Miền Trung chới với trong biển lũ

Miền Trung chới với trong biển lũ
TP - Đến cuối giờ chiều hôm qua, 16/11, miền Trung – Tây Nguyên đã có gần 30 người chết và mất tích do mưa lũ trong gần hai ngày qua. Hàng vạn ngôi nhà ngập chìm, chới với trong biển nước…

> Nước lũ vây nhà dân, 30 người chết, mất tích
> Miền Trung ngập chìm trong lũ, đã có người tử vong

Dân đuối sức hết rồi

Dù nằm sát quốc lộ, nhưng nhà vợ chồng ông Phan Sơn (87 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Quế Sơn 2, Quế Sơn, Quảng Nam) và bà Lê Thị Diệu Châu (82 tuổi) lênh láng nước. Nhà có 5 người nhưng tất cả đều đi làm xa. Hai ông bà già nửa đêm thấy nước lũ gần tràn vào nhà vội kê đồ lên cao. Bà Châu thường xuyên đau yếu, và quá già, nên khi nước lũ vào bà phải nằm chịu trận cùng đống đồ đạc. Ông Sơn buồn rầu: “Cơn bão trước vừa đi qua, chạy vạy mãi mới mua lại tấm tôn để lợp giờ lại đến nước lụt. Dân chúng tôi đuối sức hết cả rồi”.

Các tuyến đường liên xã cũng bị nước lũ san bằng, phải đi lại bằng ghe. Nhà bà Phạm Thị Hồng dù xây cao hơn mặt đường gần nửa mét nhưng đến 9 giờ sáng nước cũng tràn vào nhà. Tất bật dọn đồ chạy lũ đến hơn 2 giờ chiều cả nhà mới có bữa cơm trưa. Nhìn trời trút nước, bà Hồng lo sợ cứ đà này lại giống trận lụt năm 1999 nước ngập nửa nhà thì không biết dắt díu nhau chạy đi đâu.

Các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Duy Xuyên và TP Hội An (Quảng Nam) đã phải sơ tán 4.269 hộ/16.905 khẩu ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm. Lữ đoàn 574 (đóng tại Hương An, Quế Sơn) điều 18 chiến sĩ đến khu vực thị trấn Nam Phước theo dõi tình hình, kịp thời đối phó. Tại huyện Đại Lộc, các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Cường, nước lũ vẫn còn ở mức từ 1- 2m, huyện đã đề nghị điều động hơn 500 cán bộ bộ đội giúp các trường học khắc phục lũ lụt. Huyện cũng chuẩn bị 1.000 thùng mỳ tôm, 30 tấn gạo để chuẩn bị ứng cứu cho các địa phương cứu đói cho nhân dân vùng lũ.

Nhà ông Lê Quý Vinh (tổ 13, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) sập do lũ cuốn. Ảnh: ngọc văn
Nhà ông Lê Quý Vinh (tổ 13, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) sập do lũ cuốn. Ảnh: Ngọc Văn.

Sáng 16/11, đứng trước căn nhà bị đổ sập hoàn toàn do lũ lớn tràn về bất ngờ, ông Lê Quý Vinh (tổ 13, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, TT-Huế) chưa hết bàng hoàng: “Trưa qua, trời chỉ lất phất mưa, cả nhà tui vẫn đi làm bình thường. Ai dè, chiều tối xong việc trở về, ai nấy bỗng chốc trở nên vô gia cư, chỉ còn một đống hỗn độn thế này”.

Tại khu vực 8 - phường Tứ Hạ - thị xã Hương Trà, lũ về bất ngờ khiến nhiều gia đình chịu thiệt hại lớn về tài sản, do không kịp di dời. Anh Nguyễn Mười (trú phường Tứ Hạ - Hương Trà) kể: “Tối, lũ dâng nhanh. Vứt xe máy lội bộ về được đến nhà thì đã thấy tủ lạnh, máy giặt, giường tủ gỗ bị nước lũ làm bong rã, hư hỏng hết”. Tại TP Huế, nhiều gia đình nháo nhác tìm người thân, con cái lúc cuối ngày 15/11 do lũ lớn bất thường gây tắc đường nghiêm trọng.

Đến 16g chiều 16/11, các hồ thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam vẫn tiếp tục xả lũ. Đặc biệt, hồ Thủy điện Sông Tranh 2, nước hồ chứa đã vượt cao trình 6 cửa tràn hơn 3m, lưu lượng nước về hồ 1995,13 m3/s, lưu lượng tự tràn qua ngưỡng tràn và qua các tổ máy là 2498,19 m3/s. Hồ thủy điện A Vương, phát điện qua tổ máy với 78 m3/s và tiến hành xả tràn 208 m3/s. Mực nước hồ Đak Mi 4 xả tràn là 350 m3/s, phát điện 98,56 m3/s.

Tại Phú Yên, dù lũ đang giảm, nhưng dự báo từ chiều tối 16/11, nước sông Ba Hạ tiếp tục tăng dâng cao, đạt báo động dưới cấp 3 từ 0,4 đến 0,5m, trong khi thủy điện xả lũ lớn uy hiếp vùng hạ du.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, dự báo trong 24 giờ tới, lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện ở Phú Yên khoảng 7.000 m3/giây. Ông Đặng Văn Tuần, Tổng GĐ Cty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, nếu lũ đạt đỉnh, nhà máy thủy điện sông Ba Hạ sẽ nâng lưu lượng xả lũ lên 5.400 m3/giây, dẫn đến nước trên sông Ba sẽ tiếp tục dâng cao, vùng hạ du cần đề phòng lũ quét.

Cô lập

Đến khoảng 9g sáng 16/11, tuyến QL1A qua thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã bị ách tắc do lũ. Một số hộ dân hai bên đường đã dùng xe bò, xe tải để vận chuyển xe máy qua khỏi đoạn ngập nước, với giá 20-30 ngàn đồng/lượt. Công an đã chốt gác đảm bảo an toàn cho người và xe cộ. Dân cư hai bên đường quốc lộ cũng bị cô lập, phải đi lại bằng thuyền.

Tại huyện Quế Sơn, các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2… cũng bị ngập nặng, nhiều nhà nước ngập đến gần mái. Anh Trần Ngọc Lưu (Quế Xuân 2) cho biết đã đưa vợ con đi tránh lũ ở nơi cao hơn, đồ đạc trong nhà phải gởi hàng xóm từ sớm, sợ nước dâng đột ngột không kịp xoay sở.

Người dân Quảng Ngãi bẻ mì tôm ăn sống
Người dân Quảng Ngãi bẻ mì tôm ăn sống.

Mưa vẫn trắng trời suốt ngày 16/11. Người dân bị mắc kẹt ở ngoài quốc lộ, đoạn từ thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) đến Quế Sơn. Ông Nguyễn Nam (Duy Sơn, Duy Xuyên) thở dài: “Toàn bộ đường vào xã đã bị ngập trắng. Gọi điện về nhà mọi người nói nước lên rất nhanh. Xót ruột quá nhưng không có cách nào trở về nhà được”.

Tại Đèo Le (Quế Sơn), mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng khoảng 20m đường vừa mới được sửa chữa trong cơn bão số 11, gây nguy hiểm cho người đi đường. Các tuyến đường ĐT và ĐH trên địa bàn tỉnh tại các huyện phía bắc bị ngập lụt, ách tắc giao thông và chia cắt. Tuyến đường ĐT 616 bị sạt lở 3 vị trí tại huyện Bắc Trà My gây ách tắc giao.

Tại Đà Nẵng, nước sông Túy Loan dâng nhanh, tràn vào nhà hàng ngàn hộ dân. Đến chiều 16/11, 200 hộ dân tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) được chính quyền vận động sơ tán, do lo sợ trong đêm mực nước sẽ tiếp tục tăng.

Quảng Ngãi đang bị nhấn chìm trong biển lũ. Ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Đỉnh lũ tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi đều đạt và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, nhấn chìm hàng ngàn nhà dân.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cho biết, đã có 531 hộ dân trong vùng sạt lở, trũng thấp ven sông Kỳ Lộ được di dời từ chiều ngày 15/11, đang trở về nơi ở cũ. Thế nhưng, đến chiều 16/11, nhiều cầu tràn trên các con đường bê tông đấu nối ĐT641 với các thôn của xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) nước vẫn ngập gần 1m, cô lập một số khu dân cư.

Tại huyện Tuy An, nhiều đường vào thôn Định Trung 2 và 3 vẫn bị nước lũ chia cắt. Đường từ cầu Long Phú đi đập Bà Câu, xã An Cư và từ cầu Cây Cam đi các xã An Nghiệp, An Xuân vẫn chưa được thông suốt, nước lũ chảy xiết.

Lũ lên nhanh bất ngờ gây ngập trên 11.000 nhà dân, tập trung chủ yếu ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và thành phố Huế. Đến chiều tối 16/11, nhiều tuyến đường từ Huế về thị xã Hương Trà và các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang còn bị ngập sâu chia cắt. Đoạn đường sắt đi qua phường Hương Chữ (Hương Trà) cũng bị nước lũ ồ ạt tràn qua. Tại rốn lũ Quảng Điền, mưa lụt dồn dập uy hiếp hơn 2.000 mét đê bao quanh các khu dân cư. Huyện khẩn trương huy động trên 500 nhân công tham gia hộ đê.

Cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ

Đến cuối chiều 16/11, lực lượng cứu hộ và thanh niên tình nguyện tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp cận được hầu hết người dân vùng lũ ở huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa bị chia cắt, cô lập từ trưa 15/11. UBND tỉnh và NMLD Dung Quất, Cty CP Đường Quảng Ngãi... đã xuất hàng chục ngàn thùng mì tôm, nước uống để cấp cho người dân; giúp dân dọn vệ sinh nhà cửa khi nước rút. Riêng các huyện miền núi hiện vẫn còn chia cắt.

Quảng Ngãi khẩn cấp cứu trợ người dân vùng lũ. Ảnh: phú đức
Quảng Ngãi khẩn cấp cứu trợ người dân vùng lũ. Ảnh: Phú Đức.

Nghĩa Hành là huyện thiệt hại nặng nhất với gần 14.000 hộ dân ở 12/12 xã bị ngập lụt từ 2- 3,5 mét. Đến cuối giờ chiều 16/11, Quảng Ngãi có 5 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương; hơn 7.000 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; hàng ngàn tấn lương thực bị ướt và cuốn trôi. Hiện tại còn 6/12 xã mất thông tin liên lạc, điện thắp sáng. "Hiện 3 thôn Tân Hoà, Phú Khương và Tân Phú 1 của xã Hành Tín Tây bị cô lập hoàn toàn, lực lượng cứu hộ đang tìm phương án tiếp cận để cứu trợ", ông Lữ Đình Phô, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cho biết.

Đến 18h ngày 16/11, ông Nguyễn Tấn Thu - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) cho biết: Lực lượng ĐVTN và dân quân tự vệ của xã đã mang mì tôm, nước uống đến cấp phát tận nhà cho 350 hộ dân dọc sông Vệ bị ngập chìm trong nước lũ.

Tại thôn Ân Phú, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) - địa phương nằm giữa dòng sông Trà Khúc cũng đã được lực lượng cứu trợ tiếp cận và trao hàng trăm thùng mì tôm cho người dân. Chị Hà Thị Anh Thư - Bí thư Tỉnh Đoàn trực tiếp chỉ đạo ĐVTN tham gia cứu trợ ở đây, cho biết: Do nước dâng cao, người dân không nấu ăn được nên khi nhận được mì tôm nhiều người đã phải ăn sống để cho qua cơn đói. Ngày 17/11, lực lượng TNTN tiếp tục cứu trợ, giúp dân khắc phục hậu quả của trận lũ tại huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, Ba Tơ... Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Ba Tơ bị sạt lở nghiêm trọng và đứt thông tin liên lạc. Tuyến đường QL 1 A qua tỉnh đến 16h đã được thông.

Theo ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch tỉnh: Có gần 8.000 hộ với gần 30.000 nhân khẩu phải di dời; hàng ngàn nhà dân bị ngập và hư hỏng nghiêm trọng. Chiều và đêm nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng cứu hộ tiếp cận để cứu trợ cho người dân vùng lũ, đảm bảo không để cho người dân nào chết vì đói và rét.

16 người chết, mất tích

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đến hôm qua, số người chết, mất tích do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây lên đến 16 người.

Đến chiều 16/11, tại Quảng Nam mưa lũ đã làm 5 người chết, 6 người bị thương.

Ông Nguyễn Sinh (53 tuổi, trú khối phố Đồng Hiệp, phường Minh An, TP Hội An), tử nạn trong lúc trú lũ. Khoảng 11h trưa 16/11, ông Sinh đang ở trên gác nhà tránh lũ và bị bệnh động kinh rớt từ trên gác nhà xuống dưới nền, không qua khỏi. Tại Đại Lộc em Lê Ngọc Triều (1996, trú thôn Ô Gia Nam, Đại Cường) bị nước lũ cuốn trôi khi chèo ghe đi lùa vịt trên đồng ruộng đến nơi cao. Cũng tại huyện này, mưa lũ khiến 6 người bị thương khi chạy lũ. Anh Nguyễn Văn Khải, 35 tuổi, trú thôn Phước Yên (Đại An), trong lúc dọn lụt bị rắn cắn và nhập viện cấp cứu.

Quân đội tăng cường giúp người dân Quảng Ngãi ứng phó với lũ. Ảnh: phú đức
Quân đội tăng cường giúp người dân Quảng Ngãi ứng phó với lũ. Ảnh: Phú Đức.

Tại TP Tam Kỳ, ông Dương Ngữ (58 tuổi, khối phố Ngọc Nam, phường An Phú) bị chết do nước lũ cuốn trôi trong khi đang đi thả lưới đánh cá tại sông Đầm sáng ngày 16/11. Tại huyện Nam Trà My, vào lúc 15 giờ ngày 15/11, trên đường đi làm rẫy về, anh Nguyễn Thành Dũng (29 tuổi, làng Tu Nứt, thôn 5 xã Trà Cang) bị nước lũ Sông Tranh cuốn trôi, đến sáng ngày 16/11 thi thể được tìm thấy. Tại huyện Nông Sơn, mưa lũ đã khiến bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh) tử vong.

Đến cuối chiều 16/11, Quảng Ngãi có 5 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương. Tại huyện Sơn Tây, sạt lở núi đã làm sập 1 ngôi nhà vùi lấp vợ chồng anh Đinh Văn Lang và Đinh Thị Hiếp ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung, vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân. Một người khác bị thương do lở núi thôn Gò Re (xã Ba Ca, Ba Tơ). Sáng 15/11, cháu Vương Thị Thu Thuỷ, học sinh lớp 5 trường tiểu học Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) trên đường đến trường bị gió lớn bất ngờ hất văng xuống sông, tử nạn. Tại Phú Yên, chiều 16/11, anh Đỗ Văn Lanh (33 tuổi, xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu), bị nước cuốn mất tích khi dùng thúng chai hành nghề mành tôm.

Sáng 15/11, tại khu vực ngầm Tà Nang, xã Đông, huyện K’Bang, Gia Lai, hai cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (ở tổ dân phố 5, thị trấn Kbang) và cô Nguyễn Thị Yến (33 tuổi - ở tổ dân phố 2, thị trấn Kbang) đã bị nước cuốn trôi trên đường đi dạy tại xã Kông Lơng Khơng. Cô Nga đã tử vong ngay sau đó, cô Yến vẫn còn mất tích.

Tại thôn Đắk Bút, xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, bà Y Hiên (38 tuổi) cũng bị nước lũ cuốn trôi, tử vong khi đang trên đường đi làm rẫy.

Mưa và xả lũ gây ngập lụt ở Gia Lai, Kon Tum

Tại Gia Lai, nhiều tuyến đường tại thị xã An Khê và huyện K’Bang đã bị ngập sâu trong nước, gây tắc nghẽn. Khu vực đèo An Khê bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông trên tuyến QL19. Cuối giờ chiều 16/11, nhiều địa phương đã có số liệu thống kê thiệt hại ban đầu: Huyện Krông Pa 600 ha lúa, hoa màu bị ngập; thị xã An Khê có khoảng 34 hộ gia đình bị ngập; ở huyện Kbang có 38 nhà dân phải di dời do ngập lụt, tuyến đường Đông Trường Sơn qua Sơn Lang bị sạt lở.

Mưa lớn, cộng với việc xả lũ gấp khiến nhiều vùng ở hạ lưu thủy điện An Khê – Ka Nak rốt ráo chạy lũ. Theo ông Hồ Văn Diện – phó chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, khoảng 2h ngày 16/11, nhà máy thuỷ điện An Khê – Ka Nak xả lũ thượng nguồn nên gây ngập các vùng hai bên bờ sông Ba - đoạn chảy qua thị xã. Trong đêm, UBND thị xã đã huy động người và phương tiện đưa toàn bộ dân, trâu bò ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại Kon Tum, đoạn Quốc lộ 24 – Kon Tum đi Quảng Ngãi đã bị tắc nghẽn, các phương tiện không thể lưu thông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG