Treo đầu dê, bán thịt chó
Anh Hoàng (ngụ phường Phước Long B, quận 9) lên mạng tìm mua một chiếc máy tính xách tay (laptop) để thưởng cho cậu con trai vừa đỗ đại học. Sau nhiều ngày tìm hiểu, anh quyết định chọn mua chiếc laptop Sony Vaio SVF15212CXW hơn 13 triệu đồng từ một trang mạng chuyên bán hàng trực tuyến.
Máy có cấu hình Core i3 1.9GHz, RAM 4GB, ổ cứng 500GB, màn hình LCD 15,6 in, so với một số trung tâm điện máy thì rẻ hơn gần 700.000 đồng. Anh Hoàng chuyển khoản một triệu đồng để đặt cọc, hôm sau bên bán đến tận nhà giao hàng và nhận nốt tiền.
Sau khi kiểm tra các thông số kỹ thuật cơ bản, anh Hoàng yên tâm nhận máy. “Ai dè thằng nhỏ mới sử dụng hơn một tháng, máy không còn hoạt động ổn định, thỉnh thoảng bị treo, bàn phím không nhạy. Nơi bán không chịu đổi máy khác. Họ đổ thừa thằng nhỏ sơ ý để máy va đập và cho nhân viên đến cài lại windows vài lần rồi không đến nữa. Tôi bực quá, đem ra tiệm cho thợ bung máy ra kiểm tra, mới biết main, ổ cứng, chip, RAM…đều là hàng cũ” - anh Hoàng kể.
Tại hội thảo phát triển thương mại điện tử (TMĐT) vừa được tổ chức tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT thừa nhận người tiêu dùng đang mất niềm tin vào mua bán trực tuyến bởi không ít doanh nghiệp thông tin quảng bá không chính xác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo.
Ngoài ra, các dịch vụ hậu mãi (bảo hành, bảo trì) chưa tốt, trong khi giá cả không rẻ hơn so với mua trực tiếp. Trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng và từ chối mua hàng, không ít người mua còn bị mất tiền đặt cọc...
Theo bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc 123Pay, trong năm 2013, doanh số từ TMĐT chỉ chiếm 1,7% trong tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam. Đáng nói hơn, 74% tổng doanh số TMĐT lại được thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán trực tuyến qua thẻ chỉ chiếm 8%.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận người tiêu dùng còn lo ngại mua hàng trực tuyến do thiếu các cơ chế hỗ trợ, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau thanh toán.
Nhiều rủi ro
Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 6/2014, cả nước có khoảng 72,1 triệu thẻ do 50 ngân hàng thương mại phát hành, trong đó, thẻ ghi nợ (Debit) chiếm khoảng 92%, thẻ tín dụng (Credit): 3,8%, còn lại là thẻ trả trước (Prepaid).
Ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng văn phòng Banknetvn tại TPHCM cho biết số người đăng kí sử dụng giao dịch trực tuyến còn thấp hơn. Thông tin từ hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Banknetvn cho thấy hiện nay chỉ có khoảng 3 triệu thẻ tham gia thanh toán trực tuyến trên tổng số 72,2 triệu thẻ thanh toán đã phát hành.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa an tâm sử dụng giao dịch trực tuyến là do cơ sở hạ tầng và loại hình TMĐT còn nhiều rủi ro, hạn chế. Đơn cử các giao dịch điện tử còn khó sử dụng và gặp nhiều trục trặc với gần 45% giao dịch điện tử thất bại. Và khi xảy ra sai sót thì việc hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị liên quan không tốt.
Theo đại tá Lê Minh Loan, Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), vừa qua tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra các trường hợp tội phạm lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, dùng CMND của người khác mở tài khoản… để chuyển, nhận tiền bất hợp pháp.
Trong khi đó, hiện các ngân hàng chỉ quy định hạn mức tối đa cho mỗi tài khoản được chuyển tiền theo dịch vụ Internet Banking (có thu phí), chưa quy định hoặc chưa có các công cụ kiểm soát nguồn gốc, dòng tiền, số lượng cũng như mục đích sử dụng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia về TMĐT cho rằng, để TMĐT cũng như thanh toán trực tuyến được người tiêu dùng chấp thuận, các cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của người dân, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp, đơn cử như cần ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, trên 98% các giao dịch của các khách hàng lớn (doanh nghiệp, tổ chức) của các ngân hàng được thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. Thống kê trong năm 2013, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ và giá trị giao dịch tăng lần lượt 83% và 42% so với năm 2012.
Theo chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014, đến cuối năm 2015, cả nước có từ 35 - 40% dân số có tài khoản tại các ngân hàng, khoảng 250.000 thiết bị chấp nhận thẻ sẽ được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.