Một phóng viên lừa tiền tỷ: Đẩy nhiều người vào cảnh nợ nần

Chị Mai Trinh tố cáo Lê Cảnh Hoa với PV báo Tiền Phong
Chị Mai Trinh tố cáo Lê Cảnh Hoa với PV báo Tiền Phong
TP - Không chỉ lừa đảo những người dân nghèo thiếu hiểu biết ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, mà Lê Cảnh Hoa, phóng viên báo Pháp luật và Xã hội còn về tận vùng chiêm trũng của thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp tục lừa tiền của nhiều người nghèo, dưới chiêu thức “chạy xin việc”.

Nước mắt của người cha 

Đơn tố cáo ông Lê Cảnh Hoa của ông Đinh Minh Đấu (SN 1963), trú ở thị trấn Quý Đạt, huyện Minh Hóa cho biết: Khoảng giữa năm 2014, ông Đấu đi đám cưới ở thành phố Đồng Hới, tình cờ gặp và quen ông Hoa qua một người cùng quê là bà Nguyệt làm ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Ông Hoa đặt vấn đề giúp ông Đấu xin việc cho con gái mới ra trường vào làm y sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình với giá 250 triệu. Ông Hoa nói với ông Đấu “cứ đưa tạm cho em 100 triệu đã rồi tính sau”. Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, Hoa gọi điện yêu cầu đưa thêm 150 triệu nữa để lo cho xong việc.

Theo ông Đấu, mặc dù quen biết nhưng ông cũng đề phòng, trước khi đưa nốt số tiền 150 triệu tại khách sạn Xuân Hương, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Đồng Hới, ông Đấu yêu cầu ông Hoa viết giấy. Theo yêu cầu, ông Hoa cũng lấy giấy bút ra viết, nhưng viết mãi không xong, vì ông Hoa cứ viết rồi xé. Hoa nói “Anh em mình thân nhau như vậy cần gì giấy tờ anh. Chẳng lẽ thằng em lại lừa anh nữa sao?”. Sợ Hoa phật ý nên ông Đấu nghe theo lời Hoa đưa tiền mà không hề có bằng chứng.

Cầm được tiền, Hoa biến mất. Ông Đấu gói điện Hoa nói “anh yên tâm đi họ đang làm thủ tục”. Hai năm sau, năm 2016, ông Hoa gọi điện nói, ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình chưa sắp xếp được, nếu cần cho bé đi làm sớm thì đưa thêm 100 triệu nữa để chạy vào Bệnh viện Quân y Đà Nẵng. “Hoa nói rất hay, vẽ ra một tương lai cho con tôi tại Bệnh viện Quân y Đà Nẵng và được sống ở “thành phố đáng sống” nhất Việt Nam. Thương con gái mồ côi mẹ từ nhỏ, tôi cũng muốn bù đắp cho con phần nào, nên tiếp tục chạy vạy để có tiền đưa cho Hoa. Chuyển xong tổng cộng 350 triệu, Hoa biến mất, còn từ đó đến nay con tôi vẫn thất nghiệp” - ông Đấu nói trong hai hàng nước mắt.

Gọi điện mãi không được, ông Đấu biết mình bị lừa nên tìm đến Văn phòng Đại diện Bắc Trung bộ của báo Pháp luật và Xã hội, nơi quản lí ông Lê Cảnh Hoa nhờ can thiệp. Sau đó, ông Hoa có chuyển cho ông Đấu 100 triệu và biệt tăm cho đến nay.

Mất tiền oan, lâm cảnh nợ nần

Tiền Phong tiếp tục nhận được đơn của nhiều người tố cáo ông Hoa lừa đảo bằng cách lấy tiền để chạy xin việc, nhưng hầu hết đều không thành, khiến họ lâm vào cảnh nợ nần, phải làm thuê kiếm sống. Trong 4 lá đơn mà các nạn nhân mới gửi, họ đều là con em của những nông dân nghèo, học sư phạm với mong muốn có được một nghề để nuôi thân. Sau 4 năm đưa tiền cho ông Lê Cảnh Hoa, thông qua sự quen biết với bà Nguyệt ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình, việc làm như lời hứa thì không có, để tiếp tục cuộc sống, người phải đi phụ hồ, người đi bóc vỏ bạch đàn, người phải tha hương làm thuê, làm mướn…

Chị Trần Thị Hoài (SN 1984), trú ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đưa cho Lê Cảnh Hoa 150 triệu để xin đi dạy. Từ năm 2014 đến nay việc làm không có, tiền thì mất tăm theo ông Hoa, hằng ngày chị phải đi bóc vỏ bạch đàn để kiếm sống; Cùng tình cảnh như chị Hoài, anh Trần Mạnh Cường (SN 1990), trú ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, đưa cho ông Hoa 170 triệu cũng để đi dạy nhưng việc không thành, còn tiền thì mất; chị Phạm Thị Thảo (SN 1992), cùng trú ở xã Quảng Văn cũng bị ông Hoa lừa lấy mất 150 triệu đồng.

Chị Lê Thị Mai Trinh (SN 1991), trú ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch kể: Thông qua bà Nguyệt ở Viện Kiểm sát giới thiệu ông Lê Cảnh Hoa. Gia đình chị đã vay mượn 190 triệu đồng đưa cho ông Hoa chạy việc.

“Khoảng cuối năm 2014, ông Hoa gọi điện yêu cầu đưa 190 triệu về Đồng Hới để lo việc. Gia đình nghèo, cha mẹ tôi đã phải ra Quỹ tín dụng xã vay tiền để đưa cho ông Hoa. Vì không biết đường, tôi phải nhờ ông chú chở đi. Tôi và chú đưa tiền cho ông tại một quán cà phê đối diện Hải quan cũ. Tôi còn nhớ, vì vay tiền gấp ở Quỹ tín dụng xã nên tiền không được bao bọc. Khi đưa tiền, ông Hoa còn gọi quán xin một túi nilon màu đen để đựng tiền và ra đi. Đã gần 5 năm trôi qua việc làm của tôi thì đâu không thấy, chỉ thấy tiền lãi ở Quỹ tín dụng của xã ngày càng lên cao” - chị Trinh kể.

Đến nay, 3 trường hợp Trần Thị Hoài, Trần Mạnh Cường và Phạm Thị Thảo đã được ông Hoa trả 310 triệu đồng, thông qua bà Đinh Thị Phương Nhạn cũng là một người quen của ông Hoa. Bà Nhạn kể: Bà Nhạn và bà Nguyệt là bạn học cũ và thông qua bà Nguyệt mới quen ông Cảnh Hoa.

Mấy đứa nhờ xin việc đều là bà con, em út nên đến nhờ bà đi cùng để mang tiền đưa cho Cảnh Hoa. “Thật ra ông Hoa có ý định lừa đảo từ đầu, mỗi lần đưa tiền ông đều ngồi trên xe ô tô, hạ kính xuống để lấy tiền nên chúng tôi không có giấy tờ gì làm bằng chứng. Ban đầu gọi điện, ông Hoa còn lấy lí do này nọ, về sau là tắt máy luôn. Tôi đã phải liên hệ với sếp của ông Hoa, ông ấy mới trả cho 310 triệu đồng. Nay còn 160 triệu nữa ông ấy vẫn chưa trả mà có ý định chiếm đoạt luôn”.

                                                                                                      Kỳ cuối: Dưới vỏ bọc hoàn hảo

MỚI - NÓNG