Trước đó, khoảng 18h30 ngày 20/7, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị D. (77 tuổi, trú tại 14 Cổng Lục, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị chó becgie cắn. Gia đình cho biết, bà gặp nạn khi mang thức ăn sang cho cháu gái. Trong lúc nói chuyện với cháu, con chó becgie của nhà chị Ngân lao vào cắn xé bà D. khiến bà ngã xuống nền đất, không thể chống cự.
Chị Ngân chạy vào giải cứu bà ngoại nhưng không đủ sức, sau nhóm thanh niên dùng gậy đuổi đánh, con chó mới chịu nhả ra. Gia đình cho biết, trước đó con chó này chưa từng cắn ai.
Theo các bác sĩ, bà D. nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, huyết động ổn, đa vết thương trên người, trong đó có một vết thương cằm trái, 2 cánh tay có 5 vết thương, 2 vết thương ở đùi phải, thành ngực trái bị xây xát. Xét nghiệm cho thấy giới hạn bình thường, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Quá trình mổ các bác sĩ cắt lọc xử lý cầm máu, khâu đa vết thương phần mềm. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo thể trạng, người bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi tại khoa Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Những sơ cứu ban đầu cần thiết nếu chẳng may bị chó cắn:
Làm sạch vết thương: Điều quan trọng hàng đầu là làm sạch vết thương do chó cắn. Vết thương phải được rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng không nên chà xát mạnh.
Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con chó có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…người bị cắn hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ảnh minh họa: Internet
Dùng thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì nó sẽ rất xót.
Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của người bị nạn lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.
Cầm máu: Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này, đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn.
Trong trường hợp nếu vết thương sâu và bị ra nhiều máu, máu phun thành tia cần dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.
Tiêm phòng dại
Ngay sau khi bị chó dại cắn, bạn cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại. Đồng thời thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào.
Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…hãy đến gặp bác sĩ ngay.