Một nông dân thuê đất của cán bộ: Bầm dập đủ đường

Vợ chồng ông Trinh và con cháu trên khu đất thuê. Ảnh: Sáu Nghệ
Vợ chồng ông Trinh và con cháu trên khu đất thuê. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Gia đình ông Lê Quang Trinh ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh (Lấp Vò, Đồng Tháp), cầm cố tài sản và vay ngân hàng để khai phá mấy chục héc-ta đất thuê của cán bộ huyện Hòn Đất (Kiên Giang), mong đổi đời nhưng nay có nguy cơ trắng tay.

Gia đình ông Lê Quang Trinh, gồm hai vợ chồng hơn 70 tuổi, 5 người con trai và gái, cùng dâu rể và 6 cháu nội ngoại đang ở trên đất thuê, khu vực kênh KH9, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang). Họ có mặt nơi đây theo “Hợp đồng thuê đất” ngày 20-8-2007, thuê 15 ha của ông Phạm Văn Khang, cán bộ Phòng Công thương huyện Hòn Đất. Thời gian thuê 3 năm, giá mỗi năm từ 22,5 đến 37,5 triệu đồng. Điều khoản cam kết chung, “sau khi hết thời hạn trong hợp đồng thì bên A sẽ tiếp tục cho bên B thuê tiếp” với giá cho thuê tăng khoảng gấp đôi.

Ông Trinh tin tưởng sẽ được thuê đất lâu dài nên mạnh dạn cầm cố tài sản ở Đồng Tháp, vay ngân hàng để đầu tư. Ông kể, gia đình ông phải bỏ nhiều công sức đào gốc tràm, phát lau sậy, san lấp lung bàu cho thành mặt ruộng; rồi xẻ mương rửa phèn nhưng hai năm đầu “không thu được hột lúa nào, nhắc lại là khóc”. Năm thứ ba trở đi mới có thu hoạch.

Hết 3 năm, ông Khang nâng giá cho thuê và ông Trinh đã nộp cho ông Khang 65 triệu đồng tiền thuê của năm thứ 4. Sang năm thứ 5, ông Trinh kể, ông Khang nâng giá cho thuê lên đến 700.000 đồng/công, ông Trinh xin giảm không được. Ông Trinh lại bị tai nạn giao thông “giập não thái dương phải, gãy 1/3 xương đòn” phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy hơn tháng.

Đơn kêu cứu của ông Trinh viết: “Vợ chồng tôi khóc lóc than thở, xin được thuê giá theo hợp đồng nhưng không được chấp nhận. Xã hòa giải không thành vì ông Khang quyết lấy đất và kiện ra tòa án huyện để đòi lại đất”. Ông Trinh cho biết, đang nợ ngân hàng và đại lý vật tư nông nghiệp hơn 500 triệu đồng, tài sản ở quê cầm cố, “bây giờ bị lấy lại đất thuê là hết đường sống”.

Chánh án TAND huyện Hòn Đất Trần Việt Quốc trực tiếp thụ lý vụ kiện, cho biết theo hồ sơ khởi kiện của ông Khang, khu đất của 3 người, mỗi người 4 ha. Ngoài ông Khang còn có ông Phan Vân Vũ là Phó phòng TN-MT và ông Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ Phòng GT-VT huyện Hòn Đất.

Theo ông Khang, đất đứng tên ông Đoàn cũng là của ông, vì ông đã mua nhưng thủ tục sang tên sổ đỏ chưa hoàn tất. Còn ông Vũ là anh rể của ông Khang, có 4 ha và ông Vũ nói, mua của người khác, làm sổ đỏ “khoảng năm 2008”, sau khi ký hợp đồng cho thuê.

Nhưng Phó chánh văn phòng UBND huyện Hòn Đất phụ trách tiếp công dân Nguyễn Thanh Tuấn nói, đất của ông Vũ được cấp khi là GĐ Ban quản lý rừng phòng hộ. Các cán bộ được cấp đất không ở xã Nam Thái Sơn. Ông Vũ cho biết, nhà ông ở thị trấn Hòn Đất và không chỉ có đất ở xã Nam Thái Sơn mà còn có ở nơi khác.

Theo đơn khởi kiện, đất các ông chỉ 12 ha nhưng hợp đồng cho ông Trinh thuê 15 ha. Ông Khang giải thích, do có đất dự kiến làm tuyến dân cư mà chưa triển khai nên các ông lấy cho thuê luôn. Phó chánh văn phòng Tuấn thừa nhận, quản lý đất ở huyện còn nhiều thiếu sót.

Trước đây, Hòn Đất có 3 nông trường, lâm trường làm ăn không hiệu quả, bị giải thể và đất được chia cho cá nhân, trong đó có nhiều cán bộ. Một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, khu đất cho ông Trinh thuê, chưa đào gốc tràm 120 triệu đồng/ha, đã trồng được lúa 200 triệu đồng/ha.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND tỉnh Kiên Giang xem xét việc “gia đình ông Trinh đã đầu tư nhiều tiền và công sức cho khu đất” nhưng không được ông Khang cho thuê “đúng cam kết hợp đồng đã ký làm gia đình ông gặp nhiều khó khăn”. Lãnh đạo huyện Hòn Đất cho biết, đã yêu cầu các cán bộ có đất cho ông Trinh thuê làm tiếp.

Tuy nhiên, dư luận người dân địa phương bất bình hơn ở chỗ, đất giải thể các lâm trường lại giao cho cán bộ và những cán bộ này không trực tiếp canh tác mà đem cho nông dân thuê. Một lá đơn của 18 hộ dân viết: “Đông đảo bà con nông dân nghèo đề nghị Đảng và Nhà nước chia đất cho nông dân nghèo chúng tôi để làm ăn sinh sống chứ đi làm thuê làm mướn hoài cực khổ quá trời”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG