Mô hình tôm lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Công nhân kiểm tra tôm.
Công nhân kiểm tra tôm.
TP - Hiện nay tình hình biến đổi khí hậu biểu hiện ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mô hình tôm - lúa ở Sóc Trăng đã giúp họ dần thích ứng, vừa tăng năng suất vừa đảm bảo thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Ấp Nhơn Hòa, xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đang loay hoay tạt nước khử trùng dưới ao cho tôm sạch bệnh. Dừng tay làm, ông cho biết vụ tôm này mới thả nuôi được gần một tháng. “Đáng lẽ ra vụ này tôi chuyển sang trồng lúa như mọi người trong xóm nhưng vụ rồi lãi khá nên tôi quyết định nuôi thêm vụ nữa mới trồng lúa”. Có thâm niên trên 30 năm nuôi tôm quảng canh, ông cho biết, thu hoạch 1,2 ha tôm thẻ chân trắng, bán được 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng.

 Ông Thưởng cho biết, vùng này 6 tháng nước lợ (từ đầu năm đến tháng 6) và 6 tháng cuối năm nước ngọt. Trước đây, nuôi 2 vụ tôm thì thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thua lỗ. Những năm gần đây, mặn xâm nhập, thời tiết nóng bức đã gây khó cho việc nuôi tôm. Khi áp dụng mô hình tôm lúa (một năm nuôi 1 vụ tôm và 1 vụ lúa) đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Ông Lê Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2 cho biết, hiện nay trước việc biến đổi khí hậu đang tác động đến đời sống. Người dân thấy được hiệu quả của mô hình “lúa – tôm” đem lại nên đã phát triển khá nhanh. Cụ thể, từ 800 ha vào năm 2.000 đến nay đã phát triển lên gần 2.000 ha. Theo ông An, trung bình 1 ha nuôi tôm, người dân lãi trên 100 triệu đồng, còn lúa năng suất trên 6 tấn/ha, lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha.

Trong những năm gần đây, xã Gia Hòa 2 đã triển khai mô hình lúa – tôm, bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, bền vững.

 Ông Sử Chí Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Xuyên đánh giá, mô hình tôm lúa  phù hợp với vùng đất ở đây. Điều quan trọng là vụ lúa cách ly được mầm bệnh từ nuôi tôm. Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.300 ha thực hiện qui trình kỹ thuật nuôi tôm sạch với mật độ thưa vừa đảm bảo môi trường, cho năng suất cao.

MỚI - NÓNG