Ngày 30/7, sau ba ngày ngóng đợi tin người thân từ biển, bà Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi, thôn Tân Hưng, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) dường như cạn sức. Nằm trên chiếc giường gắn bó với căn bệnh bại liệt của mình suốt 10 năm qua, bà Hồng thều thào, gọi không thành tiếng những người thân của mình. Trong số 7 người mất tích, có 3 người là người thân của bà Hồng gồm chồng, con, cháu: Đặng Văn Oanh, Đặng Văn Toanh và Triệu Văn Đức.
Tay run cầm danh sách 4/7 người mất tích của thôn Tân Hưng, xã Hưng Lộc, ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hiểu im lặng hồi lâu, rồi nói: Mấy ngày qua, người dân trong thôn như cùng đau đớn, cùng mang hy vọng với người thân của các gia đình có người mất tích. Người thân của các nạn nhân nơi đây đang chuẩn bị những việc cần thiết để làm lễ cho người không trở về.
Tàu đánh bắt hải sản ở các địa phương do các gia đình vay mượn, dành dụm nhiều năm. Sau khi đóng được tàu, người thân trong gia đình (là nam giới) thường cùng nhau ra khơi, kiếm sống. Thế nên, mỗi khi gặp tai nạn các gia đình mất nhiều người thân của mình. Qua nhiều năm, ở vùng biển Hậu Lộc, có nhiều gia đình chỉ còn phụ nữ, người già, con nhỏ. Nhiều hoàn cảnh gia đình thương tâm sau tai nạn trên biển vẫn tiếp diễn.
Chỉ trong hai ngày, hai chiếc tàu cá bị chìm ngoài biển, không có hy vọng trục vớt. Gần 3 tỷ đồng chìm luôn dưới biển. Để có những chiếc tàu vận hành mưu sinh ngoài biển, gia đình các chủ tàu phải vay mượn, tích cóp nhiều năm trời. Mất người, mất của, những người thân chưa hết nỗi đau này lại đến niềm lo khác.
Tại gia đình nạn nhân Nguyễn Hữu Tuấn (33 tuổi) ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc mọi người đang bàn chuyện lo hậu sự. Chị Đinh Thị Niên (vợ anh Tuấn) ngồi ôm con, thẫn thờ, đôi mắt hướng về biển vô vọng. Gia đình anh Tuấn thuộc diện hộ nghèo nhất thôn.
Bố mẹ anh đều đã mất, để lại cho anh Tuấn một người anh và 2 người em hay ốm đau, tật nguyền. Những ngày qua, xóm giềng người thì góp tiền, người góp gạo, người góp thức ăn để lo cho người thân anh Tuấn. Là lao động chính trong nhà, nếu anh Tuấn không trở về, rồi đây, chưa biết cuộc sống của mẹ con chị Niên và các em anh Tuấn sẽ ra sao.
Tiếng khóc ai oán của các cháu Đặng Thị Nhung (học lớp 7) và Đặng Thị Hương (học lớp 5) con nạn nhân Toanh khiến nhiều người rưng rưng. Gia đình anh Toanh có 5 người con. Các cháu đều đang đi học, cháu nhỏ nhất mới 3 tuổi. Mẹ bị liệt, bố cũng bệnh tật nhiều năm nay. Anh Toanh là lao động chính trong nhà.
Mặc dù bệnh tật, nhưng ông Oanh (bố anh Toanh) vẫn đi thuyền cùng con để trông nom trên tàu. Không ngờ chuyến đi này tàu lại gặp nạn, nhấn chìm bố con, ông cháu và cả con tàu hơn 1,5 tỷ đồng do gia đình vay mượn, tích cóp. Thẫn thờ trước mất mát, chị Nguyễn Thị Hân (vợ anh Toanh) cứ lặp đi lặp lại câu hỏi “Mẹ, em và các con sẽ ra sao đây nếu bố, anh không trở về?”.
Chiều 27/7, chiếc tàu cá mang số hiệu TH 90446- TS (công suất 155CV), do anh Hoàng Văn Duẩn (trú tại xã Ngư Lộc) làm thuyền trưởng đang khai thác hải sản ở ngư trường cách đảo Cát Bà 15 hải lý thì bị sóng lớn đánh chìm. Tiếp đó, sáng 28/7, UBND huyện Hậu Lộc nhận được tin báo tàu cá mang số hiệu TH 91278- TS (công suất 180CV), do anh Đặng Văn Toanh (xã Hưng Lộc) làm thuyền trưởng cùng 6 ngư dân bị mất liên lạc ở khu vực biển giáp ranh Quảng Ninh- Hải Phòng.