"Mưa điểm 10" và nỗi lo 28 điểm vẫn trượt đại học hàng đầu

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Thanh Tùng.
Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Thanh Tùng.
Trước tình hình điểm thi cao như hiện nay, lãnh đạo một số trường đại học bày tỏ lo lắng về công tác tuyển sinh sẽ gặp khó khăn.

Với "mưa điểm 10" trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đại diện nhiều trường đại học nhận định rằng điểm chuẩn năm nay sẽ tăng.

Bất ngờ với điểm thi

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2017, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết ông khá bất ngờ.

“Dù dự đoán điểm thi năm nay khá cao, tôi vẫn bất ngờ. Điểm thi cao hơn cả năm 2015. Khả năng kịch bản 27 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội năm 2015 sẽ tái diễn trong năm nay với một vài trường top đầu”, ông Dũng nêu quan điểm.

Ông Dũng cho rằng điểm thi năm nay không phản ánh đúng năng lực của thí sinh, vì đề dễ và thí sinh có nhiều mẹo để chọn đáp án trắc nghiệm. Hơn nữa, ngay từ mục đích tổ chức kì thi "hai trong một" đã “đá” nhau.

Để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi cần vừa phải để cả những thí sinh trung bình, yếu cũng có thể làm được. Nhưng, xét tuyển vào đại học đòi hỏi đề thi phải mang yếu tố sàng lọc, đánh giá thí sinh nhiều hơn.

Với cương vị người đứng đầu một trường đại học, TS Dũng nói ông lo ngại cho công tác tuyển sinh nhưng không phải trong năm nay mà là năm sau.

“Ở những ngành 'hot', điểm chuẩn tăng cao đột biến đến 28, 29 thì năm sau sẽ không còn ai can đảm đăng ký vào ngành này mà sẽ chọn trường khác. Đó là thử thách đối với công tác tuyển sinh của các trường”, TS Dũng phân tích.

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng gần như chắc chắn điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ tăng so với năm ngoái. Ở những ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh, khả năng điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-3 điểm.

Điểm cao sẽ ảnh hưởng sự cạnh tranh giữa các thí sinh, nhất là với những ngành có nhiều em đăng ký. Khi đó, các trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ để xét tuyển: Đưa ra hệ số điểm thi ở môn chính, khảo sát năng lực hoặc phỏng vấn.

28 điểm cũng có thể trượt đại học

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, nêu quan điểm: "Khó khăn cho công tác tuyển sinh cho các trường thì không hẳn, nhưng mặt bằng điểm cao sẽ là nỗi lo của các thí sinh và phụ huynh".

Theo ông Tùng, với mặt bằng điểm năm nay, điểm chuẩn cao, thậm chí rất cao là hiển nhiên. Vì chỉ tiêu của các trường không đổi, điểm lấy từ cao xuống thấp. Xét tuyển là cuộc đua chung, thí sinh cạnh tranh lẫn nhau, nên đã bước vào cuộc đua thì phải chấp nhận "chịu chơi".

"Mưa điểm 10" và nỗi lo 28 điểm vẫn trượt đại học hàng đầu ảnh 1 Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 4.235 bài thi đạt điểm 10 ở 9 môn thi (chưa có thống kê các môn Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật và Tiếng Đức). Đồ họa: Phượng Nguyễn.

"Nếu kịch bản 27, 28 điểm vẫn trượt đại học như năm 2015 thì đó cũng là chuyện bình thường. Rõ ràng, mỗi năm mỗi đề thi khác nhau, 27 điểm của năm 2017 khác với 27 điểm năm 2016 và có thể 27 năm nay chỉ tương đương 25 điểm so với năm ngoái. Năm nay, nếu có xảy ra trường hợp 29 điểm hay 29,5 mới đủ đậu đại học thì cũng không ngạc nhiên", ông Tùng phân tích.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, điểm sàn năm nay sẽ không thay đổi so với năm 2016.

Ông Sơn cho rằng phổ điểm dao động từ 4-6 điểm là chính, nằm trong khoảng trung bình, có tăng so với năm ngoái nhưng không nhiều. Mặt khác, số lượng thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học cũng là hơn 600.000. Điểm sàn tăng sẽ dẫn đến khó khăn về nguồn tuyển cho các trường đại học, cao đẳng khối ngành sư phạm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhận định điểm chuẩn năm nay ở các trường top giữa sẽ tăng khoảng từ 1-1,5 điểm và nằm ở mức 20-22 điểm. Đối với các trường top trên, điểm chuẩn sẽ tăng cao, khả năng tăng trên 2 điểm và điểm chuẩn sẽ là điểm lẻ. 

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG