Miền Trung có thể đón mưa lũ dồn dập cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều cơn bão sẽ xuất hiện kết hợp với không khí lạnh đến sớm có thể khiến các tỉnh miền Trung đón mưa lũ dồn dập trong các tháng 10-11 năm nay, nguy cơ tái diễn kịch bản mưa lũ kỷ lục năm 2020.
Miền Trung có thể đón mưa lũ dồn dập cuối năm ảnh 1
Các tỉnh Trung và Nam Trung bộ có nguy cơ đón mưa lớn liên tục trong các tháng 10-11/2022

Mưa có thể nhiều hơn 50-70%

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hầu hết trung tâm khí tượng lớn trên thế giới đều dự báo trạng thái La Nina sẽ duy trì từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%. “Đây là năm thứ 3 liên tiếp, La Nina vẫn duy trì. Điều này rất hiếm gặp bởi thông thường một chu kỳ chỉ kéo dài 2 năm”, ông Lâm nói.

Do tác động của La Nina, từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Số lượng này xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm xuất hiện La Nina, bão thường dồn dập vào cuối năm cùng với nguy cơ xuất hiện các cơn bão có cường độ mạnh, dị thường, trái quy luật.

Một điều đáng lo ngại nữa theo ông Lâm, là không khí lạnh năm nay có khả năng hoạt động sớm, nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở miền Bắc có khả năng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ.

“Sự tác động của các cơn bão mạnh, kết hợp với không khí lạnh đến sớm, cùng điều kiện địa hình sẽ làm các tỉnh miền Trung đối diện với nguy cơ đa thiên tai, mưa bão dồn dập, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất trong các tháng 10-11/2022”, ông Lâm nói.

Cụ thể, dự báo trong tháng 10, tổng lượng mưa Bắc Trung bộ phổ biến cao hơn từ 10-25% so với TBNN, riêng khu vực Trung và Nam Trung bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70%. Tháng 11, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 15-35%, có nơi trên 40%. Tháng 12, tổng lượng mưa toàn miền Trung phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 10-30%. Tây Nguyên cũng đón nguy cơ mưa lũ liên tiếp trong các tháng 10-11 với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 30-60%, trong đó tháng 10 có nơi cao hơn trên 70%.

Nắng nóng ít gay gắt hơn

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, sau tháng 5 và 6 tương đối mát mẻ do mưa nhiều, từ tháng 7, nắng nóng sẽ gia tăng ở các tỉnh miền Bắc, có thể xuất hiện những ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 37 độ C. Gần nhất, từ nay đến 19/6, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ sẽ đón nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.

Tuy nhiên, nắng nóng ở miền Bắc năm nay được nhận định không quá gay gắt và kéo dài. Trong các tháng 7-9, lượng mưa ở miền Bắc vẫn nhiều hơn so với TBNN cùng thời kỳ với tổng lượng mưa trong tháng 7 cao hơn 10-20%, trong tháng 8-9 cao hơn 5-10%.

Dự báo trong hai ngày 18-19/6, Hà Nội ít mưa, có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 35 đến 36 độ, nhiệt độ thấp nhất từ 26 đến 28 độ. Từ chiều tối và đêm 19/6 đến 20/6, Hà Nội có thể đón mưa rào và dông, nhiệt độ trong ngày dao động 27-32 độ.

Tại các tỉnh miền Trung, nắng nóng sẽ gia tăng trong những ngày tới, nhiều nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-17 giờ. Dù mùa hè năm nay được nhận định là ít gay gắt nhưng trong tháng 7 vẫn có thể xuất hiện các giá trị cực đoan liên quan đến nhiệt độ ở miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong bối cảnh biến đối khí hậu, nắng nóng ngày càng khắc nghiệt, bão mạnh dị thường trái quy luật ngày càng tăng, mưa cực đoan trong thời gian ngắn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Ví dụ thời gian gần đây, Hà Nội xuất hiện những trận mưa có cường độ rất lớn, chỉ trong 1-2 giờ có thể lên tới 150mm.

MỚI - NÓNG