Mong muốn mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trở thành những 'đại sứ văn hóa'

0:00 / 0:00
0:00
Mong muốn mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trở thành những 'đại sứ văn hóa'
TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thành phố luôn mong muốn và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trở thành những “đại sứ văn hóa”.

Thành phố đã thu hút 24,8 tỷ USD vốn FDI

Sáng 14/12, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại điểm cầu Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tham luận với chủ đề “Thành phố Hà Nội triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng: Cơ hội thách thức và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới".

Bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã và đang tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và một điểm đến an toàn, hấp dẫn của bạn bè quốc tế.

Đáng lưu ý, sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới. Không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia mà Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở của 98 đại sứ quán và văn phòng tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Với những lợi thế riêng có này, công tác đối ngoại của Thủ đô đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu tích cực.

Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, khi hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, công tác đối ngoại của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá, hòa mình vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập mang lại. Đến nay, Hà Nội có quan hệ giao lưu hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương các nước.

Bên cạnh đó, đối ngoại kinh tế chính là trụ cột chính, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Thủ đô. Nhờ nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của đảng bộ, chính quyền Thủ đô trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI. Hàng năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% vào GDP của thành phố, với 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư…

Bước sang một giai đoạn phát triển mới, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, công tác đối ngoại địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững.

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Để cụ thể hoá chủ trương Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, bà Tuyến cho biết, Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Đối ngoại Thủ đô được triển khai trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị; trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền và đối ngoại nhân dân.

“Đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ cấp Thành phố mà các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô cùng tham gia xúc tiến, thúc đẩy hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế tùy thuộc nhu cầu, khả năng, tiềm năng lợi thế của từng cơ quan, đơn vị. Có như vậy, hội nhập quốc tế của Thủ đô mới thật sự sâu rộng, bền vững, lợi ích của hội nhập mới được lan tỏa và tạo thành động lực cho sự phát triển của Thủ đô và cả nước”, bà Tuyến nhấn mạnh.

Cùng với đó, Hà Nội cũng hướng tới đẩy mạnh đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống. Trong hợp tác với các đối tác về kinh tế, luôn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi - thực hiện tốt nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh đến việc phát huy đối ngoại văn hoá, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, thành phố đổi mới và sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, đồng thời đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam và gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

“Thành phố luôn mong muốn và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trở thành những đại sứ văn hóa tham gia giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Hà Nội đến với bạn bè khắp năm châu”, bà Tuyến nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.