Một kỳ thi quốc gia: Có thể trượt tốt nghiệp nhưng đỗ ĐH?

Thi tại hội đồng thi tốt nghiệp trường THPT Quang Trung - Đống Đa - Hà Nội năm 2014. ảnh: Như Ý
Thi tại hội đồng thi tốt nghiệp trường THPT Quang Trung - Đống Đa - Hà Nội năm 2014. ảnh: Như Ý
TP - Một thực tế có thể xảy ra là có em bị điểm liệt một trong số bốn môn tối thiểu, hoặc tổng điểm bốn môn tối thiểu đó quá thấp nên không đỗ tốt nghiệp, trong khi điểm các môn mà các em thi thêm để xét tuyển ĐH lại đủ điểm đỗ.

Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị bàn về việc triển khai tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc.

Dù không cho phép báo chí tham dự, nhưng theo nguồn tin của Tiền Phong thì vẫn còn hàng loạt vấn đề được nêu ra như: Liệu có khả năng trượt tốt nghiệp song lại đỗ đại học, tính công bằng giữa hai cụm thi có đảm bảo, tỷ lệ tốt nghiệp có biến động lớn hay không…

Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho rằng trong quá trình thiết kế kỹ thuật chi tiết cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần lường trước một số khó khăn để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là những rủi ro đe dọa sự an toàn của kỳ thi.

Chẳng hạn, Bộ nên có hướng giải quyết với các thí sinh dự thi tại cụm do địa phương tổ chức. Ở cụm thi này, thí sinh gồm những em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp và sẽ không đăng ký dự tuyển vào ĐH, CĐ nên nhiều khả năng các em sẽ thừa khá nhiều thời gian khi làm bài thi.

Tính chất nghiêm túc của việc học sinh chỉ thi tốt nghiệp sẽ khác với học sinh vừa thi tốt nghiệp vừa thi ĐH. Nhưng cả hai đối tượng đều cùng làm một đề thi trong cùng một thời điểm, mặt bằng trình độ lại không tương đồng, điều này dễ dẫn đến sự không an toàn cho kỳ thi.

“Ở các cụm Sở, khi học sinh làm bài xong còn rất nhiều thời gian trống. Nếu không quản lý tốt sẽ rất nguy hiểm, đe dọa sự an toàn của kỳ thi. Thường những đám cháy được lan ra từ những chỗ rất nhỏ”, vị đại biểu này nói.

Cũng vị đại biểu này cảnh báo khả năng có thí sinh đỗ ĐH nhưng lại… trượt tốt nghiệp. Theo phương án thi hiện tại, để được xét tốt nghiệp thí sinh phải thi bốn môn tối thiểu, trong đó ba môn bắt buộc và một môn tự chọn.

Một thực tế có thể xảy ra là có em bị điểm liệt một trong số bốn môn tối thiểu, hoặc tổng điểm bốn môn tối thiểu đó quá thấp nên không đỗ tốt nghiệp, trong khi điểm các môn mà các em thi thêm để xét tuyển ĐH lại đủ điểm đỗ.

Địa phương phải ra rìa?

Sự thiếu vắng vai trò của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các trường THPT trong kỳ thi THPT quốc gia cũng là một băn khoăn được một số đại diện Sở GD&ĐT chia sẻ. Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh bày tỏ:

“Chúng ta lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn rất cao ở các trường THPT. Nhiều Phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng giáo dục của các Sở GD&ĐT vốn rất chuyên nghiệp trong triển khai làm thi nhưng hầu như lại rất thiếu vắng trong kỳ thi đổi mới này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nghiêm túc là bởi tính chất của kỳ thi, còn khi tính chất nó khác thì công việc sẽ khác”.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đề xuất: “Nên để mỗi tỉnh một cụm thi. Các trường ĐH vẫn chủ trì, chẳng hạn chủ tịch hội đồng in sao đề thi, chủ tịch các hội đồng coi thi, phó chủ tịch hội đồng phụ trách việc điều hành quy chế thi… là trường ĐH. Còn phó chủ tịch hội đồng lo về an ninh, cơ sở vật chất thì địa phương làm. Lực lượng coi thi thì một nửa của trường ĐH, còn một nửa là địa phương”.

Lo biến động tỷ lệ đỗ tốt nghiệp

Theo đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh, Bộ GD&ĐT nên chia đề thi ra hai phần rõ ràng, một phần để xét tốt nghiệp THPT, một phần dành cho thí sinh muốn dự tuyển vào ĐH, CĐ. Đề thi trắc nghiệm cũng chia ra như vậy, và câu hỏi ở phần thi tốt nghiệp THPT được đảo mã riêng. Có như thế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các địa phương mới không bị giảm xuống.

“Bộ nói phần câu hỏi dành cho thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp dễ, còn phần ĐH, CĐ khó. Nhưng học sinh chỉ dự thi tốt nghiệp THPT thường không biết bài nào dễ, phù hợp với phần thi tốt nghiệp của mình, đặc biệt là những câu hỏi trắc nghiệm dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp sẽ rất thấp. Lỡ mà những câu hỏi dễ nằm phía dưới đề thi, các em không có khả năng nhìn ra được bài nào dễ, nên kết quả sẽ kém đi”, vị đại biểu này giải thích.

Thầy Nguyễn Anh Ninh cũng lo ngại đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới ra khó so với trình độ học lực chung của học sinh toàn quốc, tránh tình trạng đề thi khó thì trở thành thách đố: “Đề thi phải phân hóa thật tốt để tạo điều kiện cho tất cả thí sinh. Để định hướng cho học sinh ôn tập (riêng kỳ thi này học sinh phải ôn tập ngay từ bây giờ), Bộ nên giới thiệu nhiều những mẫu đề thi, đề thi tham khảo để học sinh được tiếp cận ngay từ sớm thì sẽ thuận lợi hơn cho các em, giảm áp lực cho học sinh trong quá trình thi.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh tại hội nghị: Ngành GD&ĐT đã nói rõ về tổ hợp các môn theo khối truyền thống mà các trường cần công bố công khai để không gây xáo trộn lớn đối với thí sinh vì để quyết định thi gì năm nay, các em đã chuẩn bị học tập từ 3 năm trước đó.

Ông nói: Bên cạnh khối thi truyền thống, các trường có thể đặt ra các tổ hợp môn thi khác để học sinh quen dần và sau 3 năm nữa có thể thay thế các khối thi mới khi học sinh đã quen. Ông Ga nhấn mạnh: các trường tự chủ nhưng phải đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Về việc miễn thi môn ngoại ngữ, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu và miễn thi ngoại ngữ trên tinh thần: Miễn thi cho học sinh có loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được đánh giá có độ tin cậy và cho các học sinh đạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế.

Ông Luận lý giải, không miễn cho chứng chỉ ngoại ngữ do các trường ĐH của Việt Nam cấp vì dễ nảy sinh tràn lan các trung tâm dạy, luyện thi.

Ông cũng cho biết, ngành GD&ĐT cũng sẽ nghiên cứu để miễn thi cho các học sinh có ngoại ngữ rất tốt ở HN và TPHCM để các em đỡ lãng phí thời gian nhưng không buông lỏng.

MỚI - NÓNG