Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non

TPO - Trên những triền núi Mù Cang, dưới bàn tay kiến tạo của người Mông ở miền tây Yên Bái từ ngàn đời cho cuộc sinh tồn chốn sơn cước, ruộng bậc thang mùa lúa chín đã trở thành danh thắng tuyệt mỹ mê hoặc bất cứ du khách nào đã từng một lần đặt chân đến đây vào những ngày này.

Nếu bạn có thể sốc và bị mê hoặc trước vẻ đẹp tưởng như do thiên nhiên ban tặng nhưng thực ra đã có bàn tay con người kiến tạo, thì ruộng bậc thang Mù Cang Chải là địa chỉ ghi điểm tuyệt đối. Hai năm trước, tạp chí danh tiếng National Geographic của Mỹ đã nhanh chóng đưa những hình ảnh ruộng bậc thang của người Mông ở Mù Cang Chải vào top những bức ảnh đẹp nhất thế giới. Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang đã có thể khiến hàng trăm ngàn lượt du khách đổ về miền sơn cước này chiêm ngưỡng và chụp những bức hình lưu niệm với ấn tượng vì vẻ đẹp tuyệt mỹ khó tả.

Từ thung lũng Mường Lò vượt đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, những làn sóng vàng ruộng bậc thang trải nghiêng sườn núi cứ ngỡ như của trời tạo hóa hình thành. Đây Tú Lệ mùa nếp chín cốm mới thơm nức từ gió núi tạt về, kia La Pán Tẩn những chàng trai, cô gái trao nhau nui cười duyên tạo dáng chụp hình bên ruộng mâm xôi…

Từng tầng nấc ruộng bậc thang như kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam do đồng bào Mông sáng tạo ra, tựa như có nghệ nhân khổng lồ bí ẩn nào đó xếp hình cho lúa. Sóng vàng uốn lượn khắp sườn núi, lớp lớp gối nhau trải dài triền núi đến bất tận…

Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 1
Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 2
Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 3

Cung đường phượt nổi tiếng theo tuyến Quốc lộ 32 về phía Tây Bắc lên núi Mù Cang, vượt qua đèo Khau Phạ mờ sương, càng lên núi cao nhìn xuống thì bức tranh ruộng bậc thang Mù Cang Chải hiện ra càng rực rỡ. Vàng óng tuyệt đẹp mùa lúa xã Chế Cu Nha, du khách thầm nói lời cảm ơn siêu phẩm của con người ở vùng đất có tới 92% dân số là đồng bào Mông sinh sống. Nằm trên độ cao hơn 2.000 mét, siêu công trình nghệ thuật giữa núi rừng hùng vĩ mỗi lúc càng mê hoặc bất cứ ai từng có cơ hội đặt chân đến vùng đất còn nhiều nghèo khó này.

Ruộng bậc thang thực ra không phải là kiến tạo vì vẻ đẹp thẩm mỹ trong con mắt người Mông, nó là thế trận sinh tồn thích ứng tuyệt vời nhất đối ứng với thiên nhiên để phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo lương lực cho người dân bản địa, và cũng là sản phẩm hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao Mù Cang Chải. Hiện nay, Mù Cang Chải có 2.500 ha ruộng bậc thang, tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình…

Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 4
Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 5
Khai hoang ruộng bậc thang là quá trình công phu, tốn nhiều công sức, thể hiện kinh nghiệm trồng lúa nước lâu đời của đồng bào Mông. Các điểm đón nước cho ruộng bậc thang được lấy từ các nguồn khe phía trên, việc sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới cũng theo cách không nối liền mạch nhằm hạn chế tối đa khi có mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết độ màu của đất. Để tạo sự đồng mức cho từng mảnh ruộng, người Mông dùng nước làm thành một đường cân bằng, chỗ gồ ghề thì cào bằng thêm, chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy các thửa ruộng quanh quả đồi đều có mực nước và độ cao giống nhau, tạo thành các bậc thang đều khắp núi đồi...

Những công việc này được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần phát triển thành một vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải rộng lớn tựa như tuyệt tác nghệ thuật - điểm đến để khám phá, tìm hiểu về cách thức canh tác ruộng bậc thang, về con người nơi đây.

Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 6
Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 7
Ruộng xếp tầng, xếp lớp trải rộng, những "mâm xôi vàng”, "mâm xôi xanh” này hiện lên hùng vĩ giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc thể hiện cuộc sống ấm no của đồng bào. Chị Vàng Thị Nu, người dân bản địa cho biết: "Tôi cũng như nhiều người dân nơi đây rất tự hào về ruộng bậc thang với những thành quả của cha ông. Chúng tôi sẽ giữ gìn và phát huy giá trị đó. Cùng với đó, mỗi thửa ruộng bậc thang không chỉ cung cấp lương thực phục vụ sinh hoạt gia đình mà còn là điểm thu hút các du khách tham quan, trải nghiệm”. Cùng với chuỗi lễ hội của tỉnh, hàng năm vào trung tuần tháng 9, Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức. Bà con các dân tộc cùng nhau xuống núi trảy hội, gặp gỡ giao lưu. Du khách trong và ngoài nước cũng tề tựu về đây chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang khoe sắc vàng rực rỡ và tham gia chuỗi các sự kiện văn hóa đặc sắc như: phiên chợ vùng cao, triển lãm ảnh ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, hội thi giã bánh dày, khèn Mông, chọi dê, đua ngựa.

Du khách sẽ có những trải nghiệm khác biệt nhưng đậm sắc màu văn hóa Thái, Mông từ những căn nhà sàn lưu trú du lịch cộng đồng ấn tượng, và thụ hưởng hương vị ẩm thực ngon lạ ở miền sơn cước đẹp nhất nhì Tây Bắc.
 
Các môn thể thao dân tộc như: tung còn, ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy... cũng được tổ chức. Các hoạt động du lịch sinh thái như: chinh phục đỉnh núi Púng Luông, thác Mơ 3 tầng (xã Mồ Dề), suối nước nóng và hang động ở Nậm Khắt, rừng chè cổ thụ La Pán Tẩn cũng không kém hấp dẫn. Ngoài ra, Mù Cang Chải đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch "Mù Cang Chải Ecolodge” ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt. Ở đây, những cánh rừng thông hàng chục năm tuổi và nhiệt độ lạnh chẳng kém gì Sa Pa có thể khiến du khách phải lưu trú dài ngày.

Sự cần cù của người Mông đã hình thành nên công trình kỳ vỹ giữa đại ngàn Tây Bắc, hòa quyện vào đó là bản sắc văn hóa truyền thống. Đến hẹn lại lên, du khách lại đến với Mù Cang Chải để đắm mình vào mùa vàng lúa chín lấp lánh - điểm đến hấp dẫn, thân thiện.

Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 8
Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 9
Mù Cang mùa lúa chín – tuyệt mỹ sóng vàng trên non ảnh 10
MỚI - NÓNG