> Hàng quán 'bủa vây' khu đô thị Văn Quán
> Ế nhà thu nhập thấp
> Nhà cho người thu nhập thấp: Sau sốt là… ế
Cách đây hơn 1 tháng, tại cuộc họp trực tuyến tổng kết 6 tháng ngành xây dựng, Bộ trưởng đương nhiệm lúc đó, ông Nguyễn Hồng Quân đã công bố một con số đáng giật mình: “Mỗi tháng lại xuất hiện thêm một KĐT mới”. Thống kê chỉ trong vòng 12 năm qua, Việt Nam đã “mọc” ra 126 KĐT, nâng tổng số KĐT trên cả nước lên 755.
Đó mới chỉ là những con số đong đếm được. Còn thực tế, vẫn còn nhiều KĐT ngoài vùng “phủ sóng” kiểm soát của cơ quan chức năng. Ngay đến tỉnh miền núi Hà Giang, quỹ đất rộng, người dân sống rải rác cũng xin làm KĐT để rồi sau một thời gian thành KĐT bỏ hoang, hạ tầng lổn nhổn gây mất mỹ quan và lãng phí đất.
Còn tại Hà Nội - vốn được coi là nơi thích hợp phát triển hàng loạt KĐT hiện đại - thì đến giờ cũng có tới vài chục khu rơi vào tình trạng dang dở. Khi thị trường bất động sản đóng băng, họ tháo chạy để lại những KĐT nhếch nhác, thiếu đủ thứ.
Vì sao người ta thích xây KĐT đến thế? Theo các chuyên gia, cốt lõi của vấn đề là lợi nhuận. Doanh nghiệp đua nhau lập dự án, xin đất làm đô thị. Nhắm vào đất ruộng, lợi cả đôi đường: DN vừa có dự án, vừa giảm thiểu đền bù, còn địa phương thì đạt mục tiêu thu ngân sách, tăng trưởng; chưa kể, thế nào cũng có vài lô đất, vài suất “ngoại giao” dành cho các vị lãnh đạo. Thế nên đa phần hồ sơ gửi phê duyệt KĐT đều được chính quyền phê chuẩn.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, để có một KĐT mới hiện đại đúng mục tiêu đề ra, quy hoạch cần đi trước với hạ tầng đồng bộ. Muốn làm được điều này cần làm tốt chức năng hoạch định, quản lý quy hoạch. Tới đây, một loạt động thái chỉnh trang quy hoạch đô thị sẽ được ban hành (sửa Nghị định 02 về công tác quản lý đô thị, Luật đô thị chờ Quốc hội phê duyệt).
Hy vọng, với động thái này, hội chứng lập dự án xây KĐT sẽ không còn cơ hội sốt lại, tránh lãng phí tiền của, đất đai cho cả nhà nước và xã hội.