món và thanh toán, cửa hàng sẽ vận chuyển đến hộ dân.
Cụ thể, UBND phường 6, quận Gò Vấp đã liệt kê loạt cửa hàng tiện lợi trên địa bàn phường và hướng dẫn phương thức thực hiện. Người dân không được tự ra đường đi chợ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.
Một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại quận Gò Vấp không nhận khách mua trực tiếp, thay vào đó nhân viên bên trong soạn hàng để giao theo đơn đặt qua ứng dụng. Nhân viên cửa hàng tạo nhóm zalo gần 200 người (gồm khách và một số nhân viên) và gửi đường dẫn (link) ứng dụng (app) để khách đặt hàng.
Hiện cửa hàng chỉ nhận đơn hàng của khách trong phường và nhận đơn hàng của mỗi khách/lần/tuần và chính quyền đến cửa hàng nhận hàng giao cho khách, chỉ giao cho một gia đình/lần/tuần.
Vì vậy, nhiều khách đặt đơn hàng lên đến 2 - 3 triệu đồng, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến... Có khách đặt mua đến 60 quả trứng gà; 2 - 3kg thịt heo, gà; 1 - 2 thùng mì, phở gói... Một số khách ở trọ lo ngại chưa đăng ký giấy tạm trú không biết phường có hỗ trợ mua giúp không nhưng nhân viên cửa hàng cũng không biết trả lời thế nào.
UBND phường 6, quận Gò Vấp cung cấp số điện thoại các cửa hàng, siêu thị để người dân tự liên hệ |
Tuy nhiên, đến cuối ngày 23/8, nhiều người dân tại các quận, huyện, TP. Thủ Đức vẫn chưa nhận được thông tin về cách thức đăng ký đi mua thực phẩm từ ngày 23/8 - 6/9.
Chị Lê Thị Anh (ngụ chung cư Lê Thành, phường An Lạc, quận Bình Tân) cho hay, đến giờ vẫn chưa nhận được thông báo hay ban quản lý chung cư hướng dẫn, phổ biến việc đăng ký đi chợ hộ hoặc cách thức mua hàng trong thời gian không được đi chợ.
“Thành phố siết chặt giãn cách trong 2 tuần, hôm qua tôi định mua ít đồ dự trữ nhưng quay về vì siêu thị đông người quá. Đến nay tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn gì về việc đi chợ hộ hoặc đăng ký mua hàng combo. Phường chưa thấy phổ biến, Ban quản lý chung cư không gửi thông báo nên tôi đang rất bối rối” – chị Anh nói.
“Tôi chưa nhận được phiếu đăng ký hay thông tin từ tổ dân phố để mua thực phẩm nên chủ động liên hệ với siêu thị xin zalo rồi nhắn tin mua hàng. Tuy nhiên, cửa hàng này có gần 1.000 người tham gia, tin nhắn tới tấp, nhân viên đáp ứng không xuể đã khó luôn quyền nhắn tin. Ai muốn mua hàng phải đặt qua app” – chị Minh Nhị (ngụ quận 4) nói.
Về phía doanh nghiệp, các hệ thống phân phối lớn như MM Mega Market, Big C, AEON, Lotte Mart… vẫn đang tiếp tục làm việc với Sở Công Thương TP cũng như phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện để hoàn tất các công tác chuẩn bị cho hoạt động cung ứng hàng hóa trong những ngày tới.
Theo UBND TPHCM, nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày của 9,4 triệu dân thành phố là 10.964 tấn hàng hóa, thực phẩm, bao gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả, đường, dầu ăn, sữa, nước chấm… Bình quân, mỗi tuần người dân tiêu thụ 76.747 tấn, trong vòng 15 ngày là 164.460 tấn.