Cần thêm cơ sở cách ly “bình dân”
Sau một thời gian khống chế tốt dịch COVID 19, các đường bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc được nối lại, bay 1 chuyến/tuần/đường bay. Tuy nhiên, các chuyến bay này chỉ bán vé cho khách từ Việt Nam đi. Với khách từ nước ngoài về, sau 2 chuyến thí điểm và phát sinh các vấn đề liên quan tới khu cách ly có trả phí, tới nay đường bay vẫn chưa thể mở lại, mà phải đợi quy trình cách ly do Bộ Y tế chủ trì xây dựng và ban hành. Đặc biệt, các địa phương cần thêm cơ sở khách ly có chi phí “bình dân”, thay vì khách sạn hạng sang (3-5 sao), chi phí cách ly 14 ngày lên tới hơn 20 triệu đồng/người trở lên.
Trong chỉ đạo mới nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao UBND các tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú có thu phí cho người nhập cảnh (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước) trên các chuyến bay thương mại. Các địa phương cần thông báo về nơi cách ly cho Bộ Y tế để phối hợp cùng các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, GTVT điều phối việc cách ly người nhập cảnh; vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho hoạt động của khách sạn, cơ sở lưu trú. Kinh phí cách ly do người cách ly tự chi trả.
Ngay sau chỉ đạo trên, Bộ GTVT cũng có thêm văn bản đề nghị các địa phương nhanh chóng mở rộng, thiết lập khu cách ly tại khách sạn có thu phí đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, giảm tải cho các cơ sở cách ly của quân đội. Các địa phương này cần thông báo danh sách khu cách ly về Bộ GTVT để thông báo tới các hãng hàng không.
Tới nay, tại Hà Nội, có 16 khách sạn được phê duyệt làm nơi cách ly y tế với khách nhập cảnh. Tuy nhiên, hầu hết khách sạn này thuộc hạng 3-5 sao, nên giá phòng từ 2 triệu đồng/ngày/người trở lên, như Metropole, Hanoi Westlake, Mường Thanh, Hòa Bình... Hà Nội đang xem xét bổ sung một số khách sạn, cơ sở lưu trú bình dân để phục vụ đa dạng nhu cầu khách nhập cảnh. Còn tại TPHCM, địa phương này đã phê duyệt 22 khách sạn làm nơi cách ly y tế tập trung với khách nhập cảnh có thu phí, như: Hương Sen, Kim Cương Xanh, Riverside, Sky Gem Central, Sài Gòn Hà Nội, Sunshine, Mường Thanh... Dù vậy, chi phí cách ly tại những khách sạn này không rẻ hơn ở Hà Nội. Còn tại một số địa phương khác, chi phí cho 14 ngày cách ly tại khách sạn cũng không hề rẻ, như tại Quảng Ninh từ 15 triệu đồng/người trở lên, Đà Nẵng từ 16 triệu đồng/người trở lên, Nha Trang từ 19 triệu đồng/người trở lên...
Trong khi đó, hiện nhu cầu khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam, đặc biệt là công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước khá cao, còn thực tế số lượng chuyến bay đón công dân về nước còn ít. Tời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số kẻ gian mạo danh đại diện các hãng hàng không (cả hãng Việt Nam và hãng nước ngoài) thông báo bán vé máy bay về nước để lừa tiền của công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước.Mới nhất, ngày 11/11, Cục Hàng không Việt Nam đã phải ban hành khuyến cáo hành khách cảnh giác với tình trạng lừa đảo như trên. Vì hiện tại chỉ có các chuyến bay đón công dân về nước do Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, về phía hàng không không còn vướng mắc gì, chỉ đợi quy trình phòng chống dịch và cách ly y tế của Bộ Y tế được ban hành sẽ triển khai cấp phép cho các chuyến bay chở khách về Việt Nam ngay. Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines và Vietjet, mỗi hãng đã thực hiện thí điểm 1 chuyến bay thương mại quốc tế đón khách về Việt Nam đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cũng như thông suốt từ khâu bán vé, tới kiểm soát thủ tục, hành khách, an toàn chuyến bay…
Phải trả phí cách ly trước khi về nước
Hiện tại, Bộ Y tế đã xây dựng xong Dự thảo Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống COVID-19 với người nhập cảnh Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Bộ Y tế đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.Quy trình này xác lập rõ người nhập cảnh phải trả toàn bộ kinh phí cho việc đưa đón, cách ly tại khách sạn, xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam (trừ khách ngoại giao, công vụ).
Theo dự thảo này, trước mắt, có 3 nhóm khách được nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, gồm: công dân Việt Nam và thân nhân là người nước ngoài; người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân nhập cảnh vào Việt Nam từ 14 ngày trở lên, học sinh, sinh viên quốc tế; Nhóm 3 là người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.
Với nhóm đầu tiên là công dân Việt Nam và thân nhân, Bộ Y tế dự kiến, khách phải có xác nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước ngày bay tối đa 5 ngày.Đặc biệt, nhóm khách này phải đăng ký và có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón trong nước (có hoá đơn đã thanh toán các dịch vụ này để chứng minh, thay vì chỉ đăng ký). Ngoài ra, phải thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch, khai báo y tế… Sau khi khách nhập cảnh, sẽ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần, lần đầu khi nhập cảnh và lần 2 khi cách ly đủ 14 ngày. Kết thúc cách ly vẫn phải khai báo y tế hằng ngày cho khi đủ 28 ngày từ ngày nhập cảnh.
Với nhóm khách nhập cảnh Việt Nam là người nước ngoài và ở lại Việt Nam trên từ 14 ngày trở lên (nhóm 2), ngoài các điều kiện như trên, khách phải có bảo hiểm y tế quốc tế (hoặc có cam kết trả phí điều trị nếu mắc COVID-19 của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam). Với nhóm khách này, sau khi cách ly tập trung 6 ngày sẽ lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lần 2 (lần 1 khi nhập cảnh), nếu kết quả âm tính sẽ được rời khu cách ly tới nơi làm việc theo đăng ký khi nhập cảnh. Tới ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh, khách phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần cuối, khai báo y tế điện tử tới hết 28 ngày từ ngày nhập cảnh (nếu ở lại Việt Nam trên 14 ngày).
Nhận xét về dự thảo cách ly y tế của Bộ Y tế, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng: Nếu quy trình này được ban hành sẽ rất thuận lợi cho ngành hàng không thực hiện.