> Chú ý bài toán quy hoạch sử dụng đất hiệu quả
Cây cao su của Cty 78 cho năng suất cao nhất Tây Nguyên. |
Trong kháng chiến chống Mỹ hàng vạn tấn bom đạn và chất độc da cam đã dội xuống vùng này, hầu hết các cánh rừng loang lổ, trơ trụi chỉ toàn cây bụi. Không để vùng biên cương rộng lớn mãi hoang vắng, hơn chục năm nay Kon Tum chủ trương phát triển kinh tế gắn với đưa dân ra biên giới.
Làng mới vùng biên
Tháng 3-1999 Binh Đoàn 15-Bộ Quốc phòng thành lập bộ khung “Đoàn 78” lên Mô Ray khai hoang, mở đất.
Trung tá Trịnh Hà Tâm, nhân vật Chàng lái xe hơn 50 lần làm bà đỡ bất đắc dĩ trên Tiền Phong ngày nào bây giờ đã là Phó Giám đốc Cty 78. Anh lấy xe đưa tôi dạo quanh các nông trường, những vườn cao su năm bảy năm trước mới quá đầu người giờ đã dạt dào nhựa trắng.
Hà Văn Tâm khoe: “Năng suất cây cao su của chúng tôi dù mới khai thác song được đánh giá là cao nhất vùng Tây Nguyên, năm 2011 bình quân đạt 1,75 tấn mủ khô/ha; lương mỗi công nhân 7,4triệu đồng/người/tháng”.
Còn nhớ các anh những năm đầu lên Mô Ray, gian khổ khó khăn chồng chất. Từ thị trấn Sa Thầy vào trung tâm xã hơn 100km, mùa khô còn đi lại được, song 6 tháng mùa mưa là nội bất xuất ngoại bất nhập. Những ca sinh nở mùa mưa không định trước cũng từ đó.
Thế mà bữa nay làng mạc, nhà cửa quán xá bắt đầu mọc lên ở trung tâm Mô Ray. Cùng với những vườn cao su xanh ngút tầm mắt là điện, đường, nhà cửa, bệnh viện trường học được xây dựng.
Công ty 78 bây giờ đã có hơn 1.700 công nhân, phân bổ ở 17 đội sản xuất trên diện tích gần 4.000 ha cao su. Mỗi đội là một điểm dân cư, bổ sung vào nguồn nhân lực cho Mô Ray.
Đa số công nhân vào đây đều là đồng bào dân tộc phía bắc: Tày, Mường, Thổ, Thái…chung vai góp sức cùng hơn 100 công nhân đồng bào dân tộc Jrai, Rơ Mâm ngày ngày biến vùng đất này thành vùng quê mới trù phú.
Lớp học của học sinh dân tộc nội trú ở Mô Ray. |
Đưa chúng tôi vào thăm trường nội trú Đội 3, anh Trịnh Hà Tâm giới thiệu: “Bây giờ anh em công nhân ở đây không còn phải gửi con cho cha mẹ ở quê như nhiều năm trước. Nhà trẻ, trường tiểu học mọc theo các điểm dân cư. Chúng tôi có cả trường nội trú cho các em tiểu học”.
Nhìn lớp học, nhà ăn, ở của học sinh tiểu học, thán phục cách tổ chức, nề nếp “tác phong quân đội” của những thầy cô và người quản lý nơi đây.
Anh Tống Thế Sao 38 tuổi quê Hà Trung, Thanh Hoá đang cạo mủ cao su ở Đội 3 cho biết: Năm 2000 anh có mặt ở Mô Ray và chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
Năm 2002 anh lập gia đình, vợ chồng nhận chăm sóc, khai thác gần 5 ha cao su, thu nhập từ tiền lương của anh khoảng chục triệu đồng/tháng, vợ 8,5 triệu đồng/tháng.
Thời gian rảnh rỗi vợ chồng anh làm thêm vườn 2.000m2, nuôi cá, nuôi heo tăng thêm thu nhập. Đất lành chim đậu, Tống Thế Sao đã đưa 2 người em ruột cùng 3 em vợ vào làm công nhân Cty 78. Hàng nghìn người trên nhiều miền quê, cứ thế chọn Mô Ray làm quê mới.
Mai này lên huyện
Ông Nguyễn Kim Phương-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum cho biết: Chủ trương phát triển 100.000 ha cây cao su ở Tây Nguyên của Chính phủ từ năm 2006 đã tạo thêm động lực cho những hoài bão của lãnh đạo Kon Tum từ nhiều năm trước: Đưa cây cao su lên biên giới Mô Ray.
Mấy chục năm liền tỉ lệ tăng dân số của người Jrai, Rơ Mân ở đây là con số không bởi sinh và tử cứ gần bằng nhau. Mô Ray trong tâm tưởng của nhiều người là một vùng xa xôi hẻo lánh đầy chướng khí. Giờ Mô Ray đồng nghĩa với việc tạo ra một vùng sản xuất tập trung, có giá trị thu nhập mỗi năm từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm và tạo ra vùng dân cư mới từ 20.000-30.000 hộ. Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến 2015 sẽ đủ dân số để thành lập huyện mới Nam Mô Ray. |
Tỉnh Kon Tum đã mời Viện quy hoạch Nông nghiệp Trung ương vào điều tra khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng của Mô Ray để rồi quyết định chọn 40.000 ha rừng nghèo kiệt trong số 158.000 ha diện tích tự nhiên xã Mô Ray chuyển sang trồng cao su theo chủ trương của Chính phủ.
Và 2 đơn vị của Binh đoàn 15, 2 đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; một doanh nghiệp Nhà nước, một doanh nghiệp tư nhân cùng Dự án là Làng Thanh niên lập nghiệp Mô Ray và Dự án của Bộ chỉ huy biên phòng Kon Tum nhận lãnh trách nhiệm này.
Nhiều chuyên gia có thâm niên về cây cao su nhận xét Kon Tum là tỉnh thực hiện khá bài bản, chặt chẽ chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ.
Tổng số gỗ, củi tận thu trong quá trình khai thác trắng bán được hơn 60 tỷ đồng. Kon Tum cũng là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên thu tiền quyền sử dụng rừng khi giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các dự án trồng cao su ở Mô Ray là hình thành các làng, xã hướng đến thành lập huyện mới Nam Mô Ray. Vì thế, phát triển 40.000 ha sẽ có ít nhất 20.000 công nhân làm việc. Mỗi hộ công nhân cần có tối thiểu 1.000m2 đất vườn do các doanh nghiệp nhận đất trồng cao su để lại.
Đi dọc từ bắc đến nam Mô Ray dài hàng trăm cây số, ám ảnh của một vùng đất chết ngày nào đã lùi dần thay vào đó là sức sống của bạt ngàn cao su đang lên xanh tốt. Gần 20.000 ha cao su mới trồng vài ba năm mà đã bắt đầu khép tán, xanh mướt.
Ông Lê Đức Thảo, Giám đốc Cty CP Đầu tư - Phát triển Duy Tân cho rằng vùng Mô Ray rất hợp với cây cao su bởi lẽ đất đai đa phần là đất đỏ-trắng pha cát phù hợp cho loài cây công nghiệp dài ngày này.
Không đầy 5 năm nữa thôi, khi hầu hết diện tích cao su ở Mô Ray đi vào kinh doanh, tính theo thời giá hiện nay, mỗi năm Mô Ray sẽ cho doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Vùng biên viễn hôm nay sẽ là một vùng đất đầu tiên của tỉnh cán đích tiêu chí “Nông thôn mới”.