> Nghệ sĩ chèo lên tiếng về việc xét tặng danh hiệu
Nhạc sĩ Triều Dâng. Ảnh: TL. |
Triều Dâng: Tôi sẽ khiếu nại tiếp
Nội dung thông báo của Hội đồng đến tay Triều Dâng ngày 18-7: “Tuy đơn khiếu nại của nhạc sĩ gửi đến quá muộn (8-7), trong khi Hội đồng cơ sở đã kết thúc công việc xem xét lại các đơn thư từ 27-6, nhưng để đảm bảo quyền lợi của hội viên và thực hiện các công văn chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Ban thường vụ Hội Nhạc sĩ vẫn quyết định triệu tập lại Hội đồng cơ sở để bỏ phiếu kín một lần nữa.
Kết quả: Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ: 7-7 phiếu; Ngày hôm qua đâu rồi: 4/7; Bão táp miền Nam: 0/7; Ta, chiến sĩ giải phóng quân và Giải phóng quân ta ra đi: Có vấn đề về tác quyền nên Hội đồng không xem xét”.
Nhạc sĩ Triều Dâng trao đổi với Tiền Phong: “Có lẽ tôi sẽ lại viết khiếu nại, kiến nghị về kết luận của Hội đồng. Chuyện phức tạp lắm. Tôi sẽ đưa dẫn chứng, photocopy ở sách ra…”. Nhạc sỹ Triều Dâng cho hay, khiếu nại mà ông đang thực hiện sẽ được gửi tới Chủ tịch Hội Nhạc sĩ, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, Ban Văn hóa Tư tưởng và Chủ tịch nước.
Trong các ấn phẩm cũng như trên sóng phát thanh, phần tác giả của Giải phóng quân ta ra đi (1963) bao giờ cũng đề “Văn Dung- Triều Dâng”. Còn Ta, chiến sĩ giải phóng quân (1966) là của Văn Lưu- Triều Dâng. Triều Dâng cũng cho hay Giải phóng quân ta ra đi chính là bài hát đầu tiên ông viết trong đời cầm bút.
Bài Ta, chiến sĩ giải phóng quân được viết khi Triều Dâng còn ở Đoàn Ca múa Miền Nam tại Hà Nội, sau lần ông cùng đoàn trong đó có nhạc sĩ Văn Lưu (khi đó là phó đoàn) vào biểu diễn tại vĩ tuyến 17. Theo Triều Dâng, hai tác giả đã thức trắng đêm hoàn thành bài hát.
Cảm xúc lúc đó của Triều Dâng: “Giống như người mẹ, lần đầu tiên sinh đứa con, nhìn mặt con có gì thiêng liêng lắm. Nhất là tôi lần đầu tiên tập viết. Ông Văn Lưu dù sao cũng có một số bài rồi”. Nhạc sĩ Triều Dâng khẳng định chưa hề bị khiếu nại về tác quyền với hai sáng tác trên.
Nhạc sĩ Văn Dung. Ảnh: TL. |
Văn Dung: Thất vọng về “5 nhạc sĩ đòi loại 11 nhạc sĩ”
Nhạc sĩ Văn Lưu (tác giả của Nữ dân quân miền biển, Bài ca người săn máy bay…) đã từ trần năm 2007. Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Văn Dung (giải thưởng Nhà nước đợt 1) xung quanh vấn đề tác quyền của Giải phóng quân ta ra đi và giải thưởng Nhà nước về âm nhạc nói chung.
Trong câu chuyện, nhạc sĩ Văn Dung nhắc đi nhắc lại, việc này là hết sức tế nhị. Ông cho hay, năm 1965 ông có chuyến công tác tại mặt trận bắc Quảng Trị cùng nhà văn Bùi Bình Thi và một nhà nhiếp ảnh của TTXVN, không có nhạc sĩ Triều Dâng đi cùng. Sau chuyến đi này, Văn Dung sáng tác chùm 9 bài về Quảng Trị trong đó có Giải phóng quân ta ra đi.
Nhạc sĩ Văn Dung khẳng định nhạc và lời Giải phóng quân ta ra đi là của ông, nhưng chính ông đã đề thêm tên Triều Dâng vào vì “lý do tế nhị, nói ra bất lợi cho Triều Dâng”. Được biết, sau khi bài hát ra đời, Triều Dâng đã chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi Văn Dung đang công tác.
Theo Văn Dung, còn một số nhạc sĩ rất xứng đáng nhưng chưa được giải thưởng Nhà nước: Cầm Phong, tác giả Người lái đò trên sông Pô Cô, Vào rừng hoa ban; Cao Việt Bách với Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Cung đàn mùa xuân. Tuy nhiên, Văn Dung cũng khẳng định: “Phần thưởng cao nhất là nhân dân nhớ đến mình chứ không phải giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh”.
Về những tranh cãi của các nhạc sĩ quanh đề cử giải thưởng Nhà nước đợt này, Văn Dung phát biểu: “Các nhạc sĩ không có lỗi. Lỗi ở Hội đồng. Hội đồng là những ai, làm được gì và không làm được gì?!”. Ông khẳng định Hội đồng phải gồm những người có kiến thức hàn lâm về âm nhạc, cụ thể trong lĩnh vực sáng tác.
Ông cũng không đồng ý với “hội đồng” do 5 nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Thế Song (anh ruột của Văn Dung- PV), Lê Việt Hòa và Ngọc Khuê đề cử. Văn Dung: “Năm anh này làm đơn thì không ai có ý kiến cả. Các anh ấy hỏng ở chỗ đề nghị đuổi 11 anh khác ra. Cớ gì đuổi các nhạc sĩ đó?! Đề nghị giải tán hội đồng, hủy bỏ kết quả thì được, nhưng lại đòi lập Hội đồng mới do các anh đặt ra. Tôi thất vọng hoàn toàn”.
Phú Quang bị loại Danh sách các nhạc sĩ được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng Nhà nước xét tặng giải thưởng Nhà nước không có 2 cái tên: Phú Quang và Thập Nhất. Nhóm 5 nhạc sĩ đi kiện được Hội đồng Cơ sở bổ sung phút chót vào danh sách trình Bộ cuối cùng chỉ còn Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê tiếp tục được đề xuất lên Hội đồng cấp Nhà nước. |