Nhẹ cả người
Chị Thanh Tân (38 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) có hai con đang theo học lớp 7 và lớp 4 trường công lập ở Hóc Môn. Với tổng thu nhập khoảng 15 triệu mỗi tháng từ việc bán hàng online của chị và lái xe tải của chồng, gia đình phải chi cho hai con ăn học hàng tháng hết 7 triệu đồng. Thời điểm đầu năm học thường nặng gánh nhất với gia đình chị Tân, vì phải đóng đủ khoản tiền, cộng thêm chi phí mua sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục mới. “Chi li, tiết kiệm đến mấy thì đầu năm cũng mất gần 6 triệu đồng cho cả 2 con”, chị Tân chia sẻ. Vì vậy, khi nghe tin TPHCM chính thức miễn, giảm học phí cho mọi cấp học, chị Tân rất vui mừng. “Với những người lao động thu nhập thấp như tôi, đây là khoản đáng kể trong tình cảnh công việc bấp bênh như hiện nay”, chị Tân bày tỏ.
Học sinh TPHCM trong lễ tựu trường năm học 2024-2025. Ảnh: Nhàn Lê |
Chị Minh Châu (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng nhẹ nhõm khi đọc được thông tin học phí được miễn, giảm ở nhiều cấp học. “Đồng lương từ nghề bán hàng rong nhưng phải chi trả tiền trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt rồi tiền học cho hai con, nhiều lúc tôi đã tính đến phương án gửi con về quê vì không kham nổi. Năm nay, nếu học phí được miễn giảm như vậy, tôi sẽ cho con tiếp tục học ở thành phố”, chị Châu nói.
HĐND TPHCM mới đây ban hành nghị quyết quy định mức học phí đối với học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo. Mức thu được chia thành hai nhóm. Nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận. Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện. So với năm ngoái, mức học phí mới này giảm khoảng 100.000 - 240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học và bằng với mức thu của 4 năm trước. Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025. Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026.
Cụ thể, tất cả học sinh ở nhóm 1 được giảm, nhiều nhất ở cấp trung học cơ sở, từ 300.000 đồng xuống còn 60.000 đồng mỗi tháng. Còn lại, học phí giảm từ 100.000 - 180.000 đồng mỗi tháng. Với nhóm 2, học sinh bậc THCS và THPT có mức giảm lần lượt là 70.000 đồng và 100.000 đồng mỗi tháng. Đối với hình thức học trực tuyến, mức thu học phí bằng 50% so với mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh THCS công lập và ngoài công lập. Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được hưởng hỗ trợ từ năm học 2022-2023 đến hết năm 2024-2025. Tỉnh chi hơn 568 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho cả giai đoạn 2022-2025. Mới đây, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định miễn toàn phần học phí cho trẻ nhà trẻ, mẫu giáo, học sinh THPT công lập và ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên. Thời gian hỗ trợ theo số tháng học tập thực tế tại các cơ sở giáo dục nhưng tối đa không quá 9 tháng/năm học, bắt đầu từ năm học 2024-2025. Tỉnh sẽ chi khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ học phí cho học sinh.
Ngày 22/8, kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025. Với mức học phí này, so với quy định, tỉnh Bình Dương phải chi ngân sách địa phương để hỗ trợ tới 50% học phí cho học sinh các trường công lập.
Tăng cường giám sát thu chi
Dù vui mừng khi học phí được miễn giảm nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo các khoản phát sinh ngoài học phí và vấn nạn lạm thu mỗi khi đến mùa tựu trường. Anh Thanh Vũ (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) bày tỏ: “Học phí chỉ là một phần, quan trọng là đầu năm học vào, phụ huynh phải đóng rất nhiều chi phí như sổ liên lạc điện tử, quỹ trường, quỹ lớp, tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống, bán trú… Chỉ mong các khoản thu được minh bạch, rõ ràng để phụ huynh đỡ gánh nặng”.
Bình Thuận miễn học phí trẻ mầm non
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết, tỉnh chọn phương án thu học phí theo mức thu thấp nhất được quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ. Từ năm học 2024-2025, trẻ mầm non 5 tuổi tại tỉnh Bình Thuận sẽ được miễn học phí hoàn toàn. Năm học 2023-2024, Bình Thuận chi kinh phí hỗ trợ học phí là hơn 215 tỷ đồng, gồm cấp tỉnh hơn 68 tỷ đồng và các huyện, thị xã, thành phố hơn 147 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, đơn vị đang phối hợp với Sở Tài chính TPHCM xây dựng nội dung hướng dẫn về các khoản thu để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện. Từ đó, cha mẹ cũng có cơ sở để dễ dàng theo dõi về học phí. “Sở sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát để đảm bảo việc thu chi thực hiện đúng quy định, thống nhất theo đúng tinh thần chung. Chúng tôi sẽ tiếp thu phản hồi từ cơ quan báo chí, cha mẹ học sinh để có điều chỉnh, nhắc nhở phù hợp”, ông Quốc nhấn mạnh.
Đối với các trường ngoài công lập, ông Quốc cho biết, các trường sẽ phải thuyết trình về mức thu học phí. Mức thu học phí sẽ dựa trên nhiều tiêu chí, không chỉ đánh giá trên mức thu học phí sàn của Sở. Học phí của các trường ngoài công lập không được tăng quá 10% trên năm, giá dịch vụ tăng không quá 15%.
Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TPHCM), thông tin, mức học phí tại trường từ 300.000 đồng/tháng được giảm xuống còn 60.000 đồng/tháng trong năm học này. “Ngân sách của TPHCM có thể cấp bù cho các trường được nên việc giảm học phí sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho học sinh. Năm học tới (2025-2026), học sinh THCS tại TPHCM còn được miễn học phí. Đây là chính sách rất nhân văn trong bối cảnh nhiều người không có việc làm sau đại dịch COVID-19”, thầy Cường nói.