Ông Trần Trinh Đức, người vừa mất ngày 18/6 là một trong số ít những người con của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (còn gọi là cậu 3 Huy, Hắc công tử) được nhiều người biết đến. Ông Đức mất do bệnh tật, hưởng thọ 76 tuổi.
Sau khi mất vào ngày 18/6, ông Trần Trinh Đức được hỏa táng và vợ con đưa tro cốt ông về thờ tại nhà. “Hiện vẫn còn nhiều sách nên cô sẽ tiếp tục bán tại biệt thự của công tử Bạc Liêu”, bà Nga nói.
Ngôi nhà công tử Bạc Liêu (phường 3, TP. Bạc Liêu). |
Dù là con trai của “đại thiếu gia” giàu có, nhưng hầu hết cuộc đời ông Đức sống trong nghèo khó. Công tử Bạc Liêu có 8 người con, lần lượt là: Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ. Năm 1974, công tử Bạc Liêu qua đời. Các con đã bán căn nhà cuối cùng của cha để lại ở TPHCM, chia cho mỗi người một phần.
Trong đó, vợ chồng ông Trần Trinh Đức sinh sống bằng nghề buôn bán. Đến năm 1997, con gái ông Đức bị bệnh. Vợ chồng ông Đức phải bán hết tài sản để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ. Cả nhà đành phải sang Campuchia để lánh nợ.
Tại đây, ông Đức sống bằng nghề sửa giày dép nhưng cũng chỉ được vài năm. Sau đó, gia đình ông về lại TPHCM. Lần trở về này, ông Đức sống bằng nghề chạy xe ôm. Ông làm việc tối ngày nhưng thu nhập vẫn không bù đắp được nhu cầu cần thiết.
Khi còn sống, hàng ngày ông Đức bán sách, kể chuyện cho khách tham quan nghe về người cha công tử Bạc Liêu. Ảnh: N.H. |
Hơn 10 năm qua, ông Đức về lại Bạc Liêu làm thuê cho một doanh nghiệp du lịch để kiếm kế sinh nhai. Những năm gần đây, ông Đức làm hướng dẫn viên du lịch ở chính dinh thự của cha mình ngày trước tại phường 3 (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Sau đó, chính quyền địa phương đã tặng ông Đức căn nhà trị giá gần 400 triệu đồng ở phường 5 (TP. Bạc Liêu).
Có nhà mới, nơi ở đã ổn định, hàng ngày ông Đức ra căn nhà công tử Bạc Liêu - nơi ông từng sống khi còn nhỏ, ngồi bán sách viết về dòng họ, kể chuyện cho khách tham quan nghe về người cha nổi tiếng của mình.
Được biết, bà Nga sinh ra ở TPHCM và quen ông Đức tại đây. Bà và ông Đức lấy nhau năm 1973. Thời gian sống với ông Đức, cuộc đời của bà Nga cũng thay đổi từ cuộc sống vàng son đến cảnh khó khăn “chạy ăn từng bữa”.