Một tỉnh có tới 194 cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh. Ảnh IT
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh. Ảnh IT
TPO - Một tỉnh ở miền Trung có tới 194/262 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% về 1 trong 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số, trong đó có 66 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí.

Theo Vụ Chính quyền địa phương, căn cứ vào hai tiêu chí dân số và diện tích của đề án, thì trong giai đoạn đầu thực hiện sẽ có 16 huyện, 631 xã trong diện phải sáp nhập. Thống kê cho thấy, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn lớn nhất cả nước.

Chia sẻ về kinh nghiệm và thực tiễn trong việc sắp xếp đơn vị hành chính tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết, trên toàn tỉnh có 194/262 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% về 1 trong 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số, trong đó có 66 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí.

Về lộ trình thực hiện, ông Khánh cho hay, từ nay đến 2021, tỉnh sẽ bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng giảm: xã loại 1 không quá 21 người, loại 2 không quá 20, loại 3 không quá 19 người. Theo đó, đến năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm được hơn 1.200 cán bộ công chức cấp xã. Với con số này, từ 2021 trở đi, mỗi năm tỉnh có thể tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn chi lương cho cán bộ, công chức cấp xã.

Trước mắt, từ nay đến đầu tháng 8/2019, tỉnh phải hoàn thành bố trí mỗi xã không quá 8 người hoạt động không chuyên trách, theo đó giảm hơn 2.000 người và nâng mức chi phụ cấp cho 1 người hoạt động không chuyên trách cấp xã trung bình từ 1,3 lên 2,27 lần mức lương cơ sở.

Tuy nhiên theo ông Khánh, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Có trường hợp sáp nhập 3 cấp xã thành một xã mới nhưng vẫn chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số; trường hợp sáp nhập từ hai đơn vị hành chính cấp 2 xã nhưng có một tiêu chuẩn đạt dưới 50% theo quy định; tiêu chuẩn còn lại đạt trên 50% nhưng dưới 100%. Bên cạnh đó còn phát sinh những khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ dôi dư.

Từ thực tế trên, Chủ tịch Hà Tĩnh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành nghị quyết, Chính phủ sớm ban hành chương trình, kế hoạch lộ trình thực hiện sáp nhập cấp huyện, xã từ nay đến 2021.

Bên canh đó, một số địa phương như tỉnh Hoà Bình cũng có 5 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% ở 1 trong 2 tiêu chuẩn; 1 huyện chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về dân số và diện tích tự nhiên. Đối với cới cấp xã, Hoà Bình cũng có 31 xã, thị trấn chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Theo đề án mà tỉnh xây dựng và báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, Hòa Bình dự kiến sáp nhập, điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hoà Bình. Như vậy, sau khi thực hiện, Hoà Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 9 huyện. Còn với cấp xã, tỉnh dự kiến giảm 59 đơn vị và còn 151 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm chi ngân sách khoảng 26 tỷ đồng mỗi năm.

, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tờ trình và nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Dự thảo nhấn mạnh ưu tiên sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng một hoặc một số huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề đã từng chia tách, hoặc những nơi tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, phong tục tập quán. Khi sắp xếp, những nơi chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí thì không nhất thiết đơn vị hành chính mới phải đủ cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số nhưng ít nhất phải đạt 1 trong 4 điều kiện. Cụ thể là phải có 1 tiêu chuẩn đạt từ 100% trở lên, tiêu chuẩn còn lại đạt trên 50%. Dự thảo cũng đưa ra những huyện, xã không bắt buộc phải sáp nhập. Đó là những nơi có yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí địa lý tự nhiên biệt lập như khu vực hải đảo, cù lao; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh…

MỚI - NÓNG