Một thời để nhớ...

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga cùng tác giả đến thăm anh thương binh trẻ
Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga cùng tác giả đến thăm anh thương binh trẻ
TP - Hôm đầu tiên đến tòa soạn, một đồng chí lãnh đạo báo tiếp tôi ở phòng thường trực, ông hỏi có biết ai làm ở báo Tiền Phong không?

Bài báo đầu tiên
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là đại học KHXH và NV), tôi gia nhập quân đội, là trắc thủ phát lệnh tên lửa. Cuối năm 1975, nước nhà thống nhất, hòa bình, tôi được ra quân, chuyển về làm phóng viên báo Tiền Phong.

Hôm đầu tiên đến tòa soạn, một đồng chí lãnh đạo báo tiếp tôi ở phòng thường trực, ông hỏi có biết ai làm ở báo Tiền Phong không, tôi thưa, có biết nhà thơ Phan Cung Việt. Ông cười: Phan Cung Việt vừa ngồi ở đây mà! Tôi đỏ mặt thú nhận là chỉ nghe tên nhà thơ qua những bài thơ được ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông lại hỏi: Cậu đọc báo Tiền Phong thích chuyên mục nào? Lúc đó  tôi hoảng thực sự, vì quả thực cho đến lúc này tôi chưa hề đọc báo Tiền Phong. Thời sinh viên sơ tán ở rừng núi Đại Từ,  không có báo đọc, thời bộ đội cũng là thời chiến tranh, chỉ được nghe đài, cũng chưa bao giờ thấy mặt một tờ báo nào cả, nên tôi đành nói thật với ông. 

Sau này, có một đồng chí ở T.Ư đoàn bảo tôi : Cũng may, cậu có “ ba bằng đỏ” nên mới được nhận về báo Tiền Phong. Rồi đồng chí ấy giải thích : Cậu tốt nghiệp đại học bằng đỏ, là đảng viên cũng là bằng đỏ, lại kinh qua trường đại học QUÂN ĐỘI, thêm một bằng đỏ nữa là ba...
Tôi được phân về ban công nghiệp của báo. Chuyến đi đầu tiên là về liên hợp dệt Nam Định để viết bài. Mấy hôm đi ca cùng công nhân đến một hai giờ sáng mà chẳng nghĩ ra được chữ nào. Chỉ làm được một bài thơ, bài “ Tiếng thoi”, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in.

Khi trưởng ban hỏi bài, tôi thú thật là chỉ viết được bài thơ. Ông nghiêm mặt bảo: Người ta nhận cậu về đây để làm báo chứ đâu phải thơ với thẩn!

Từ hôm đó tôi bắt đầu xuống thư viện tìm báo đọc. Tôi đọc gần hết hai năm báo Tiền Phong lưu ở đó. Rồi tôi xin đi theo những nhà báo có kinh nghiệm, viết hay ở báo Tiền Phong thời đó như nhà báo Tất Vinh  (Hồng Dương), nhà báo Mai Cát. Cả hai nay đã mất...

Có lần, đến nhà trưởng ban chơi và thú thật với ông rằng tôi xin về báo là muốn về ban văn nghệ, làm biên tập thơ. Tôi yêu thơ từ nhỏ và có thơ đăng trên các báo T.Ư và in trong tập thơ “Bông hồng đỏ” của nhà xuất bản Kim Đồng cùng với “ Thần đồng” thơ Trần Đăng Khoa từ khi còn là thiếu niên, học ở trường làng. Sau này có lần nói chuyện trên Đài truyền hình Hà Nội, Trần Đăng Khoa cho biết thời đó người ta gọi chúng tôi là “ Giàn thần đồng”.

Bài học nhớ đời

Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là năm 1983, có “ chiến dịch” Z30 với chủ trương tiến hành tịch thu tài sản, nhà cửa của những gia đình có nhà từ hai tầng trở lên. Tôi được phân công theo chân đội “xung kích” của đoàn thanh niên ở Hà Nội để viết bài. Đội “xung kích” ra quân từ rất sớm, lúc tôi chuẩn bị đi thì có một người bạn thơ đạp xe đến tòa soạn báo tin Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuẩn bị in cho tôi một chùm thơ và người biên tập muốn trao đổi để sửa mấy dòng trước khi in. Mừng quá, tôi liền theo người bạn thơ đến tòa soạn tạp chí. Ở đó, tôi được mấy nhà thơ có tên tuổi tiếp và nói chuyện thân tình. Mãi gần trưa, tôi mới sực nhớ đến nhiệm vụ của mình, đạp vội xe đến địa điểm tập kết thì được biết đoàn kiểm tra và đội thanh niên “ xung kích” đã làm xong việc, ai về nhà nấy rồi. 

Tôi vội đạp xe đến quận đoàn Hoàn Kiếm. May sao, đồng chí bí thư quận đoàn còn ở đó. Tôi ngồi nghe anh kể về những diễn biến của chiến dịch, ghi vội vào cuốn sổ tay rồi đạp xe về tòa soạn cặm cụi viết bài.

Bài báo được in trên báo Tiền Phong. Tôi thở phào vì suýt nữa đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Độ mấy tuần sau, một đồng chí lãnh đạo của báo gọi tôi lên, cho biết gia đình mà tôi viết trong báo đâm đơn kiện lên tòa soạn. Đồng chí lãnh đạo báo bảo tôi đưa bằng chứng để chứng minh tính chân thực của bài báo. Tôi sợ quá, vì trong bài báo tuy được nghe kể lại nhưng tôi viết như chính mình chứng kiến, tai nghe, mắt thấy...

Cũng may, đồng chí bí thư quận đoàn Hoàn Kiếm lúc đó là người tử tế. Khi tôi xuống cầu cứu, anh đã lên tận tòa soạn kể lại đầu đuôi sự việc và bảo đảm những điều tôi viết trong bài báo là do anh kể, không hề thêm bớt. Nên lần đó tôi chỉ bị lãnh đạo báo nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
Đó là bài học “nhớ đời” về tính chân thực của nghề viết. Bài viết khi đăng lên báo dù đó là sự thật cũng phải có đầy đủ chứng cớ PHÁP LÝ. Nghĩa là phải có ghi âm, ghi hình, có văn bản đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền...Và nếu anh không chứng kiến thì phải ghi là do ai kể, kể vào lúc nào, có băng ghi âm hay những người cùng làm chứng.

Tiền Phong là xung phong đi đầu, đổi mới

Có lần đi công tác với một nhà báo đã có mặt từ khi báo Tiền Phong ra số đầu tiên (1953) ở chiến khu Việt Bắc, tôi hỏi ông: Có phải các cụ khi đặt tên TIỀN PHONG là ý nói tờ báo phải luôn xung phong đi đầu? Ông bảo: Phải đấy, đổi mới, đi đầu... phải luôn như vậy.

Hình như bây giờ người ta chỉ nhớ đến việc báo Tiền Phong khởi xướng ra cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất? Nhưng thực ra báo Tiền Phong đã khởi xướng ra nhiều điều mới, khởi xướng ra nhiều  phong trào mà bây giờ đã trở thành phong trào của nhiều nơi, nhiều khi là của cả nước như Việt dã toàn quốc chẳng hạn, đã có lịch sử  59 năm, hay “ Siêu cúp bóng đá quốc gia”  ...

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu (1986), đất nước bắt đầu đi vào thời kỳ đổi mới, báo Tiền Phong cũng là tờ báo đổi mới, đi đầu mạnh mẽ. Trước hết là việc đa dạng hóa thông tin, đa dạng hóa ấn phẩm (ra báo Tiền Phong Chủ nhật; Người đẹp Việt Nam; Tri Thức Trẻ; Tiền Phong cuối tháng...). Rồi tổ chức tuyển phóng viên công khai năm 1988 (Có lẽ đây là tờ báo cách mạng đầu tiên, cũng là cơ quan đầu tiên ở ta làm việc này, vì trước đó tuyển người chỉ thông qua tổ chức, qua lý lịch...).

Đa dạng hóa thông tin trước hết là thông qua các diễn đàn. Những diễn đàn như “Nếu tôi là lãnh đạo” thu hút hàng triệu độc giả, hàng ngàn ý kiến tham gia, nhằm hiến kế hay cho đất nước, diễn đàn này đã thực sự gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Rồi diễn đàn “Sống hiện đại, yêu hiện đại” đã đi đúng tâm tư, tình cảm giới trẻ cả nước lúc đó, giới trẻ đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình một cách dân chủ, công khai ...

Trên nhiều ấn phẩm của báo Tiền Phong đã xuất hiện nhiều chuyên mục mới, hấp dẫn, bổ ích với bạn đọc, được bạn đọc trong cả nước quan tâm như: “Nếu tôi là lãnh đạo”; “Sau lũy tre làng”; “Người Việt- phẩm chất và thói hư tật xấu”... Cùng với những cuộc thi, và sau đó trở thành chuyên mục “Tác phẩm tuổi xanh” đã thực sự cuốn hút bạn đọc, đi đầu, khơi dậy tính sáng tạo của tuổi trẻ...

Đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng... Đấu tranh bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho giới trẻ, đấu tranh vì sự công bằng, vì lẽ phải, VÌ SỰ NGHIỆP DÂN CHỦ HÓA XÃ HỘI đã thực sự là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử phát triển của báo Tiền Phong 65 năm qua.

Gần đây báo chí nói nhiều về những oan sai của người dân mà vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) là điển hình. Nhưng cách đây trên 30 năm báo Tiền Phong đã làm việc này, làm một cách bài bản và có hiệu quả. Đó là vụ minh oan cho anh Nguyễn Sỹ Lý, một cán bộ giảng dạy đại học trẻ bị đi tù vì kết án oan với tội giết người. Loạt bài phóng sự điều tra “Hai ngàn ngày oan trái” của cộng tác viên Hồ Hồng Tuyến và phóng viên báo Tiền Phong Mạnh Việt đã gây chấn động dư luận trong cả nước. Sau loạt bài này các cơ quan chức năng đã vào cuộc, anh Nguyễn Sỹ Lý được minh oan, được trở lại làm cán bộ giảng dạy đại học... Đã làm nức lòng bạn trẻ cả nước. Niềm tin vào tờ báo của tuổi trẻ lúc đó gần như là tuyệt đối.

Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao những người sáng lập ra tờ báo của Đoàn, của tuổi trẻ Việt Nam lại đặt tên là Tiền Phong. TIỀN PHONG là phải luôn xung phong đi đầu, đổi mới, đó cũng chính là phẩm chất của tuổi trẻ.

Nhiều hoạt động mà báo Tiền Phong khởi xướng nay đã trở thành phong trào của nhiều cơ quan, của nơi trong cả nước như TRAO HỌC BỔNG KHUYẾN KHÍCH TÀI NĂNG TRẺ ( từ năm 1988),  TRAO SỔ TIẾT KIỆM ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA (Anh hùng Nguyễn Thị Chiên là người đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất được trao); XÂY NHÀ TÌNH NGHĨA ... (từ năm 1989) cho các gia đình thương binh liệt sỹ,  người có công với nước. Báo Tiền Phong cũng là cơ quan đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất tổ chức biểu diễn thời trang từ năm 1989 ( kết hợp với hãng Sam Sung -Hàn Quốc ).

MỚI - NÓNG