Mua bán đô ở đâu?

Đìu hiu “chợ đô” Hà Trung, Hà Nội (ảnh chụp lúc 3h chiều 10 - 3) Ảnh: Hồng Vĩnh
Đìu hiu “chợ đô” Hà Trung, Hà Nội (ảnh chụp lúc 3h chiều 10 - 3) Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau bốn ngày cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động mua bán USD thị trường chợ đen, nhất là sau khi cơ quan công an bắt vụ mua bán gần 400.000 USD tại Hà Nội, thị trường chợ đen dừng hoạt động. Người dân có nhu cầu chính đáng hiện gần như không thể mua được USD.

>> Bắt vụ mua bán trái phép gần 400.000 USD

Đìu hiu “chợ đô” Hà Trung, Hà Nội (ảnh chụp lúc 3h chiều 10 - 3) Ảnh: Hồng Vĩnh
Đìu hiu “chợ đô” Hà Trung, Hà Nội (ảnh chụp lúc 3h chiều 10 - 3) .
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hà Nội: Tối đa chỉ mua được 100 USD

Chiều 10- 3, PV có mặt tại Hội sở chính Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đã cuối giờ giao dịch, một số quầy ngoại tệ vắng khách, trong khi các quầy gửi VND khách đến làm thủ tục đông.

Tại một quầy giao dịch ngoại tệ ngay tầng 1, ngay khi ngỏ ý muốn mua ngoại tệ theo đúng quy định về việc đi du lịch công tác nước ngoài, một nữ nhân viên ngân hàng chỉ dẫn thực hiện giao dịch tại quầy 44 và 45 trên tầng 2.

Trong khi hai quầy này không thấy có nhân viên trực, ghé sang quầy bên cạnh hỏi về thủ tục để mua ngoại tệ, nữ nhân viên cho biết: “Nếu chị mang đủ các giấy tờ tới đây theo đúng quy định, ngân hàng sẽ bán. Về định mức, chị sẽ được mua các loại ngoại tệ khác (euro, yên Nhật, bạt Thái…) tương đương 3.000 USD. Còn nếu mua USD chị chỉ được mua đúng 100 USD”.

Hỏi tại sao mức mua USD chỉ được 100 USD, chứ không phải 3.000 USD theo quy định, nhân viên này cho biết: Đó là quy định của ngân hàng. Về những giấy tờ cần thiết, cô nhân viên hướng dẫn: “Chị phải có hộ chiếu có visa nước đến, trường hợp đi du lịch phải có vé máy bay, nếu đi công tác nước ngoài thì cần tờ công văn cử đi công tác của cơ quan chủ quản”.

Cô còn dặn thêm: “Ngay cả với các loại ngoại tệ khác, giả sử đồng bạt (Thái), chị cũng phải chờ em kiểm tra xem ngân hàng có sẵn để bán không”. Một khách hàng cho hay cũng mới mua được ngoại tệ tại Vietcombank theo tiêu chuẩn nhưng là euro, có giá trị tương đương 3.000 USD.

Tại một phòng giao dịch khá lớn của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), một nữ nhân viên ngân hàng cho biết: “Giá mua bán USD của ngân hàng 10-3 đang ở mức 20.880 VND/USD nhưng cũng chỉ là hình thức mua bán chuyển khoản với doanh nghiệp. Ngân hàng chỉ lo ngoại tệ cho doanh nghiệp đã không xuể nên không có để bán cho khách lẻ bên ngoài”.

Thị trường USD chợ đen phố Hà Trung (Hà Nội) đóng cửa, trong khi người dân vào ngân hàng cũng không thể mua USD Ảnh: Hồng Vĩnh
Thị trường USD chợ đen phố Hà Trung (Hà Nội) đóng cửa,
trong khi người dân vào ngân hàng cũng không thể mua USD.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

TP HCM: Chợ đen đóng băng, ngân hàng không bán

Ngày hôm qua, thị trường tự do tại TPHCM cũng ngừng giao dịch ngoại tệ. Khu vực đường Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu (quận 1) ngày thường tấp nập người bán, kẻ mua ngoại tệ phục vụ khách du lịch, nhưng hôm nay đóng cửa, bảng hiệu được dỡ bỏ.

Các tiệm vàng quanh chợ Bến Thành cũng từ chối báo giá cũng như mua bán ngoại tệ với khách hàng. Một số tiệm cho biết, việc ngừng giao dịch là để “né” đợt truy quét của cơ quan chức năng. Nhiều người dân cũng tỏ ra lo ngại khi giao dịch ngoại tệ tại các tiệm vàng.

Bà Mai (ở quận 3) cho biết: “Tôi chuẩn bị đi du lịch, cần mua mấy trăm USD mang theo, nhưng ra mấy ngân hàng thì họ đều không bán, tiệm vàng cũng không. Chẳng biết phải làm thế nào?”.

Trong vai một người dân có nhu cầu mua USD để đi du lịch, phóng viên Tiền Phong tới một chi nhánh của Ngân hàng Á Châu (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) hỏi, nhân viên tại đây cho biết ngân hàng chỉ thực hiện giao dịch chuyển khoản cho các công ty để thanh toán hợp đồng hàng hóa, ngoài ra không bán USD mặt cho người dân.

Nhân viên này còn cho biết, trước đây, muốn mua ngoại tệ tiền mặt người dân phải xuất trình các loại giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng như đi du học, du lịch, đi công tác... Nếu không đủ giấy tờ thì không thể mua được. “Nhưng bây giờ dù chị có đủ giấy tờ thì ngân hàng cũng không thể bán USD, vì nguồn ngoại tệ hiện không đủ” – nhân viên này nói.

Tại một điểm thu mua ngoại tệ của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương trên đường Lê Lợi (quận 1), khi chúng tôi đề nghị mua USD, nhân viên cũng trả lời: “Chị mang USD đến bán thì em mua, chứ chị muốn mua thì ngân hàng không có bán”.

Giải quyết thế nào?

Trước tình cảnh người dân có nhu cầu ngoại tệ nhưng không thể mua, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước nên có hai cơ chế: Thứ nhất, đối với nguồn ngoại tệ kiều bào gửi về, nên khuyến khích người dân bán cho ngân hàng thay vì rút USD.

Thứ hai, khi dân có nhu cầu công tác, du lịch, du học… sẽ phải mua USD trong ngân hàng với mức giá có cộng thêm phí. Ở nước ngoài, người dân mua USD cũng phải trả phí”.

Theo ông Ngân, thị trường sẽ dần ổn định trở lại, khi người dân thấy những rủi ro tiềm ẩn ở thị trường chợ đen, họ sẽ chuyển sang giao dịch tại ngân hàng. Khi đó nguồn ngoại tệ tại ngân hàng sẽ tăng lên và cung ứng đủ nhu cầu của người dân.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong tại một số ngân hàng thương mại, trong ngày hôm qua tiền gửi ngoại tệ tại nhiều nơi tăng đột biến.

Lãnh đạo một ngân hàng lý giải: “Có thể sau 4 ngày siết USD chợ đen, nhất là sau vụ phát hiện, xử lý hành vi mua bán trái phép gần 400.000 USD, những người dân đang giữ USD ở nhà đã quyết định đem gửi vào ngân hàng thay vì để đó nghe ngóng, chờ đợi. Hơn nữa, nếu không gửi sớm, có thể thời gian tới, lãi suất ngoại tệ sẽ hạ”.

* Việc ngừng giao dịch của thị trường ngoại tệ cũng khiến giá vàng trong nước hôm qua đuối sức. Mở cửa buổi sáng, giá giảm nhẹ so với chiều hôm trước. Đến cuối ngày, mỗi lượng vàng SJC được niêm yết ở mức 37,37 – 37,45 triệu đồng, giảm lần lượt 90.000 – 80.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua và bán so với hôm trước.

* Ngày 10- 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Công văn số 1962, yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình huy động và cho vay vốn bằng vàng; báo cáo tình hình thực hiện số vốn đã huy động bằng vàng chuyển đổi thành tiền và tất toán chậm nhất là ngày 30-6.

Người dân có USD có thể bán, gửi bình thường 

Trao đổi với PV Tiền Phong, cán bộ một ngân hàng thương mại lớn cho biết, người dân đang giữ USD có quyền quyết định bán, gửi hoặc giữ lại. Tuy nhiên, nếu bán USD trên thị trường chợ đen, hoặc cho các tổ chức cá nhân không được phép kinh doanh buôn bán ngoại tệ thì sẽ chịu rủi ro rất cao khi Nhà nước siết việc thực hiện Pháp lệnh về ngoại hối.

Nếu người dân, tổ chức mang USD đến các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được phép thu đổi ngoại tệ để bán hoặc gửi thì rất được khuyến khích và không chịu bất kỳ rủi ro nào ngoài chênh lệch giá giữa thị trường chợ đen và thị trường chính thức.

Tất cả các ngân hàng đều duy trì nhiều mức lãi suất khác nhau dành cho đồng nội tệ và đồng ngoại tệ. Tỷ giá VND/USD chính thức được niêm yết công khai tại các ngân hàng.

Một chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng, việc thực hiện xóa thị trường ngoại tệ chợ đen là đúng đắn. Không ở đâu lại có tình trạng người đạp xích lô cũng có thể mua ngoại tệ tự do trong khi không có nhu cầu đi ra nước ngoài làm ăn.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, những quyết định điều hành chính sách tiền tệ nên được thực hiện đồng bộ và đúng thời điểm hơn để người dân tin vào đồng tiền cũng như việc điều chỉnh chính sách. Ví như, việc điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu vừa rồi được thực hiện cùng lúc với thời điểm điều chỉnh tỷ giá thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG