Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đánh giá thông tin khoa học do GS. Phan Huy Lê trình bày “có giá trị và bổ ích”. GS. Lê giới thiệu một số thành tựu nghiên cứu cụ thể của giới sử học, sự cần thiết xây dựng nhận thức mới một cách toàn diện về lịch sử Việt Nam, một số bài học lịch sử cần quan tâm cũng như hiện trạng nghiên cứu lịch sử.
Bệnh coi truyền thuyết là lịch sử
Không thể phủ nhận một số bước tiến rất xa trong vòng hai chục năm qua của giới khảo cổ và sử học, tuy nhiên GS. Phan Huy Lê cũng nêu hiện trạng sử học Việt Nam có vấn đề. “Căn bệnh phổ biến và ngày càng phát triển chính là biến huyền thoại và truyền thuyết thành sử học”, ông nói. Ông dẫn chứng ngay dòng họ Phan của ông: các cụ quy cụ tổ của dòng họ chính là Phan Tây Nhạc, thần núi thời Hùng Vương.
Đồng cảm với giáo sư Lê, GS. Vũ Minh Giang khẳng định hiện tượng phổ biến hiện nay là đề cao dòng họ bằng cách đẩy về rất xa và gắn với các nhân vật cao quý. Điều vô lý theo ông Giang chính là quan niệm các dòng họ hiện nay có từ thời Hùng Vương. “Người ta đưa ra truyền thuyết Vũ Thê Lang là thầy dạy của Hùng Vương, đặt tên đường và tên trường, tuy nhiên tra cứu thì biết ngay bịa đặt”, GS. Giang nói. Một trong những rắc rối nữa là do nhà nhà làm sử, địa phương nào cũng muốn làm sử và nâng tầm chính trị thông qua sử địa phương. Bắc Ninh chẳng hạn, khao khát vinh danh Kinh Dương Vương như từng làm với Hùng Vương với lý luận Kinh Dương Vương là “ông nội” Hùng Vương.
GS. Nguyễn Quang Ngọc kể nhờ đọc cuốn sách lịch sử địa chí Bắc Ninh và tỉnh này vẫn tiếc tại sao có lịch sử đến 5 nghìn năm mà không đề cao. Theo truyền thuyết, lịch sử nước Xích Quỷ sắp tròn 5 nghìn năm. “Nếu có được lịch sử nhà nước 5 nghìn năm thì vĩ đại, kinh khủng quá. Tuy nhiên, chúng ta phải theo quan điểm sử học thực chứng, trên cơ sở nền tảng nhận thức lý luận Mác-Lênin duy vật lịch sử và duy vật biện chứng. Chúng ta không thể chứng minh được nhà nước của ta ra đời cách đây 5 nghìn năm. Nhà nước không thể ra đời ở thời kỳ đồ đá, đồ đồng cũng không, ít nhất phải tới thời đồ sắt”, ông Ngọc nói.
GS. Ngọc nhấn mạnh, ta mới chứng minh nhà nước tồn tại 2.500 năm cho nên “nghe sự kiện 5 nghìn năm rất hấp dẫn nhưng chỉ để cho vui thôi”.
Bộ quốc sử xứng tầm
GS. Phan Huy Lê là chủ nhiệm đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ. Ông nhấn mạnh hiện tượng “người người, nhà nhà làm sử mà không qua trường lớp đào tạo gây nên sự hỗn loạn”. Vì lẽ đó, bộ quốc sử 25 tập chính sử và 5 tập biên niên được kỳ vọng. “Lần đầu tiên có một bộ sử tích hợp tất cả các quan điểm sử học trong ngoài nước. Nó thể hiện tầm quốc gia những quan điểm chính thức của Việt Nam, từ đây có thể coi là bộ sử gốc”, GS Lê nói.
Trình bày thông tin mới nhất về lịch sử Việt Nam, GS. Phan Huy Lê nhắc tới sự cần thiết xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam sao cho toàn bộ và toàn diện. “Nhận thức hiện nay xuất phát từ nhận thức truyền thống. Lịch sử xưa của nhà vua, của các thống soái, đại thần còn lịch sử nhân dân rất mờ nhạt. Lịch sử Việt Nam trước nay cũng là lịch sử của người Việt, chưa đưa vào các dân tộc thiểu số”. Lịch sử hiện đại theo ông cũng chưa thoát khỏi điều này, khi soạn sử chủ yếu là sử của người Việt: “Ta phải xây dựng một nguyên tắc mới của lịch sử Việt Nam- xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam được khẳng định và nhiều tổ chức quốc tế công nhận. Tất cả những gì diễn ra trên lãnh thổ này đều thuộc chủ quyền Việt Nam, là bộ phận của lịch sử Việt Nam”.
Đây cũng là quan điểm của các chuyên gia sử học đầu ngành. “Trước đây quan niệm lịch sử chỉ có một dòng Đại Việt và bỏ qua phần sử của Chăm Pa, Phù Nam. Trong bộ sử mới, chúng tôi thống nhất quan điểm phải trình bày lịch sử Việt Nam một cách toàn thể, tổng diện trên toàn quốc với mọi thứ diễn ra trên đất nước. Mô tả lịch sử như nó từng diễn ra một cách khách quan, trung thực nhất”, GS. Nguyễn Quang Ngọc nói.
Trao đổi bên lề với PV Tiền Phong, GS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết, năm nay nhóm biên soạn bộ quốc sử cơ bản xong bản thảo và hoàn thiện vào năm sau để xuất bản năm 2019. Ông Ngọc là Phó chủ nhiệm đề án, đồng thời phụ trách nhóm tư liệu và được phân công chủ biên tập 5 (thế kỷ 11-13) trong đó phía Bắc tương đương thời Lý, phía Nam tương đương vương triều Vijaya của Chăm Pa. Trước đây GS. Ngọc từng viết sách về vương triều Lý, chủ nhiệm 4 tập Lịch sử Việt Nam. “Dù có sẵn nhiều tư liệu nhưng tôi phải khảo sát thêm tư liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản và mời các chuyên gia đầu ngành ở nước ngoài. Mặc nhiên bộ quốc sử này đòi hỏi rất cao và rất khác. Nó đạt tới chuẩn quốc gia, quốc tế không chỉ ở văn phong, ngôn ngữ mà còn ở hình thức trình bày và tư liệu”, GS. Ngọc nói. Tập 5 trong bộ 25 tập quốc sử, theo GS. Ngọc do hơn 10 tác giả góp sức, trong đó có giáo sư Nhật Bản và Nga. Cả bộ quy tụ hơn 200 tác giả trong đó có nhiều tác giả quốc tế.
Xã hội hóa giáo dục lịch sử
GS. Vũ Minh Giang đặt vấn đề sắp tới phải bàn thảo thêm về giáo dục và giảng dạy lịch sử. “Có thời kỳ coi nhẹ việc giảng dạy lịch sử, xây dựng chương trình tương đối tuỳ tiện, chưa hiểu rõ đặc điểm của giáo dục lịch sử, chưa rút được kinh nghiệm hay trong việc xây dựng chương trình giáo dục lịch sử dẫn đến học sinh chán nản”, GS. Giang nói. Ông nói thêm, đến lúc cần xã hội hóa giáo dục và tuyên truyền lịch sử. Ông nhận định việc làm phim lịch sử bây giờ bị kiểm duyệt quá ngặt nghèo trong khi Trung Quốc cởi mở. Quan trọng là phải phân biệt chính sử và dã sử khi làm phim, có vậy mới kích thích người ta tìm hiểu.