Một phường ở thành phố trẻ nhất Tây Nguyên có chưa đến 1% đất ở

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đó là câu chuyện xảy ra tại phường Quảng Thành (TP. Gia Nghĩa - thành phố trẻ nhất vùng Tây Nguyên). Toàn phường chỉ có 72 héc-ta đất ở, chiếm chưa đầy 1% diện tích đất tự nhiên toàn phường.

Ngày 13/3, ông Lê Văn Hà - Chủ tịch UBND phường Quảng Thành (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) xác nhận, toàn phường hiện chỉ có 72 héc-ta đất ở, chiếm chưa tới 1% diện tích đất tự nhiên.

Cụ thể, tổng diện tích đất tự nhiên toàn phường gần 7.760 héc-ta. Trong đó 3.000 héc-ta đất rừng phòng hộ; 1.963 héc-ta đất có nguồn gốc từ đất nông lâm trường (được giao về phường quản lý từ năm 2017 đến nay nhưng chưa có phương án, kế hoạch sử dụng đất); trong phần đất này có 2 tổ dân phố là Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi.

Điều này đồng nghĩa với việc 2 tổ dân phố trên không có mét đất ở nào. Trong khi đó, bà con đã sinh sống trên phần đất này đã nhiều năm, nhiều trường hợp sinh sống trên 20 năm.

Một phường ở thành phố trẻ nhất Tây Nguyên có chưa đến 1% đất ở ảnh 1

Căn chòi tạm của ông Phan Văn Tám (tổ dân phố Nghĩa Thắng).

Bên căn chòi trống hoác, ông Phan Văn Tám (tổ dân phố Nghĩa Thắng) tâm sự, chưa biết khi nào mới thoát “một cảnh hai quê”. Ông Tám ở Lâm Đồng, qua phường Nghĩa Thắng mua 3 héc-ta đất, sinh sống đã hơn 10 năm. Bao năm qua, ông luôn khoắc khoải một ước mong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

“Vì đất chưa được cấp giấy chứng nhận nên tôi không xây được nhà, chỉ dựng chòi tạm để dụng cụ sản xuất. Vợ con vẫn ở Lâm Đồng để các con tiện đi học. Mình tôi lủi thủi trong căn nhà tạm này làm rẫy, cả tháng mới về một lần. Tôi mong nhà nước sớm cấp GCNQSDĐ để an tâm canh tác. Tôi rất muốn xây nhà để đón vợ con sang cho gia đình đoàn tụ nhưng không được”, ông Tám mong mỏi.

Cùng cảnh ngộ với ông Tám là ông Nguyễn Sự (tổ dân phố Nghĩa Thắng). Ông Sự cho biết, dù thuộc thành phố nhưng sóng điện thoại chập chờn, đường sá đi lại khó khăn, điện thắp sáng cũng chưa được đầu tư. Để có ánh sáng, nguồn điện phục vụ sản xuất, bà con phải bỏ tiền mua lại của người khác kéo về với giá 4 nghìn đồng/số điện, cao rất nhiều so với giá điện nhà nước. Biết vậy, nhưng ông và người dân nơi đây phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.

“Chúng tôi thiệt thòi quá, mong Nhà nước quan tâm, sớm giải quyết để cấp GCNQSDĐ. Có như vậy, chúng tôi mới tiếp cận được các chính sách của Nhà nước như: Vay vốn ngân hàng, dựng nhà an cư lạc nghiệp…”, ông Sự bày tỏ.

Một phường ở thành phố trẻ nhất Tây Nguyên có chưa đến 1% đất ở ảnh 2

Ông Nguyễn Sự mong được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để ổn định cuộc sống

Bà Đinh Thị Hằng - Tổ trưởng tổ dân phố Nghĩa Thắng, cho hay, trên địa bàn có hơn 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu. Đó là những trường hợp có hộ khẩu, còn thực tế hơn nhiều (hơn 400 hộ, trên 1.000 nhân khẩu), 80% là bà con dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Mông...). Lý do có sự chênh lệch trên vì nhiều người chưa thể nhập khẩu, không có đất ở. Cũng bởi vướng mắc trong vấn đề đất đai nên bà con chỉ dựng nhà tạm để ở, còn con cái phải gửi về quê hoặc nơi khác học tập.

Chủ tịch UBND phường Quảng Thành chia sẻ thêm, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước như: Công tác quản lý trật tự xây dựng, nhân khẩu, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, chăm lo đời sống dân sinh cho người dân…

“Vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị cấp trên tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thực trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngoài 2 tổ dân phố không có mét đất thổ cư nào, trên địa bàn phường còn 2 tổ dân phố khác tỉ lệ đất ở cũng cực kỳ thấp”, ông Hà nói và cho biết thêm, nhiều trường hợp thuộc diện được hỗ trợ xây nhà ở nhưng không thể tiếp nhận do chưa có đất ở theo quy định.

"Bà con thiệt thòi rất nhiều. Vì đất chưa có kế hoạch bố trí sử dụng nên việc đầu tư hệ thống hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) vào 2 tổ dân phố nói trên rất hạn chế. Từ UBND phường vào chỉ có 1 con đường được trải thảm nhựa, còn lại là đường đất. Nhà dân chủ yếu là tạm bợ vì không được xây dựng. Ai vi phạm, chúng tôi buộc phải xử phạt, nhưng phải hài hoà", ông Hà chia sẻ.

MỚI - NÓNG