Một ngày ở 'trang trại' chuột

Chuột thí nghiệm có sứ mệnh cao cả
Chuột thí nghiệm có sứ mệnh cao cả
TP - Những chú chuột nơi đây có cuộc sống đáng mơ ước: ở nhà cao cửa rộng, được chăm sóc tận răng từ miếng ăn, giấc ngủ; “hắt hơi, sổ mũi” liền có người kiểm tra, thăm khám… Bởi các “chú” có sứ mệnh thiêng liêng: Cứu người.

Những “vị khách VIP”

Khó có thể hình dung nổi, cách TP.Nha Trang tầm 20km đang tồn tại một trang trại nuôi chuột thí nghiệm quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là Trại Chăn nuôi Suối Dầu (thuộc Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang - IVAC). Nhân tết Canh Tý 2020 sắp đến, chúng tôi may mắn được Ths Nguyễn Văn Minh, Trưởng trại “bắt mối” làm quen với những chú chuột VIP này.

Năm 1896, nhà bác học Alexandre Yersin thành lập Trại chăn nuôi Suối Dầu tại xã Suối Tân tại H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đây là cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm lâu đời và duy nhất tại Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, huyết thanh cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong kiểm soát một số bệnh nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván…

Chỉ cần lướt sơ qua vài số liệu đã thấy “độ khủng” của gia đình nhà Tý tại trại. Từ số lượng nhỏ ban đầu, đến nay “gia đình Tý” luôn đứng đầu về số lượng. Hiện, trại duy trì nuôi hai loại là chuột lang với 2.000 con và chuột bạch(chuột nhắt) 15.000 con.

Hướng về những dãy nhà dài - khu nuôi chuột thí nghiệm, “nhà” chuột bạch có cả ngàn chuồng nhỏ là những ô nhựa trắng. Trong từng ngôi nhà nhỏ, có khi là ổ chuột mẹ vừa sinh đàn con đỏ hỏn; hay những bạn chuột đến tuổi “cập kê” đang chờ ghép đôi. 

Tuy rất sợ chuột nhưng khi nhìn nhân viên chăm sóc từng chú chuột trong ngôi nhà hộp nhựa, tôi lại cảm thấy chúng thật đáng yêu. Tất cả đều cùng một màu trắng tinh, bụ bẫm với đôi mắt như 2 viên hồng ngọc đang nô đùa. Mỗi “ngôi nhà” đều đính mẩu giấy nhỏ ghi cẩn thận giống loài, các chú còn được đánh dấu lên lông theo quy định riêng. Tất cả chuột đều có “giấy khai sinh, lý lịch” về bố mẹ của mình.

Một ngày ở 'trang trại' chuột ảnh 1 Thử vắc-xin trên chuột tại IVAC

Chuột lang được nuôi trong dãy nhà riêng. Nhà chuột lang to rộng, có cửa sổ để các “chú” thỏa thuê nhìn ngắm mây trời, hàng cây xanh bên ngoài. Đây là giống chuột cực kỳ thân thiện và đáng yêu. Với lớp lông dày, đủ màu trắng, vàng, nâu…, mắt đen láy, trọng lượng từ 500-600gr hệt như chuột cảnh hamster nhiều bạn trẻ vẫn nuôi trong nhà. 

Chị Kiều Thị Hằng (52 tuổi) có thâm niên hơn 35 năm gắn bó với nghề chăm chuột hóm hỉnh bảo, tất cả mọi người ở đây đều có nhiệm vụ duy nhất là phục vụ chuột, đảm bảo cho các “chú” khỏe mạnh, vui vẻ. 

“Mục sở thị” các công đoạn chăm sóc, phục vụ “khách VIP” mới thấy quy trình cực kỳ nghiêm ngặt của trại. Như “nhà” chuột bạch phải lót nền trấu, chuột lang ở trên các tấm vỉ bằng Inox, nhiệt độ phòng nuôi luôn duy trì ở mức 25-28 độ C.

Máng ăn, vỉ nuôi vệ sinh 3 lần/tuần, còn chai nước uống, chất độn chuồng (chất thải từ chuột) phải vệ sinh mỗi ngày. Nguồn thức ăn cũng được kiểm soát ngay từ nguyên liệu đầu vào. Nước uống qua hệ thống lọc, định kỳ được bổ sung vitamin. Chuột cũng sẽ được theo dõi giám sát sức khoẻ bằng các xét nghiệm kiểm tra vi sinh, ký sinh trùng…

Xa nghề là nhớ

Với các kỹ sư, nhân viên làm nghề đặc biệt này, người mới nhất cũng đã vài năm, còn người lâu nhất thì 25-30 năm. Chị Lê Thị Thu Hà (47 tuổi), tổ trưởng phụ trách chăn nuôi súc vật thí nghiệm với hơn 20 năm trong nghề bảo, nếu không yêu công việc thì khó mà gắn bó lâu dài.

“Hồi đầu tôi cũng sợ chuột lắm, nhất là chuột nhắt, có con trong thời kỳ giao phối hoặc sinh sản cực kỳ dữ dằn. Chuyện bị chuột cắn là bình thường. Tôi phải dành ra nhiều thời gian để tìm hiểu, làm quen. Chuột có sứ mệnh thay thế con người để thử nghiệm các loại vắc-xin và sinh phẩm, nên mình càng yêu quý, trân trọng loài vật nhỏ bé mà hữu ích này. Giờ nếu xa chúng mình lại cảm thấy nhớ” – chị Hà bộc bạch.

Chị Hà vốn là kỹ sư ngành chăn nuôi thú y trường ĐH Nông Lâm Huế, lĩnh vực chăn nuôi động vật lớn (trâu, bò, lợn…) không đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như động vật thí nghiệm. Năm 1998, chị đến Khánh Hòa và bén duyên với nghề “buồng phòng” kiêm chăm chuột từ đó đến nay.

Cứ tưởng nuôi chuột đơn giản, ấy vậy mà vô cùng tỉ mẩn và vất vả. Có lẽ vì vậy mà tổ phụ trách mảng súc vật thí nghiệm đa số là nữ. Ngoài việc cho ăn, uống hàng ngày, những người nuôi còn phải “để mắt” xem các chú Tý có gì khác lạ để có biện pháp xử lý kịp thời. Những hôm có chú chuột nào đó bỗng dưng ăn ít, buồn rầu… các chị lại lo lắng, ngủ không ngon. 

Trại Chăn nuôi Suối Dầu cung cấp chuột thí nghiệm cho hầu hết các bệnh viện, Trường ĐH Y dược, các trung tâm nghiên cứu sinh học trong cả nước... Tùy theo đơn hàng mà cung cấp chuột đảm bảo chất lượng đáp ứng theo các yêu cầu khác nhau. Không chỉ đòi hỏi phải giao hàng đúng hẹn, mà chuột còn phải đúng ngày tuổi, đúng trọng lượng là điều vô cùng khó. 

Nhiều chuyện dở khóc dở cười mà chỉ những người làm nghề chăm chuột mới biết, như khi ra mắt gia đình người yêu, giới thiệu mình làm “vú em cho chuột”, ai cũng hết hồn. Nhưng khi đã giải thích rõ, đa số người yêu và gia đình đều ủng hộ. Dẫu vậy, cũng có không ít cô gái trẻ vào trại xin việc, khi thăm “cơ sở làm việc” đã khóc thét vì... sợ chuột. Có cô làm được buổi đầu, đến hôm sau mất tăm, thậm chí không dám đến xin rút hồ sơ; có cô chỉ gọi điện xin nghỉ việc vì không chịu được mùi hôi của chuột.

Yêu chuột, quý chuột là thế nên dù đã nghỉ hưu, chị Kiều Thị Hằng vẫn xin ở lại làm việc. “Với tôi, đây là công việc cao quý và tôi tự hào về điều đó. Hơn nửa đời người, tôi đã gắn bó với chuột. Tôi nâng niu nó” – chị Hằng chân tình.

Sứ mệnh thiêng liêng

Rời Trại Chăn nuôi Suối Dầu, chúng tôi đến Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang – IVAC, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC khẳng định: “Chuột thí nghiệm rất quan trọng, bởi nếu không có chuột thì không có vắc-xin, không có dược phẩm”. 

Thông thường, các loại chuột được đưa vào kiểm định vắc-xin chia làm 2 nhóm: kiểm định độc tính (độ an toàn) và kiểm định hiệu lực (đáp ứng miễn dịch). Bất kỳ một loại vắc-xin hay một loại dược phẩm nào muốn thử nghiệm độ an toàn đều phải nhờ đến chuột. Những chú chuột nuôi ở Suối Dầu được mang về IVAC nuôi cách ly 3 ngày rồi mới đưa vào thí nghiệm. 

Anh Trần Ngọc Nhơn, Phó phòng kiểm định IVAC bảo, chuột thí nghiệm đưa về đây còn được ở phòng máy lạnh, nghe nhạc thính phòng. “Mỗi loại vắc-xin trước khi xuất xưởng đều phải làm thí nghiệm trên chuột để xem lô ấy có độc tính hay không. Do vậy trọng lượng và ngày tuổi chuột rất quan trọng” - anh Nhơn nói. 

Trung bình mỗi năm, Phòng Kiểm định của IVAC sử dụng khoảng 25.000-30.000 chuột nhắt, 4.000-5.000 chuột lang. Chuột sau khi làm thí nghiệm được hủy theo một quy trình khá nghiêm ngặt: cho chết ngạt, đóng bao bỏ vào kho lạnh rồi đưa đi thiêu. Thế mới biết, đời sống của chuột thí nghiệm tuy sướng nhưng cũng khổ. Chúng được coi là “vật thế mạng” cho con người và vì thế mà cái chết của chúng rất có ý nghĩa.

Đã nhiều cái tết qua, những người làm nghề chăm chuột đều ăn tết cùng chuột. Với họ, mỗi một con chuột khi “hiến thân” đều rất ý nghĩa, chúng đã giúp cho khoa học tìm ra nhiều căn bệnh nan y, giúp nhiều người có cơ hội được cứu chữa. Thế nên hy sinh một chút ngày xuân để nhiều người được hạnh phúc thì có đáng chi.

MỚI - NÓNG