Mua 'cơm heo' cũng phải chung chi

Cơm thừa đang là lĩnh vực béo bở đối với các “cò”. Giá một thùng cơm 220 lít lấy trực tiếp từ công ty chỉ 90.000-120.000 đồng nhưng qua “cò” thì giá lên đến 180.000-220.000 đồng.
Cơm thừa đang là lĩnh vực béo bở đối với các “cò”. Giá một thùng cơm 220 lít lấy trực tiếp từ công ty chỉ 90.000-120.000 đồng nhưng qua “cò” thì giá lên đến 180.000-220.000 đồng.
Mua cơm thừa từ các “đầu nậu” vừa rẻ hơn, lại vừa đảm bảo lâu dài nhưng hằng tháng phải “lót tay” để đảm bảo không bị giật mối. Còn lấy qua “cò” thì bữa có bữa không, giá lại cao.

Nuôi heo bằng cơm thừa, canh cặn có lợi hơn rất nhiều so với nuôi bằng cám công nghiệp bởi chi phí thấp, heo lại mau lớn. Chính vì vậy, việc tranh giành mua “cơm heo” thực sự trở thành “cuộc chiến” của những người nuôi heo ở Đồng Nai.

Vào vai một người vừa mở trang trại chăn nuôi heo lớn tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chúng tôi đã liên hệ với nhiều nhà hàng, công ty, xí nghiệp ở Đồng Nai để mua cơm dư thừa.

Ngày 10/11, chúng tôi đến Công ty C. ở huyện Vĩnh Cửu. Theo những người chăn nuôi heo ở Đồng Nai, công ty này có khoảng 30.000 công nhân nên có lượng cơm thừa hằng ngày rất lớn.

“Nếu ai mua được mối cơm dư thừa của công ty này thì nuôi heo chắc chắn sẽ thắng. Bởi cho dù giá heo có xuống thấp thì người nuôi vẫn sẽ không lỗ do chi phí thức ăn phải bỏ ra thấp. Do vậy, cơm dư thừa của Công ty C. thực sự là một món lợi béo bở nhưng chỉ những “đầu nậu” có “máu mặt” mới mua được”, ông Nam, người chăn nuôi heo ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, chia sẻ.

Muốn heo mau lớn phải lụy “cò”

Nhìn vẻ lóng ngóng của chúng tôi, ông Hòa, bảo vệ của Công ty C., ân cần giải thích: “Anh chị mới vào nghề thì khó cạnh tranh lắm. Mối cơm thừa ở công ty này đã có người lấy từ lâu rồi. Họ mua không phải để nuôi heo mà để bán lại kiếm lời. Đây là công ty lớn nên muốn mua được cơm thừa ở đây thì phải có “vai vế” chứ không phải ai mua cũng được đâu”.

Ông Hòa cho biết thêm những người mới vào nghề nuôi heo nếu muốn mua cơm thừa thì chỉ còn cách mua lại từ trung gian chứ đến mua trực tiếp thì rất khó.

“Nếu anh chị không tin thì cứ gọi vào công ty, tổng đài sẽ chuyển máy cho bộ phận bếp. Nếu còn thì họ sẽ bán cho nhưng chắc chắn ở công ty này hết rồi. Giờ chỉ còn cách xin số điện thoại của những người đang mua cơm thừa rồi sau đó liên hệ để mua lại”, ông Hòa hướng dẫn.

Chúng tôi tiếp tục đến Công ty P. ở TP Biên Hòa, có lượng công nhân cũng tương đương Công ty C. và được một số bảo vệ cho biết: “Anh chị giờ mới đi mua cơm thừa thì thua. Cơm thừa ở công ty này nhiều lắm nhưng đã có người lấy hết rồi. Mà giờ muốn mua cơm thừa ở bất cứ công ty nào cũng cần phải có mối quan hệ quen biết, có tay trong chứ đi kiểu như anh chị thì còn lâu mới mua được”.

Trong những ngày sau đó, chúng tôi lân la tới nhiều công ty tại các KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco… (đều ở Biên Hòa) tìm mua cơm thừa nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.

Chúng tôi đem câu chuyện đi mua cơm thừa kể cho ông Tâm, một đại gia nuôi heo ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, thì nhận được tràng cười sặc sụa.

“Chú ngây ngô quá, chạy tìm lòng vòng làm chi cho mất công. Nếu không có mối quan hệ quen biết thì không bao giờ mua được cơm thừa trực tiếp từ các công ty đâu”, ông Tâm bày.

Mua 'cơm heo' cũng phải chung chi ảnh 1 Một “cò” chuyên thu gom cơm thừa trong các KCN sau đó bán lại cho người nuôi heo.

Tiền “dắt mối” cả trăm triệu đồng

Theo ông Tâm, để mua cơm thừa thì không khó lắm bởi các “cò” đầy rẫy. Nhưng muốn đảm bảo mua được nguồn cơm thừa đều đặn hằng tháng thì phải chịu khó tìm tới các “đầu nậu” lớn.

“Hiện ở TP Biên Hòa có hai “đầu nậu” cơm heo lớn. Mua cơm từ các “đầu nậu” vừa rẻ hơn, lại vừa đảm bảo lâu dài (dù hằng tháng người mua vẫn phải “lót tay” cho “đầu nậu” một khoản tiền để đảm bảo không bị giật mối). Chứ lấy qua “cò” thì bữa có bữa không, giá lại cao.

Một thùng cơm 220 lít nếu lấy trực tiếp từ công ty hoặc qua “đầu nậu” thì giá 90.000-120.000 đồng. Còn mua qua “cò” giá có thể đến 180.000-220.000 đồng/thùng”, ông Tâm nói.

Ông Tâm dẫn chúng tôi gặp một “cò” tên Việt ở phường Tân Phong.

“Anh muốn lấy cơm thừa thì dễ thôi, miễn sao hằng tháng phải “đóng hụi chết” khoảng 5 triệu đồng/tháng”, anh Việt nói thẳng. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề muốn lấy cơm từ một trong hai công ty đã nêu ở đầu bài thì Việt không dám đảm bảo.

Ông Tâm tiếp tục giới thiệu chúng tôi gặp “đầu nậu” Toàn, ngụ gần cầu Suối Máu, phường Trảng Dài, Biên Hòa. Tuy nhiên, khi đến nơi hẹn, chúng tôi chỉ gặp được đàn em của Toàn.

Vừa gặp mặt, người này nói thẳng: “Anh có quen mấy “sếp” lớn nên anh chị muốn mua cơm thừa để nuôi heo từ bất kỳ ở công ty nào ở Đồng Nai cũng được”.

Chúng tôi nói cần lượng cơm thừa lớn từ các công ty C. và P. ở trên, người này nói như đinh đóng cột: “Không thành vấn đề. Ở hai công ty ấy tôi cũng lấy được nhưng tiền “chung chi” hơi cao. Nếu số tiền mua cơm là 500 triệu đồng/năm thì anh phải trả cho tôi 100 triệu đồng tiền dắt mối”.

Người này cũng yêu cầu khi bắt đầu lấy cơm, chúng tôi phải đưa trước cho anh ta 20 triệu đồng.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Gia đình tôi không thể tìm được mối mua cơm heo trực tiếp nên phải lấy qua “cò”. Họ dùng xe tải lấy cơm từ công ty rồi chở đến giao tận nhà nên giá khá cao, tới 200.000 đồng/thùng 220 lít.

Biết là đắt gấp đôi so với mua trực tiếp từ công ty nhưng không mua thì heo không có thức ăn nên tôi cũng phải chấp nhận. Giá này dù sao vẫn có lợi hơn nuôi bằng cám.

Ông Tuấn, một người nuôi heo ở phường Long Bình, TP Biên Hòa

Theo Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG