> Phát hiện hai ngôi mộ nghìn tuổi ở khu đô thị Ciputra
> Cận cảnh khu vực phát lộ mộ cổ
Mộ cổ được khai quật tại khu Ciputra (ảnh lớn); cổ vật tìm thấy trong khu mộ cổ (ảnh nhỏ). Ảnh: Nguyễn Lân Cường. |
Các nhà khoa học đang phân loại sơ số cổ vật này. Còn phải chờ một thời gian nữa mới có thể công bố, vì một tháng nữa mới đến hạn nộp báo cáo. Đây là số cổ vật tìm thấy ở hai ngôi mộ phát lộ ở khu Ciputra ngày 1-4.
“Những hiện vật này đều quý hiếm, thuộc thời Lục Triều (thế kỷ 4-6). Trong số hiện vật này, có 9 đinh sắt gỉ, 1 hạt chuỗi thủy tinh nhỏ trong chiếc bát đồng vỡ, còn lại là đồ gốm gồm bình, bát không có hoa văn. Đặc biệt trong đáy 2 bát còn có những hạt gạo, thóc cháy. Do nước mưa ở ngoài ngấm vào, đưa đất vào phủ trong bát nên hạt gạo vẫn còn”, TS. Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN- đơn vị phối hợp với Viện Khảo cổ, tiến hành khai quật, nói.
Ông Cường cũng khẳng định, các hạt gạo, thóc tìm thấy đợt này “nghiêm chỉnh”, vì gạo nằm trong mộ có bùn đất phủ lên, không thể được lẫn bên ngoài vào được. Ngoài ra, người dân quanh khu vực cũng đem đến một số mảnh bình, lọ, tất cả được trưng bày tại huyện Từ Liêm.
Khẳng định niên đại của cổ vật, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cho rằng, trước hết dựa vào cấu trúc mộ Đông Hán và hiện vật chôn trong mộ. Hai ngôi mộ này trang trí bên trong, hoa văn thành mộ to là ô trám lồng và đồng tiền. Mộ nhỏ hoa văn xương cá là chủ yếu. Gạch xây hai ngôi mộ là loại gạch nhỏ, thuộc thời Lục Triều. Đến ngày 14-4, các nhà khoa học công nhận hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều.
Theo ông Cường, trong số cổ vật tìm thấy có thể thiếu lệnh bài và một chiếc bình: “Ngày 1-4 phát hiện hai ngôi mộ, đến hôm sau tôi mới xuống thì không thấy lệnh bài nữa, dù công nhân nói trước đó có thấy lệnh bài. Ngoài ra còn tìm thấy một chiếc nắp bình trong mộ, nhưng không thấy bình đâu. Quan tài và cốt đều tiêu hết. Số cổ vật nằm dưới bùn nên còn nguyên vẹn”. Vài năm trước, cũng tại khu vực này, các nhà khảo cổ phát hiện ngôi mộ trong quan ngoài quách thuộc thời hậu Lê.
Cách hai ngôi mộ cổ 200m ở khu Ciputra, các nhà khảo cổ còn phát hiện giếng cổ khoảng 1.500 tuổi. Từ ngày phát hiện 12-4 đến ngày 20-4, nhóm khai quật đào sâu xuống 4m, chưa tính phần thành giếng bị mất đi khoảng 1,4m.
Các nhà khảo cổ tiếp tục cho đào sâu thêm, theo nhận định có thể sâu đến 6-7m. Thời gian có thể phải kéo dài, vì phải làm rộng phần trong trước, rồi mới đến phần ngoài. Lòng giếng khá hẹp, khoảng 74 cm lại được xây bằng loại gạch đên bó chéo, nên khá khó khăn khi dùng dao nạo lớp đất bùn bám vào thành. Dự kiến, khi đào sâu chạm đáy, các nhà khoa học bó giếng đưa về bảo tàng Hà Nội trưng bày.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cho biết, nếu giếng sâu có thể phải cắt thành ba khúc mới có thể đưa về Bảo tàng Hà Nội được. Khi vận chuyển, phải nhồi lớp độn dày bằng chất liệu mềm vào lòng giếng để giảm lực tác động.