Làm rõ chi “hoa hồng” cho những ai
Dư luận lâu nay thường râm ran về vấn nạn “hoa hồng” thuốc tại các bệnh viện, thì tại phiên xử Cty VN Pharma vừa qua, thực trạng này đã được phơi bày với số tiền chi hoa hồng cho bác sĩ hàng chục tỷ đồng…?
Chi hoa hồng cho bác sĩ là vấn đề đã tồn tại dai dẳng từ lâu rồi nhưng vẫn chưa giải quyết được. Còn trong trường hợp cụ thể này, khi cơ quan điều tra đã nêu ra như vậy, tôi đề nghị phải đi đến tận cùng vấn đề. Nếu cứ nói khơi khơi ra như vậy rồi để đó thì không được.
Trong vụ VN Pharma này phải xác định thật rõ, chừng đó tiền chi hoa hồng chi cho những ai, có giấy tờ bằng chứng gì không? Đổ thừa hoa hồng cho thuốc H. Capita, có nghĩa là thừa nhận thuốc đã ra thị trường. Vì có ra thị trường bác sĩ mới kê đơn, mới nhận hoa hồng được chứ. Nếu H. Capita còn ở yên trong kho thì ai mua được mà kê đơn? Mà nếu bác sĩ đã kê đơn, bệnh nhân đã dùng thì đây là thuốc giả đã được dùng. Nhưng từ trước đến nay, họ cứ lý luận thuốc này còn nằm trong kho, chưa bị thiệt hại gì, nên cuối cùng bị kết án là tội buôn lậu.
Tuy nhiên điều đáng nói là việc trị bệnh “hoa hồng” cũng có rất nhiều vấn đề. Họ nhận hoa hồng đấy, nhưng bây giờ có quy định tội danh trong Luật Hình sự để xử lý không? Bản thân Luật Dược cũng không hề quy định điều này.
Được biết, khi sửa đổi Luật Dược, tại diễn đàn Quốc hội, bản thân bà đã từng góp ý về việc này?
Khi đóng góp ý kiến cho Luật Dược, tôi đã đưa ra đề nghị vấn đề này cần được quy định trong luật, nhưng đáng tiếc đề xuất của tôi không được tiếp thu. Một trong những nguyên nhân gây tăng giá thuốc là tình trạng một số công ty dược cấu kết với một số bác sĩ tha hóa, biến chất nhận hoa hồng. Điều này cũng góp phần làm tăng giá thuốc. Muốn quản lý giá thuốc, chúng ta phải nắm được tình hình, không để doanh nghiệp không kê khống, lấy khoản chênh lệch đó đi “mua” bác sĩ.
Thứ nữa, trong trường hợp ăn chia hoa hồng, nếu bắt được chúng ta phải có chế tài xử lý. Bây giờ với trường hợp cụ thể này, thì sẽ xử lý bằng gì đây? Tiền hai bên thuận mua vừa bán, trao cho nhau, đâu có nói được, quy được tội gì? Bây giờ chỉ xử lý bằng y đức và xã hội, mà như thế thì nhẹ hều, chẳng ăn thua gì. Vấn đề là phải có căn cứ pháp lý, thẳng tay với việc này và phải nhìn nhận đó là một thực trạng.
Bây giờ khi phát hiện ra ông bác sĩ này nhận hoa hồng, ông bác sĩ kia nhận lót tay, nhưng rồi cũng chỉ thân bại danh liệt thôi, chẳng quy kết vào tội gì cả. Chả lẽ lại xử phạt hành chính à?
Ở các nước cũng có tình trạng hoa hồng, nhưng luật của họ nghiêm hơn. Cách đây vài năm, đã có vụ khi phát hiện dùng tiền “mua” bác sĩ để kê đơn bằng hình thức này, hình thức kia, người ta đã phạt mấy tỷ đô la. Trong khi đó, luật của chúng ta lại không quy định điều này thì làm sao xử phạt được.
Doanh nghiệp lấy tiền chi hoa hồng cho bác sĩ, nhưng tiền đó lại cộng vào giá thuốc và cuối cùng người bệnh phải gánh chịu, thưa bà?
Cái này là chắc chắn. Nếu không người ta lấy đâu ra tiền chi hoa hồng? Tất cả đều được tính vào trong chi phí. Hoa hồng chắc chắn đổ vào giá thuốc, và bệnh nhân là người gánh chịu chứ còn ai vào đó?
Khi số mặt hàng thuốc quá nhiều trên thị trường thế này, đôi khi các công ty phải đua nhau chi hoa hồng. Tại vì ông này đã chi rồi, thì ông kia không thể đứng ngoài vòng. Mà chuyện chi hoa hồng lại là những chuyện dưới gầm bàn, không nắm được chứng cứ.
Những mặt hàng không ai biết tên tuổi, thậm chí còn không có tên tuổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, giá thấp nhưng cộng thêm chi phí cho bác sĩ, tuy hàng dởm nhưng sẽ được bán và vẫn có lời. Kể cả khi trúng thầu giá thấp vẫn có lời. Cho nên ở đây, bản chất vấn đề là thuốc đã không đúng với giá trị thật của nó.
Làm rõ trách nhiệm liên quan
Thưa bà, VN Pharma vừa mới ra đời nhưng lại phát triển nhanh như vũ bão. Nhiều người đặt ra vấn đề, có yếu tố lợi ích nhóm hay thế lực chống lưng…
Chúng ta không loại trừ có những thiên tài, nhưng trong điều kiện thị trường của chúng ta thì chắc khó. Cho nên dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ, tuy nhiên vấn đề đó nên để cơ quan điều tra làm rõ.
Trong thực tế điều tra, chính họ cũng thừa nhận việc chi tiền cho bác sĩ, nhưng bác sĩ hoa hồng là một chuyện, liệu có những người khác ở cấp cao hơn bác sĩ ăn tiền để chống lưng hay làm gì đó không? Cái đó người ta có quyền nghi ngờ, còn thực tế ra sao phải có điều tra, chứng cứ rõ ràng mới quy kết được.
Ở đây còn phải làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, chẳng hạn như trách nhiệm của Cục Quản lý Dược.
Rất cần phải làm rõ. Việc cấp số đăng ký thuốc từ trước đến nay vẫn nổi tiếng khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh bị làm khó khi xin cấp số đăng ký, kể cả nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước.
Tôi biết ở TPHCM, có những trường hợp doanh nghiệp xây nhà máy xong rồi nhưng phải nằm đắp chiếu, chờ bao giờ xin được số đăng ký mới sản xuất được thuốc, rất lãng phí. Trong khi đó lại có những trường hợp xin được một cách rất thuận tiện, nhanh chóng đến kỳ lạ. Chính vì thế phải xem lại quy trình, cứ tưởng chặt nhưng lại không chặt.
Theo bà, việc kinh doanh thuốc giả “là bình thường” hay là một tội ác?
Tôi khẳng định bán thuốc giả là một tội ác và là tội giết người hàng loạt. Đây là một tội ác có chủ mưu, có động cơ chứ không phải vô tình giết người. Thuốc phải có tác dụng của nó, nếu không thì bệnh không được ngăn chặn đúng lúc.
Nếu người ta dùng thuốc thật thì có thể còn cứu chữa được bệnh. Nhưng khi người ta lỡ dùng thuốc giả này thì bản thân bệnh sẽ tiến triển. Cho nên, ai bảo thuốc giả không có nguy hại gì là nói bừa, nói bậy.
Cảm ơn bà.
“Chi hoa hồng cho bác sĩ là vấn đề đã tồn tại dai dẳng từ lâu rồi nhưng vẫn chưa giải quyết được. Còn trong trường hợp cụ thể này, khi cơ quan điều tra đã nêu ra như vậy, tôi đề nghị phải đi đến tận cùng vấn đề. Nếu cứ nói khơi khơi ra như vậy rồi để đó thì không được”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan