Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, ngày 22/12, ông đã làm việc với đại diện ngoại giao một số nước và vùng lãnh thổ, như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… để trao đổi về việc mở lại đường bay thương mại thường lệ giữa đôi bên. Bộ GTVT đề nghị đại diện ngoại giao đôn đốc nhà chức trách hàng không các nước sớm thống nhất bằng văn bản về việc nối lại đường bay thường lệ, và trao đổi về các giải pháp tăng cường giao thương, đi lại trong thời gian tới.
Hành khách làm thủ tục bay từ Việt Nam đi Mỹ trên chuyến bay thẳng thường lệ mới được khai thác. |
Tuy nhiên, theo ông Tuấn "trước đây các nước, vùng lãnh thổ mong muốn nối lại đường bay với Việt Nam nhưng ta lại hạn chế. Hiện nay, các nước giảm số ca mắc COVID-19 thì ta lại có dấu hiệu gia tăng". Do đó, các nước và vùng lãnh thổ có chủ trương hạn chế khách ngoại quốc nhập cảnh, chỉ mở với người nước họ trở về. Trong khi đó, để bay thường lệ cần đảm bảo hiệu quả khách 2 chiều, hiệu quả cạnh tranh của các hãng Việt Nam so với các nước, muốn vậy cần giảm bớt các điều kiện cách ly, giám sát y tế sau khi nhập cảnh.
“Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) có xu hướng kiểm soát chặt hơn người nước ngoài nhập cảnh, trong khi đây là những nước có nhu cầu rất lớn cả khách đi và về nước ta. Còn Singapore sẵn sàng mở cửa thì khách từ Việt Nam đi lại chưa nhiều, chủ yếu nhu cầu về. Do đó, sau khi nối lại đường bay vẫn chủ yếu nhu cầu khách từ nước ngoài về Việt Nam, nên việc nối lại đường bay phải từng bước để đảm bảo có đi – có lại”, ông Tuấn nói.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, từ khi bùng phát dịch COVID-19 tới nay, bộ chưa ban hành bất kể quyết định dừng đường bay nào, nhưng khách nhập cảnh phải đáp ứng rất nhiều điều kiện về giám sát y tế, như: cách ly, đăng ký trước, phải được nhà chức trách trong nước đồng ý… Các điều kiện đó khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm, và cần sự tham gia của nhiều bộ ngành, như: Y tế, Công an, hàng không và chính quyền địa phương.
Ngay văn bản mới nhất về điều kiện nhập cảnh của khách quốc tế được ban hành tuần trước, dù không yêu cầu khách cách ly, nhưng khách nhập cảnh có “hộ chiếu vắc xin” vẫn phải tự theo dõi tại nơi cư trú, trong 3 ngày đầu không được tiếp xúc với ai, và tiếp tục theo dõi trong 11 ngày tiếp theo. Với khách nhập cảnh chưa tiêm vắc xin vẫn phải cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm PCR 2 lần sau khi nhập cảnh.
Do đó, đại diện ngoại giao các nước và Bộ GTVT mong muốn có thể cắt giảm điều kiện về giám sát y tế với người nhập cảnh, trên cơ sở có đi – có lại, có quốc gia không yêu cầu cách ly khách nhập cảnh có “hộ chiếu vắc xin” nên cũng đề xuất Việt Nam bỏ quy định này.
Tới thời điểm này (chiều 23/12), theo ông Tuấn, đã thống nhất nối lại đường bay tới Nhật Bản, Mỹ từ ngày 1/1/2022. Các hãng hàng không đã có thể bán vé, gồm đường bay TPHCM – Tokyo và Hà Nội - Tokyo, mỗi bên khai thác 4 chuyến khứ hồi/tuần, phía Việt Nam sẽ do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác; đường bay TPHCM - San Francisco do Vietnam Airlines khai thác.
“Các nước và vùng lãnh thổ khác cũng cơ bản đồng ý nối lại đường bay thường lệ với Việt Nam, như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… nhưng họ chưa có văn bản chính thức”, ông Tuấn nói.
Trước đó, Chính phủ đã đồng ý thí điểm khôi phục đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022. Trước mắt khôi phục các chuyến bay với các địa bàn, gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Băng Kốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ).