Mỏi mòn chờ phụ cấp chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày đại dịch COVID-19 càn quét, các y, bác sĩ là lực lượng tiên phong, căng mình chống dịch bất kể ngày đêm. Sau hơn 1 năm dịch bệnh được khống chế, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
Mỏi mòn chờ phụ cấp chống dịch ảnh 1

Nhiều cán bộ y tế ở Nghệ An hăng hái đến nhiều tỉnh, thành tham gia chống dịch COVID nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ảnh: Cảnh huệ

“Lúc đi chi viện không ai nghĩ đến tiền đâu”

Khi nhắc đến khoản phụ cấp chống dịch đáng ra đã được nhận từ lâu, anh P.V.H, công tác tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An lắc đầu nói: “Lúc đi chi viện, tăng cường chống dịch, không ai nghĩ gì đến tiền bạc đâu, có thì vui, không có cũng không sao. Ai cũng chỉ mong chung tay nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Sau này thấy một số đồng nghiệp được nhận khoản tiền phụ cấp chống dịch, mình hỏi, nhưng bảo chờ, sẽ có. Không biết chờ đến khi nào?”.

Mỏi mòn chờ phụ cấp chống dịch ảnh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP Vinh

Anh H. nhớ lại, ngày 22/9/2021, anh cùng 50 cán bộ y, bác sĩ thuộc các đơn vị y tế trong tỉnh Nghệ An sắp xếp công việc, gác lại những nỗi niềm riêng của gia đình, hăng hái lên đường vào TPHCM tham gia chống dịch với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, mong “Sài Gòn nhanh khỏe”. Anh cùng các đồng nghiệp làm công việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện huyện Bình Chánh. Những ngày đầu mới vào thực hiện nhiệm vụ, anh H. gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc khi chưa quen với môi trường công tác cũng như tính chất công việc. Mỗi ngày anh làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng bức. Những bữa cơm quá giờ, nguội ngắt, những giấc ngủ tạm bợ… Tuy nhiên, anh cùng các đồng nghiệp sớm vượt qua, thích nghi, hòa nhập, dần quen với công việc, để rồi làm hết sức, cống hiến hết mình với tinh thần kỷ luật và hiệu quả cao nhất.

Mỏi mòn chờ phụ cấp chống dịch ảnh 3

Nữ nhân viên y tế Nghệ An kiệt sức khi tham gia chống dịch

Tròn 40 ngày cùng các bác sĩ ở Sài Gòn “chiến đấu” với dịch COVID-19, anh H. góp phần cùng đồng nghiệp giúp cho nhiều bệnh nhân nặng khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe; từng bước khống chế, kiểm soát dịch COVID-19. “Đó là những ngày đấu tranh không ngừng nghỉ, giành giật lấy sự sống. Là quãng thời gian vất vả nhất nhưng cũng đáng nhớ nhất. Dù có lúc kiệt sức nhưng anh em vẫn luôn tự hào vì góp chút công sức để chiến thắng đại dịch”, anh H. nói.

Những ngày Nghệ An bùng dịch, chị N.T.T.V, cán bộ một cơ sở y tế ở TP Vinh được huy động tăng cường đến khắp các điểm nóng, những ổ dịch phức tạp nhất trên địa bàn thành phố. Những đợt truy vết F0 diện rộng, chị V. đều hăng hái tham gia. Có con nhỏ 1 tuổi, nhưng vì nhiệm vụ, chị gửi con về ông bà ngoại chăm sóc. Làm việc nhiều, lại phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, có nhiều lúc, chị kiệt sức. Khi nhắc đến khoản phụ cấp chống dịch mà đáng ra chị và đồng nghiệp đã được nhận từ lâu, chị V. không khỏi ngậm ngùi: “Bảo chờ thì tôi cũng biết là chờ thôi. Nhưng đến nay cũng đã hơn 1 năm rồi. Đó có thể không phải số tiền quá lớn, nhưng là sự ghi nhận đối với đội ngũ tham gia chống dịch. Tôi cũng hơi buồn và thất vọng”.

Không chỉ riêng TP Vinh, tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, nhiều người tham gia chống dịch cũng đang mòn mỏi chờ tiền phụ cấp. Tại các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương,… chế độ chính sách của cán bộ y tế chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện mới chỉ chi trả được khoảng một nửa. Phần còn lại chưa được chi trả do “ngân sách của địa phương còn hạn hẹp”.

Anh L.T.Q, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho hay, đêm 13/7/2021, bản nghèo Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong một gia đình. Ngay trong đêm, anh đã tình nguyện xin vào tâm dịch, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết. Sau này, khi lao động làm việc ở các tỉnh thành phía Nam ồ ạt trở về quê tránh dịch, anh Q. xung phong hỗ trợ cách ly, trực chốt kiểm dịch. Làm việc trong điều kiện thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị vật tư máy móc nhưng không ai nề hà, vẫn cố gắng để hoàn thành sứ mệnh. Dù luôn có mặt ở những “điểm nóng” nhưng đến nay, anh vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.

“Anh em nhân viên y tế rất thất vọng”

Theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, với những người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; những người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19 sẽ được hưởng phụ cấp mức 300.000 đồng/người/ngày.

Mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày dành cho những người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ngoài ra, còn có các mức phụ cấp thấp hơn dành cho nhiều trường hợp khác góp công phòng, chống đại dịch COVID-19. Như vậy, với các trường hợp nêu trên sẽ đều được hưởng tiền phụ cấp đối với quãng thời gian tham gia chống dịch. Tuy nhiên đến nay, khoản tiền này vẫn chỉ nằm trên giấy. Không chỉ chậm trễ mà một số nơi thủ tục để chi trả cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, trước đây quy định người đi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ được trả phụ cấp 7.500 đồng/mũi. Nhưng sau đó lại quy định lại mỗi ngày không quá 150.000 đồng, đồng thời kèm theo điều kiện phải có chứng chỉ y khoa mới được chi trả.

Ông Nguyễn Thế Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh cho biết, suốt từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TP Vinh, các khoản phụ cấp chống dịch của nhân viên y tế trên địa bàn đều chưa được chi trả. Khoản tiền này khoảng 8,1 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 93 triệu đồng tiền phụ cấp chống dịch cho đoàn nhân viên y tế của Hà Tĩnh sang tăng cường cho TP Vinh hồi tháng 8/2021 đến nay cũng chưa được chi trả. “Anh em nhân viên y tế rất thất vọng. Dịch đã cơ bản được khống chế từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp. Trung tâm đã nhiều lần gửi văn bản lên UBND thành phố nhưng chưa nhận được phản hồi”, ông Tùng nói.

Bà Thái Thị Thùy Giang, chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc TP Vinh thừa nhận, đã chậm trễ trong việc chi trả phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ. “Trong năm 2021, thành phố đã chi trả được khoảng 8,2 tỷ đồng tiền phụ cấp chống dịch. Đầu năm nay, số tiền chi trả mới chỉ được khoảng 500 triệu đồng. Kinh phí phòng chống dịch quá lớn, trong khi đó ngân sách hạn hẹp, việc chi trả đã vượt quá khả năng của thành phố”, bà Giang cho hay.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An xác nhận việc chậm trễ chi trả phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, trong đó trách nhiệm thuộc về các huyện, thành, thị. Sau khi nhận được phản ánh từ các cơ sở y tế, Sở Y tế Nghệ An cũng đã có văn bản gửi UBND TP Vinh đề nghị sớm chi trả phụ cấp chống dịch.

MỚI - NÓNG