Mùa bầu cử Mỹ khiến Nhật Bản mất lòng tin

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và người đồng tranh cử J D Vance đều tuyên bố phản đối mạnh mẽ kế hoạch của hãng Nippon Steel Nhật Bản nhằm mua lại US Steel, với giọng điệu và cách thức khiến đồng minh quan trọng nhất của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương tức giận.
Mùa bầu cử Mỹ khiến Nhật Bản mất lòng tin ảnh 1

US Steel là một biểu tượng công nghiệp quốc gia của Mỹ. (Ảnh: X)

"Chúng ta phải duy trì các công ty thép Mỹ vững mạnh do công nhân thép Mỹ điều hành... US Steel là một công ty thép mang tính biểu tượng của Mỹ trong hơn 1 thế kỷ và điều quan trọng là công ty phải tiếp tục là của Mỹ, do người Mỹ sở hữu và điều hành”, Tổng thống Biden phát biểu gần đây.

"US Steel là một công ty có lịch sử lâu đời của Mỹ. Và điều quan trọng đối với quốc gia chúng ta là duy trì các công ty thép Mỹ vững mạnh. Tôi hoàn toàn đồng ý với Tổng thống Biden...", bà Harris cho biết.

"Tôi sẽ chặn nó. Tôi nghĩ đó là một điều khủng khiếp. Khi Nhật Bản mua US Steel, tôi sẽ chặn nó ngay lập tức. Chắc chắn rồi", ông Trump tuyên bố.

"Hôm nay, một phần quan trọng của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ đã bị bán cho người nước ngoài để lấy tiền", ông J D Vance nói.

Ông Sherrod Brown - Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, phát biểu: “Khi cân nhắc thỏa thuận này, tôi kêu gọi phải xem xét mối quan hệ của Nippon với Trung Quốc và rủi ro mà vụ sáp nhập này gây ra cho an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ”.

U.S. Steel, ra đời năm 1901, là một trong những công ty thép lớn của Mỹ, trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp thép và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nền kinh tế và công nghiệp của quốc gia.

U.S. Steel không chỉ là đại diện của ngành công nghiệp thép mà còn là một phần của di sản văn hóa và lịch sử của Mỹ. Trong suốt thế kỷ 20, U.S. Steel tham gia nhiều dự án quốc gia quan trọng, bao gồm xây dựng các công trình mang tính biểu tượng như Cầu Cổng Vàng ở San Francisco.

Những thông điệp mang tính dân tộc chủ nghĩa đã phát huy tác dụng trong chiến dịch vận động tranh cử, nhưng đó không phải cách người Nhật nhìn nhận vấn đề.

“Tôi thấy những gì được nói ở Mỹ rất đáng lo ngại, với những tuyên bố hoặc hành động có thể làm suy yếu lòng tin của các đồng minh… Gần đây, Mỹ có xu hướng áp đặt thỏa thuận và đe dọa cả đồng minh của mình. Điều này không chỉ đúng với các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà cả Nhật Bản. Tôi tự hỏi liệu đó có thực sự là một cách tiếp cận công bằng hay không”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhận xét.

Bộ trưởng Chuyển đổi số Nhật Bản Taro Kono phát biểu gần đây: “Chúng tôi tin rằng Mỹ có nền kinh tế thị trường. Nhật Bản và Mỹ là đồng minh tốt và tôi không nhìn thấy mối đe dọa an ninh hay kinh tế nào từ vụ mua lại. Đây không phải vấn đề về mua lại US Steel, mà là vấn đề sẽ để lại hậu quả rộng hơn”.

Ông Ishiba đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước cuộc đua giành vị trí chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Ông Kono là một ứng cử viên mạnh khác trong tổng số 9 ứng cử viên.

Nỗ lực tự thân

Người nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 27/9 gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng kế nhiệm của Nhật Bản từ tháng 10.

Phát biểu bằng tiếng Anh tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Nhật Bản (FCCJ) tuần trước, ông Kono cho biết dù mối quan hệ an ninh Mỹ - Nhật đóng vai trò nền tảng đối với quốc phòng của Nhật Bản, nhưng khi Mỹ trở nên “bất ổn” và “chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra” ở Washington, Nhật Bản cần “sự đảm bảo kỹ càng hơn” về “phòng thủ nhiều lớp”.

Theo quan điểm của ông Kono, hệ thống phòng thủ nhiều lớp bao gồm hợp tác chặt chẽ với các đồng minh khác ở châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước mạnh mẽ; sở hữu các tên lửa tầm xa, máy bay không người lái và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân; đặt các ngư lôi và tên lửa phi hạt nhân lặng lẽ chờ đợi ở các điểm nghẽn từ Trung Quốc ra Thái Bình Dương.

Ông Kono ủng hộ đối thoại với Trung Quốc, nhưng cho rằng Nhật Bản cần hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng để gây áp lực lên Trung Quốc và cạnh tranh với Bắc Kinh ở Nam Bán cầu.

Ông Ishiba tin rằng “liên minh Mỹ - Nhật Bản rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ… Nhật Bản không có lợi ích gì khi mở rộng năng lực quân sự chỉ để làm hài lòng Mỹ”, ông nói tại sự kiện ở FCCJ.

Ông cho rằng “Mỹ không bảo vệ Ukraine vì nước này không phải là thành viên NATO là điều thực sự đáng sợ. Cũng rất đáng lo ngại khi chúng ta không có hệ thống an ninh tập thể tại Đông Á. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thiết lập một hệ thống như vậy”.

Bộ trưởng Bộ An ninh Kinh tế Sanae Takaichi, một học trò của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, được đánh giá là ứng viên quyết liệt nhất của LDP.

Bà nói trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo LDP cách đây 3 năm: "Chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới. Các vệ tinh của chúng ta có thể bị tấn công. Các tuyến cáp ngầm có thể bị cắt đứt. Chúng ta nên tập trung nguồn lực vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ của quốc gia".

Lần này, bà Takaichi ủng hộ việc dỡ bỏ chiếc phao mà Trung Quốc thả neo gần quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng có yêu sách và gọi là Điếu Ngư; thúc đẩy "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và thảo luận việc sửa đổi quy định cấm đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật Bản.

Bà hứa rằng nếu trở thành thủ tướng, sẽ đến thăm Đền Yasukuni, một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên tức giận.

Tám trong 9 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử tháng này, bao gồm Takaichi, Ishiba, Kato, Takayuki Kobayashi, Koizumi, Kono, Tổng thư ký LDP Toshimitsu Motegi và Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi, đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi “hiến pháp hòa bình” của Nhật Bản trong các bài thuyết trình vận động tranh cử của họ.

Ứng viên còn lại là Ngoại trưởng Yoko Kamikawa không cần nhấn mạnh quan điểm đó. Bà đang đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm xây dựng quan hệ an ninh với các quốc gia cùng chung chí hướng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kết quả cuộc thăm dò thường niên do nhật báo Yomiuri Shimbun thực hiện và công bố hồi tháng 5 cho thấy, 53% người tham gia khảo sát ủng hộ việc sửa đổi đoạn thứ hai của Điều 9 – tỷ lệ cao nhất từ ​​trước đến nay, trong khi chỉ hơn 10% cho rằng không cần thiết.

Một số người muốn có một bản hiến pháp do chính người Nhật viết ra chứ không phải bản hiến pháp áp đặt từ bên ngoài.

Mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên và những tuyên bố từ các chính trị gia Mỹ đang làm suy yếu lòng tin vào Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản, khiến nhiều người Nhật muốn trở thành một quốc gia bình thường, tự lực hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Theo AT
MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.