Kỳ 1: Những người cùng khổ gặp… Cuội
Trong số nạn nhân bị lừa tiền có gia đình sống lần hồi qua ngày bằng việc bóc vỏ cây thuê, con bị bệnh máu trắng không có tiền chữa trị…
Tạo mối quan hệ để lừa đảo
Ngày 1/10, bà Đinh Thị Bùi Chung ở tiểu khu 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa gửi đơn kêu cứu đến báo Tiền Phong, tố cáo ông Lê Cảnh Hoa lừa đảo, chiếm đoạt của bà và những người thân gần 300 triệu đồng.
Theo đó, năm 2014, ông Hoa viết bài, giúp gia đình bà Chung trong một vụ kiện và nhận nhau làm chị em kết nghĩa. Sau nhiều lần lên xuống ăn cơm tại nhà bà Chung, ông Hoa “quảng cáo” mình có mối quan hệ rộng, có thể xin việc được cho con trai bà Chung đang học cơ điện tại Đà Nẵng sắp ra trường. Tin lời ông Hoa, tháng 5/2014, bà Chung đưa cho ông Hoa 60 triệu đồng để con trai được vào làm tại Nhà máy Xi măng Sông Gianh (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa).
Nhân dịp này, ông Hoa nói với bà Chung “còn ai nữa để em giúp luôn thể”. Vì quá tin tưởng vào người em kết nghĩa, biết gia cảnh của ông Phan Thanh Phi (thôn Tân Bình, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa) có 4 đứa con học đại học đã ra trường nhưng không xin được việc làm và chị Đinh Thị Thanh Đào có bằng đại học cũng không xin được việc làm, chồng đang thất nghiệp…, bà Chung liền giới thiệu với ông Hoa.
Gặp ông Phi, chị Đào, Lê Cảnh Hoa ra giá 190 triệu đồng để xin cho con ông Phi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình và 200 triệu đồng để xin cho chị Đào đi dạy tiểu học tại huyện nhà. Tin ông Hoa là nhà báo chuyên giúp người, ông Phi đưa trước cho ông Hoa 130 triệu đồng, hứa lúc nào con đi làm sẽ giao đủ; còn chị Đào đưa hai lần là 50 triệu đồng và 150 triệu đồng cho ông Hoa.
Nhận được tiền, ông Hoa hứa chỉ sau 1 tháng là có việc làm. Nhưng sau đó ông Hoa cũng không còn lên xuống ăn cơm với gia đình bà Chung như trước. Đến hẹn không thấy ai gọi đi làm, mọi người gọi điện hỏi, ông Hoa lấy hết lí do này đến lí do khác và sau đó không bắt máy nữa.
Vì chuyện này, vợ chồng bà Chung thường xuyên cãi vã mỗi khi ông Phi, chị Đào đến nhà hỏi thăm tung tích ông Hoa. “Tôi không môi giới để ăn phần trăm trong chuyện này, vì thương người mà mang vạ vào thân. Vợ chồng tôi suốt ngày khục khặc chỉ vì quá tin người. Gọi điện cho chú Hoa, lúc đầu thì chú ấy còn nói nhẹ nhàng, càng về sau chú càng nổi nóng, chửi bới dọa dẫm, làm tôi sợ nên không biết làm sao để đòi lại tiền cho tôi và mọi người”, bà Chung chia sẻ.
Dọa “xử” nếu còn gọi điện đòi tiền
Có mặt đông đủ tại nhà bà Chung để gửi đơn tố cáo ông Hoa đến PV báo Tiền Phong, lão nông Phan Thanh Phi chia sẻ về gia cảnh của mình. Vợ chồng ông có 4 người con, mặc dù rất khó khăn nhưng các con ông đều chăm ngoan, học giỏi. Thương con, hai vợ chồng tần tảo nuôi các con ăn học, nhưng khi ra trường thì không có đứa nào xin được việc làm.
Gặp và nghe ông Hoa nói, ông Phi tưởng ngỡ gặp quý nhân nên không mảy may nghi ngờ. Ông chạy vạy khắp nơi, thậm chí vay nóng để có 130 triệu đồng đưa cho ông Hoa, với hy vọng sau khi có việc làm, đứa trước dìu đứa sau để gia đình ông nở mày, nở mặt với làng xóm. Không ngờ, tiền thì mất, còn 2 trong số 4 đứa con, ông phải cho học lại nghề, dù đã có bằng đại học.
Có mặt từ rất sớm tại nhà bà Chung, chị Đào nghẹn đắng trong nước mắt. Mới 30 tuổi, nhưng ngỡ chị tầm tuổi 40. Chị học cao đẳng sau đó liên thông lên đại học. Ra trường không xin được việc làm, chị lấy chồng cùng quê cũng không có việc làm. Công việc chính của hai vợ chồng là đi bóc vỏ bạch đàn thuê kiếm sống.
Gặp được ông Hoa qua giới thiệu của bà Chung, chị vay mượn nội ngoại hai bên được 50 triệu đồng đưa cho ông Hoa. Trước 1 ngày khai giảng năm học 2014 -2015, ông Hoa gọi điện bảo chuyển thêm 150 triệu nữa là có quyết định đi dạy trong ngày khai giảng. Quá mừng, hết cửa vay mượn người thân, vợ chồng chị tìm đến những người cho vay nặng lãi.
Đưa đủ cho ông Hoa 200 triệu đồng, nhưng hết ngày khai giảng, rồi nhiều ngày, nhiều tháng sau đó, chị Đào vẫn không thấy quyết định đi làm. “Ông Hoa đã rắp tâm lừa đảo từ trước chứ không hề có ý định xin việc cho tôi. Khi giao tiền, tôi có nói viết giấy, thì ông ấy bảo “tôi giao dịch tiền tỷ, chứ mấy đồng lẻ mà giấy tờ gì”. Vì sợ ông ấy phật ý không xin việc cho nữa nên tôi đưa tiền mà không hề có gì làm bằng chứng”, chị Đào kể.
Mất tiền, việc làm không có, đứa con đầu lòng không may bị bệnh máu trắng, cứ 1 tháng phải vào Bệnh viện T.Ư Huế 2 lần để điều trị. Cứ mỗi lần con đau không có tiền đi viện, người chồng lại đánh chị thâm tím mặt mày. Chị tự mình gọi điện, rồi nhờ cả bà Chung gọi điện cho ông Hoa đòi tiền để đưa con đi viện, sau nhiều lần van nài, ông Hoa chuyển cho chị 3 lần: 50 triệu đồng, 35 triệu đồng và 20 triệu đồng. “Lần cuối cùng ông Hoa chuyển tiền là khi tôi đưa con vào viện không có một xu dính túi. Tôi gọi điện khóc lóc, đòi tự tử nếu con tôi có mệnh hệ gì, lúc đó ông Hoa mới chuyển cho tôi 20 triệu. Từ đó đến nay, khi nào tôi gọi điện là ông Hoa chửi bới, đẹ dọa, thách đố, đòi đưa xã hội đen lên nhà xử tôi”, chị Đào bức xúc.
Theo tính toán của chị Đào, số tiền 150 triệu đồng mà chị vay nóng để đưa cho ông Hoa lần thứ 2, riêng tiền lãi đã lên trên 100 triệu đồng. Hai vợ chồng chị vẫn tiếp tục công việc bóc vỏ bạch đàn thuê để sống qua ngày. Đến kỳ con vào viện là anh chị lại phải tiếp tục vay nóng để có tiền chữa trị cho con. Các nạn nhân khẳng định, sau khi lừa được tiền, ông Hoa đã mua chiếc ô tô KIA Morning để đi lại và tiếp tục lừa tiền nhiều người khác.
Trước gia cảnh của chị Ðào, PV Tiền Phong đã trực tiếp gặp ông Ðoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa và ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đề nghị giúp đỡ. Cả hai ông hứa sẽ rà soát lại các trường học trên địa bàn, nếu còn chỗ trống, trước mắt sẽ ký hợp đồng với chị Ðào nhằm giúp chị có điều kiện chăm sóc và điều trị cho con.
Kỳ II. Lừa từ miền ngược về miền xuôi