Vừa qua, UBND quận Bình Tân đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch. Các công trình vi phạm xây dựng trên đã tồn tại từ nhiều năm trước. |
Cụ thể, tại phường Tân Tạo, có 150 căn nhà xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp phải tháo dỡ. Trong đó, có 2 khu nhà xây "lụi" với gần 40 căn tại đường Hồ Văn Long. |
Khu vực phía sau trường THPT Bình Tân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) có 21 căn nhà bị cưỡng chế, tháo dỡ. Nhiều căn rộng cả trăm mét vuông, xây dựng 2-3 tầng. Sau khi bị tháo dỡ nhà, nhiều hộ dân vẫn chưa tìm được nơi ở mới, dựng chòi tạm với vài thanh sắt, phủ bạt làm nơi tránh mưa, tránh nắng sống qua ngày. |
Căn nhà rộng gần 60m2 được vợ chồng ông Đặng Văn Đức (52 tuổi) mua với giá 1,3 tỷ. "Vợ chồng tôi mua căn nhà này vào cuối năm 2017, thời điểm đó thấy rẻ, lại được cấp số nhà hẳn hoi nên hai vợ chồng cũng cố chạy vạy khắp nơi để mua cho bằng được. Giấy tờ chỉ viết bằng tay, cũng không nghĩ sẽ nghiêm trọng đến như bây giờ", ông Đức chia sẻ. |
Sau khi căn nhà bị tháo dỡ, ông Đức phải dựng nhà tạm bằng bạt. Nơi ở tạm rộng chưa đầy 6m2, mỗi khi mưa, ông phải dùng xoong nồi để hứng nước. |
Vừa đi làm về, bà Võ Thị Kim Loan (52 tuổi, vợ ông Đức) vội vào bếp nấu ăn. Gia đình có 4 người, con gái lớn nay là sinh viên năm cuối của một trường Đại học ở TPHCM. Vì sợ ảnh hưởng đến việc học của các con, vợ chồng ông Đức quyết định thuê căn trọ giá 1,5 triệu/tháng cho 2 con tá túc. |
Những căn nhà xây "lụi" trên đất nông nghiệp nằm trong phạm vi các quy hoạch công trình công cộng như: quy hoạch đất giáo dục, quy hoạch cây xanh, đường dự phòng, quy hoạch đất công viên... |
Nhiều hộ gia đình có nhà bị cưỡng chế, tháo dỡ vì chưa tìm được chỗ ở mới nên phải dùng bạt để che đậy đồ đạc tránh hỏng hóc do mưa nắng. |
Tương tự, gia đình ông Phạm Thanh Vũ (49 tuổi, quê Tiền Giang) có 4 người phải sống trong chiếc chòi tạm bợ chưa đầy 10m2. Cuộc sống khó khăn của gia đình nay lại chồng chất khó khăn. Việc học hành của 2 đứa con gái ông Vũ cũng bị ảnh hưởng. |
Ông Vũ bật khóc khi nhớ lại cảnh ngôi nhà mà gia đình ông tích góp bao năm để xây dựng bị tháo dỡ. "Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm đó, con gái lớn của tôi đi học về, thấy ngôi nhà đã thành đống đổ nát, nó ôm chầm tôi khóc to rồi hỏi "nhà mình bị sao vậy ba?", vợ chồng tôi cũng không biết giải thích sao với con mà lúc đó chỉ biết ôm chặt con gái..", anh Vũ xúc động. |
Những hộ dân ở đây đa số là công nhân từ quê lên thành phố làm ăn, với ước mơ được an cư lập nghiệp, nào ngờ nay rơi vào cảnh tài sản mất trắng, cuộc sống "màn trời, chiếu đất". |
18h, trở về căn chòi tạm sau giờ làm việc tại công xưởng, chị Trương Thị Mai (48 tuổi, quê Quảng Bình) thất thần khi nhìn đống đồ đạc bị ướt đẫm do mưa lớn, chiếc bếp từ là thứ tài sản có giá trị duy nhất của gia đình chị cũng bị ẩm không hoạt động được nữa. "Tích góp bao năm vợ chồng tôi đổ dồn vào căn nhà cả rồi, bây giờ muốn ra ở trọ cũng không còn tiền nữa. Sai thì cũng đã sai, chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm chỉnh tháo dỡ nhà để trả đất cho nhà nước. Nhưng chúng tôi hoàn cảnh khó khăn, mong chính quyền có chính sách hỗ trợ...", chị Mai bộc bạch. |
Liên quan đến tình hình vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp ở địa bàn phường Tân Tạo. Vừa qua, UBND quận Bình Tân đã ra yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đất đai và xây dựng. |